Ngày 4/4, đánh dấu thời điểm “leo thang mới” trong cuộc khẩu chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi cả hai bên đều ra tuyên bố áp đặt mức thuế cao lên các mặt hàng nhập khẩu thuộc các lĩnh vực chiến lược của nhau. Phía sau vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, với chính quyền Tổng thống Donald Trump, mục đích của việc khơi mào các biện pháp trừng phạt không chỉ nhắm vào mục đích giảm thâm hụt thương mại, mà còn để chi phối kế hoạch nâng cấp nền kinh tế, thống trị ngành công nghệ cao mang tên “Made in China 2025” của Trung Quốc.
Tại sao Mỹ lo lắng?
Hơn 100 từ “Made in China 2025” đã được nhắc tới trong bản báo cáo dài 200 trang của Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra hôm 22/3, dù mục đích của bản báo cáo này là chỉ ra các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh. Như vậy, nỗi lo thực sự của Mỹ về “Made in China 2025” không chỉ là việc các mặt hàng công nghệ, viễn thông, điện tử… mà Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ đều đã hưởng lợi từ tài sản trí tuệ Mỹ, như trong tuyên bố áp thuế của Tổng thống Donald Trump.
“Made in China 2025” đề ra kế hoạch nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc trong các ngành chiến lược. (Nguồn: Sina) |
Trên thực tế, cùng với kế hoạch “Made in China 2025”, việc các doanh nghiệp Trung Quốc đang không ngừng gia tăng sự hiện diện, cũng như tiếp quản các công ty hàng đầu trong các ngành công nghệ cao, được coi là sẽ đưa Trung Quốc giành lấy vị trí dẫn đầu trong ngành tự động hóa và robot - là động lực tăng trưởng của thế kỷ 21, mới là vấn đề Mỹ thấy lo ngại hơn.
“Điều đó không có lợi cho Mỹ”, trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng khẳng định như vậy. Nhằm củng cố ngôi vị của mình, Washington cáo buộc Bắc Kinh đã có các hoạt động không công bằng như buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, nếu muốn làm ăn ở thị trường nước này.
Mỹ đang có mức thâm hụt thương mại kỷ lục với Trung Quốc là 375 tỷ USD vào năm 2017. Đó là một vấn đề lớn, nhưng chính quyền của Tổng thống Trump dường như quan ngại hơn đến các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong tương lai gần. Như Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro ngày 28/3 khi trả lời phỏng vấn Bloomberg TV đã nói rằng, Kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh như muốn tuyên bố với thế giới rằng, nước này sẽ thống trị tất cả các ngành công nghiệp mới nổi trong tương lai. Tức là, sẽ còn rất ít cơ hội cho các nền kinh tế khác.
Một mối quan ngại khác của Mỹ chính là khả năng quốc tế hóa sản xuất của kế hoạch “Made in China 2025”. Mục tiêu của Bắc Kinh lúc này không còn là hàng Trung Quốc ở khắp thế giới nữa, mà là Trung Quốc sản xuất trên khắp thế giới. Không còn mong là công xưởng của thế giới vì sản xuất tốn kém năng lượng, sử dụng nhiều lao động, phá hoại môi trường, cạn kiệt tài nguyên… đổi lại giá trị gia tăng không nhiều, lợi nhuận phần lớn rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài nắm công nghệ. Kế hoạch “Made in China 2025” chính là công cụ để Trung Quốc cải thiện tình trạng thua thiệt này. Và đó cũng chính là những lý do thúc giục Mỹ phải hành động.
“Made in China 2025”?
Sản xuất tại Trung Quốc 2025 hay “Made in China 2025” lần đầu được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra trong bản báo cáo công tác chính phủ năm 2015, nhằm cải thiện công nghiệp sản xuất ban đầu là đến năm 2025, tiếp đó là năm 2035 và 2049. Mục đích là nhằm chuyển đổi Trung Quốc sang một cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới theo hướng công nghệ hiện đại.
“Made in China 2025” đề ra kế hoạch nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chiến lược như công nghệ thông tin, máy công nghệ cao và robot, hàng không vũ trụ, thiết bị hàng hải và tàu biển, vận tải đường sắt tiên tiến, thiết bị vận tải sử dụng năng lượng mới, năng lượng, máy móc nông nghiệp, vật liệu mới và y sinh học. Ngoài ra, từ năm 2017, Bắc Kinh đã triển khai chiến lược phát triển trí thông minh nhân tạo.
Theo đó, mục tiêu chính là sự độc lập về công nghệ, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể hơn, đến năm 2025, Trung Quốc có thể tự cung cấp 70% các linh kiện cốt lõi và nguyên vật liệu cơ bản trong các ngành công nghiệp như thiết bị hàng không và viễn thông; 40% lượng chip điện thoại di động; 70% bộ phận của robot công nghiệp và 80% số thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo. Từ đó, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ không còn phải quá lo lắng về các điểm yếu của mình, chẳng hạn như trừng phạt thương mại kiểu như Mỹ đang đe dọa áp dụng.
Khẩu chiến thương mại giữa hai cường quốc đã được đẩy lên cao trào, nhưng khả năng về một cuộc Chiến thương mại vẫn phải đợi “hồi sau” mới rõ. Các nhà đầu tư đang ngóng chờ tin tức tốt đẹp từ Mỹ sau bài phát biểu có tính chất “xuống thang”, mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường Trung Quốc, giảm sự mất cân bằng thương mại đối với các đối tác của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/4, tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao 2018.
Tuy nhiên, câu hỏi liệu kế hoạch áp thuế của ông Trump có ảnh hưởng tới kế hoạch “Made in China 2025” của ông Tập hay không? Ít người cho rằng, Trung Quốc sẽ thay đổi lộ trình hiện đại hóa ngành công nghiệp chiến lược của mình, không chỉ vì tham vọng trở thành siêu cường, là đối thủ duy nhất của Mỹ, mà còn vì mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, nâng cấp nền kinh tế, duy trì sự cạnh tranh bằng cách tiến sâu trong chuỗi giá trị, từ sản xuất sử dụng nhiều lao động sang công nghệ tiên tiến.