📞

Sự phát triển của trường phái ‘Ngoại giao cây tre’ trong 90 năm qua ở Việt Nam

Abed Akbari 00:00 | 09/06/2023
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã công bố đường lối ngoại giao mới của Việt Nam với tên gọi “Trường phái cây tre Việt Nam” tại Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc tháng 12/2021 quán triệt, triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Cũng như cây tre Việt Nam, chiến lược chính sách đối ngoại mới của Việt Nam, theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, có rễ bền, thân chắc, cành lá uyển chuyển. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Việc trực tiếp sử dụng một trong những biểu tượng quan trọng của văn hóa Việt Nam để liên hệ trong lĩnh vực đối ngoại không chỉ cho thấy tài ăn nói mà còn thể hiện định hướng đúng đắn, cụ thể của Đảng trong cách nhìn nhận đất nước và quan hệ của mình với thế giới. Một chính sách đối ngoại mới đan xen với tầm nhìn quốc gia, được truyền bá trên nền tảng cội nguồn văn hóa đất nước và phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh, và đồng thời, thông qua việc công nhận các thành tựu hiện tại, nó cố gắng loại bỏ những thiếu sót của nền ngoại giao hiện tại.

Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng giới thiệu tầm nhìn của chính sách đối ngoại mới của Việt Nam, vốn đang cho thấy nước này sẽ đối mặt với những thay đổi mới trong khu vực ASEAN và trên thế giới, và sẽ dẫn tới những bước tiến trong tương lai của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đối với người Việt Nam, cây tre tượng trưng cho một số đức tính tốt của con người: chăm chỉ, ham học hỏi, đoàn kết và dễ thích nghi. Chiến lược đối ngoại mới của Việt Nam cũng dựa trên những truyền thống và phẩm chất đạo đức nổi bật 90 năm trước trong thời đại Hồ Chí Minh và đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để thực hiện mong muốn đưa Việt Nam hòa vào dòng chảy thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng những giá trị này lên một tầm cao mới, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hóa, kinh nghiệm ngoại giao thế giới.

Trường phái tư tưởng này luôn dựa trên các mục tiêu độc lập dân tộc, khoan dung và hữu nghị. Theo cách nghĩ này, ngoại giao nên được sử dụng để ngăn chặn xung đột và ngoại giao phải phù hợp với điều kiện thế giới để Việt Nam có thể hòa vào dòng chảy của thời đại. Theo triết lý trí tuệ này, quan hệ đối ngoại phải dựa trên chủ nghĩa đa phương, tôn trọng các cường quốc và bảo vệ vai trò của luật pháp quốc tế. Ẩn sau trong phương pháp này là công lý và sự thật vì hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc cho mọi người, mọi quốc gia.

Theo trường phái Cây tre Việt Nam, các giá trị văn hóa truyền thống và hành vi ngoại giao Việt Nam được áp dụng bên cạnh những triết lý tiến bộ và phổ quát của nhân loại để tìm kiếm những điểm chung. Đồng thời, ngọn cờ nhân ái, khoan dung, trung thực và hợp pháp được giương cao trong quan hệ quốc tế của Việt Nam nhằm thu hút sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mặt trận ngoại giao, cùng với mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, luôn đóng vai trò sống còn đối với sự nghiệp cách mạng và góp phần cho những chiến thắng vĩ đại tạo nên lịch sử tự hào cho dân tộc Việt Nam, ví dụ như ngoại giao “vừa đánh vừa đàm”. Về khía cạnh này, hệ thống ngoại giao Việt Nam đang nỗ lực tìm ra những hướng đi mới, thứ nhất, thoát khỏi bao vây cấm vận; thứ hai, tạo lập môi trường quốc tế thuận lợi để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội; thứ ba, xây dựng nền ngoại giao duy trì hòa bình ổn định; thứ tư, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam tại khu vực và trên thế giới, mở đường cho quan hệ với nhiều đối tác và tạo ra triển vọng mới cho quá trình Đổi Mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, tháng 12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cũng như cây tre Việt Nam, chiến lược chính sách đối ngoại mới của Việt Nam, theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có rễ bền, thân chắc, cành lá uyển chuyển. Ban đầu, đường lối đối ngoại mới này nhìn nhận mối quan hệ hữu cơ, biện chứng và qua lại giữa đối nội và đối ngoại. Độc lập, tự chủ, bảo đảm tối đa lợi ích của quốc gia, dân tộc luôn là nguyên tắc bất biến, xuyên suốt trong mọi hành động.

Bên cạnh cuộc đấu tranh ngoan cường bảo vệ lãnh thổ, độc lập, chủ quyền của Việt Nam, quan hệ đối ngoại luôn là lợi ích quan trọng, thông qua nó mà các truyền thống và bản sắc độc nhất trong ngoại giao, đối ngoại của Việt Nam đã được hình thành: anh hùng, nhân ái, đồng cảm, khoan dung, tôn trọng sự thật, công lý và lẽ phải.

Ngoài việc mang lại sự nhất quán trong triển khai chính sách đối ngoại, triết lý Ngoại giao cây tre sẽ truyền cảm hứng cho mọi người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trên thế giới trở thành những đại sứ của đất nước mình trên bình diện quốc tế trong việc thúc đẩy thịnh vượng quốc gia.

Do đó, năm bài học thực tiễn của trường phái ngoại giao tre Việt Nam là: Thứ nhất, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Thứ hai, kiên định nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Thứ ba, xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Thứ tư, bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Thứ năm, bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.

Theo các luận điểm này, mục đích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề “Tạo lập và phát triển nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc” trước hết là để giới thiệu một hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, sau đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đối ngoại trong chiến lược tổng thể xây dựng đất nước. Và chính đối ngoại tạo ra một tinh thần, quyết tâm và động lực mới cho toàn bộ hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và những người tham gia hoạt động đối ngoại.

Nếu như trong đời sống hàng ngày của Việt Nam, cây tre có vai trò trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt như thế nào (có mặt trong các loại thực phẩm, thảo dược, xây nhà, xây cầu, nhạc cụ cho đến thần thoại, văn hóa) thì tương tự cũng là nguồn cảm hứng cho đường lối đối ngoại và ngoại giao.

Nếu những quan điểm và chính sách này được thực hiện, ngoài việc mang lại sự nhất quán trong triển khai chính sách đối ngoại nó sẽ truyền cảm hứng cho mọi người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trên thế giới trở thành những đại sứ của đất nước mình trên bình diện quốc tế trong việc thúc đẩy thịnh vượng quốc gia. Chắc chắn, quan điểm này hứa hẹn sẽ tạo một tương lai tươi sáng cho Việt Nam, cũng như sẽ mang lại vô số lợi ích cho khu vực ASEAN và các bạn bè, đối tác của Việt Nam.