Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2021. (Ảnh: Vân Chi) |
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS. TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước là mức giảm sâu nhất kể từ khi có thống kê về GDP theo quý.
Khu vực dịch vụ giảm 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, khu vực nông lâm,và thủy sản tăng nhẹ 1,04%. Tính chung GDP trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42%.
Nguyên nhân tăng trưởng âm quý III/2021 được đánh giá là do việc áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh mang tính cực đoan ở nhiều địa phương trên cả nước, khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể, trong quý III, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 36,9 nghìn doanh nghiệp, giảm hơn 50,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hàng triệu lao động đã phải tạm ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc.
Trong khi đó, chi phí sản xuất lại tăng cao, bên cạnh nguyên liệu đầu vào, các chi phí liên quan đến kiểm soát dịch bệnh cũng trở thành gánh nặng của doanh nghiệp tại các vùng có dịch.
Tính đến cuối tháng 8/2021, giá hàng hóa nhiên liệu đã tăng 33%, giá xăng dầu tăng 28%; giá nguyên vật liệu nông nghiệp dạng thô tăng 6%; giá hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 11% và giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 11% so với đầu năm 2021.
Về thương mại quốc tế, Việt Nam được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do và dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, tuy nhiên tăng trưởng thương mại lại có xu hướng giảm dần qua các quý của năm.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng tới 18,8%, nhưng riêng quý III chỉ tăng 5,2%; kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm tăng 30,5%, nhưng riêng quý III chỉ là 22,6%.
Từ đó, ông Phạm Thế Anh cho rằng, thách thức tăng trưởng trong năm 2021 là rất lớn.
Báo cáo của VEPR cũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng trong năm 2021. Ở kịch bản xấu, khi dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát, trong khi Việt Nam, tình trạng “đóng-mở” cửa nền kinh tế lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca lây nhiễm gây thiệt hại đến sản xuất.
Một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất, tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra, chi phí sản xuất tăng cao và nhiều ngành thu hẹp sản xuất, thì mức tăng trưởng GDP trong năm chỉ có thể đạt 1,0-1,5%. Trong đó, ngành nông-lâm-thủy sản tăng trưởng từ 2,0-2,5%; công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 3,0-3,5% và dịch vụ âm từ 1,0 đến âm 0,5%.
Ở kịch bản tốt, giả thiết đặt ra khi cả nước đã thống nhất được các biện pháp thích ứng với dịch bệnh và vẫn đảm bảo sản xuất lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy.
Các hoạt động sản xuất tiêu dùng được phục hồi, các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vaccine ngay trong nửa đầu quý IV và tình trạng phong tỏa như quý III không lặp lại, thì tăng trưởng GDP cả năm được dự báo đạt từ 2,0-2,5%. Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng 2,7-3,2%; công nghiệp và xây dựng 4,0-4,5%; dịch vụ tăng trưởng 0-0,5%.
Báo cáo của VEPR nhận định, sức khỏe của nền kinh tế suy giảm rất nghiêm trọng. Mức tăng trưởng âm 6,17% trong quý III có lẽ chưa phản ánh hết được sự đứt gãy sản xuất và lưu thông hàng hóa, sự đình trệ của các hoạt động kinh doanh diễn ra trên quy mô lớn, sự bất ổn trong đời sống của hàng triệu người lao động.
"Sức chống đỡ của doanh nghiệp và người dân ở các vùng có dịch bùng phát trong thời gian vừa qua đã tiến tới gần điểm tới hạn. Kết quả này cho thấy chúng ta không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp chống dịch cực đoan được nữa. Các hoạt động kinh tế cần được 'cởi trói' để hoạt động bình thường trở lại. Việc chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam của một vài doanh nghiệp FDI hay sự rời bỏ các trung tâm sản xuất của các lao động có thể chỉ là tạm thời", Báo cáo nhấn mạnh.
Từ đó, Báo cáo khuyến nghị, nếu không thay đổi tư duy chống dịch, không đảm bảo được sự liên tục của sản xuất và lưu thông hàng hóa dựa trên các biện pháp phòng chống bệnh dịch hợp lý và hiệu quả thì rất có thể các vấn đề trên sẽ trở thành lâu dài.
Theo Báo cáo, triển vọng hồi phục kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Bệnh dịch đã lắng xuống, tỷ lệ tiêm phủ vaccine đã ở mức khá cao ở các trung tâm kinh tế, song nhiều doanh nghiệp chưa thể quay trở lại hoạt động bình thường, nhiều hoạt động lưu thông vận tải hành khách và hàng hóa vẫn bị ngưng trệ. Vì vậy, bên cạnh thay đổi chiến lược thích ứng hiệu quả với đại dịch, các hỗ trợ an sinh xã hội và tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng cho sự hồi phục của nền kinh tế.
"Các gói hỗ trợ cho tới nay rất hạn hẹp. Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể tạm thời chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao hơn bình thường nhằm an dân và hỗ trợ doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất", Báo cáo khuyến nghị.
Khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam Trao đổi về tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đến kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc, với tỷ trọng hơn 33%. "Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đã khiến cho các doanh nghiệp nước này gặp khó khăn, hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị ngưng trệ, từ đó gây ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, khi lâu nay chúng ta vẫn nhập khẩu từ thị trường này", ông Lực phân tích. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam gặp khó khăn, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý IV của Việt Nam đang đối mặt với nhiều áp lực. Chuyên gia này đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2021 sẽ dao động ở mức 2,3 – 2,5%. |