Ông Nakajima Takeo tại sự kiện Giới thiệu mô hình kinh doanh, dự án mới của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (Japan Business Pitch Vol.1), ngày 7/6 tại Hà Nội. (Ảnh: Diễn Tú) |
Theo kết quả khảo sát của JETRO năm 2023, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục xem Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng. Tại sao lại là Việt Nam, thưa ông?
Chúng tôi thực hiện khảo sát với công ty mẹ tại Nhật Bản về xu hướng đầu tư khi nhìn ra toàn cầu thì họ lựa chọn đâu là những thị trường tiềm năng. Và đối với các công ty mẹ, họ tiếp tục lựa chọn Việt Nam đứng thứ hai, chỉ đứng sau Mỹ. Đây cũng là vị trí mà Việt Nam giữ vững trong bảy năm liên tiếp.
Ở vị trí đầu bảng, Mỹ và Trung Quốc thường là hai quốc gia thay phiên nhưng Việt Nam vẫn luôn ổn định ở vị trí thứ hai, cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao vị thế của đất nước các bạn khi nhìn từ góc độ toàn cầu.
Vì sao vậy? Tôi có thể đưa ra bốn lý do chính. Thứ nhất, Việt Nam đang sở hữu một thị trường trong nước tăng trưởng tốt với dân số hơn 100 triệu người, phần lớn là giới trẻ. Đây sẽ là thị trường tiêu dùng dồi dào, tiềm năng cho sự phát triển của mảng kinh doanh doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B).
Thứ hai, Việt Nam đang được đánh giá là một cứ điểm hấp dẫn cho sản xuất và xuất khẩu do mức phí sản xuất khá cạnh tranh, nguồn nhân lực đông đảo, được đào tạo, sở hữu nhiều khu công nghiệp. Chính phủ cũng thường xuyên tạo điều kiện, dành nhiều ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là điểm mạnh của Việt Nam. Theo khảo sát mới của JETRO về nguồn nhân lực, Việt Nam đứng đầu ASEAN về chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ tư, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, Việt Nam có sự ổn định về mặt kinh tế, chính trị. Nếu nhìn trong vài năm tới, tình hình kinh tế, chính trị của Việt Nam vẫn được doanh nghiệp Nhật Bản dự báo là ổn định, ngay cả so với nhiều nước ASEAN.
Việt Nam cần làm gì để tiếp tục tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản? Đâu sẽ là những lĩnh vực tiềm năng?
Có ba hình thức hợp tác theo tôi là tiềm năng. Hình thức thứ nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để đưa các kỹ thuật mới, dịch vụ chất lượng cao của Nhật Bản vào áp dụng trong sản xuất.
Một trong những thương vụ nổi bật gần đây là việc Tập đoàn Morinaga - nhà sản xuất sữa hàng đầu Nhật Bản, với chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đã mua lại cổ phần của Công ty CP Elovi Việt Nam. Từ thương vụ này, Morigana đã áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để sản xuất và cho ra các sản phẩm sữa chất lượng cao, phục vụ thị trường Việt Nam.
Hình thức thứ hai là doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam có sẵn công nghệ cao và công nghệ tốt, tận dụng kinh nghiệm từ Nhật Bản. Thương vụ điển hình là vào tháng 3/2024, NTT e-Asia Pte. Ltd trực thuộc tập đoàn viễn thông - công nghệ thông tin đứng thứ tư thế giới và hàng đầu tại Nhật Bản NTT East ký hợp tác chiến lược đầu tư với Công ty CP Công nghệ viễn thông AWING. Theo đó, NTT e-Asia sẽ sử dụng kỹ thuật, công nghệ của AWING, cộng với kinh nghiệm ở nước ngoài để phát triển mảng quảng cáo, mở rộng thị trường ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Hình thức thứ ba là hợp tác dưới dạng đối tác bình đẳng, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến xã hội, môi trường. Nhật Bản và Việt Nam sẽ tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng cùng nhau giải quyết các vấn đề của nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế xanh… mà ở quy mô một doanh nghiệp, một địa phương rất khó có thể tự mình xử lý.
Ông dự báo như thế nào về dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới vào tháng 11 vừa qua?
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2023 có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là một thị trường đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản.
Thời gian tới, hình thức đầu tư phổ biến của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ chủ yếu thông qua việc mua cổ phần, góp vốn với quy mô và lượng vốn nhỏ hơn. Có thể nói, cả quy mô và hình thức đầu tư đều thay đổi.
Dù Việt Nam được coi là một cứ điểm sản xuất của chuỗi cung ứng toàn cầu, phục vụ xuất khẩu nhưng tôi cho rằng lĩnh vực sản xuất sẽ không thu hút doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới. Doanh nghiệp Nhật Bản đang nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường nội địa Việt Nam và hướng tới thị trường này. Thời gian qua, có thể thấy động thái đầu tư từ các “ông lớn” như AEON Mall, Uniqlo, Matsukiyo… đều đang đặc biệt quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua các kế hoạch dài hạn.
Đánh giá của ông về mức độ cải thiện tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, điều có tác động tích cực đến việc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhật Bản?
Báo cáo Kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2023 của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đang tăng dần khi tỷ lệ thu mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện tại chỗ của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đạt 41,9% (tăng gần 10% trong 10 năm). Trong đó, thu mua từ các doanh nghiệp địa phương là 17,2%, tăng 2,2% so với năm trước và cao hơn mức trung bình 10,4% từ ASEAN.
Tuy nhiên hơn 40% có nghĩa là khoảng 60% còn lại Việt Nam vẫn đang phụ thuộc từ nhập khẩu bên ngoài. Đây là dư địa để Việt Nam tiếp tục cải thiện tỷ lệ nội địa hóa này. Tỷ lệ nội địa hóa càng cao sẽ thể hiện thực lực của doanh nghiệp Việt Nam càng tăng, đồng thời hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cắt giảm chi phí sản xuất.