Giải thưởng Pulitze (Nguồn: archive.pulitzer.org) |
“Spotlight” chỉ là một
Giới báo chí đã rất tự hào khi Giải Phim hay nhất và Kịch bản xuất sắc nhất của Oscar 2016 đều đã thuộc về “Spotlight “- bộ phim nói về cuộc điều tra của The Boston Globe về vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trong nhà thờ Công giáo. Có thể hiểu giá trị của bộ phim với ngân sách chỉ 20 triệu USD giữa một loạt các tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu và phát hành bởi các hãng phim lớn nhất Hollywood.
“Spotlight” kể lại quá trình một nhóm nhà báo của tờ Boston Globe phanh phui vụ ấu dâm kéo dài suốt 34 năm trong hệ thống nhà thờ Mỹ. Loạt phóng sự ngoài đời thật giúp đưa ra ánh sáng tội ác của 249 linh mục - những người đã lạm dụng và làm sang chấn tâm lý của hàng trăm trẻ em Mỹ trong hơn ba thập kỷ. Khi sự thật được công bố hồi năm 2003, hệ thống nhà thờ công giáo La Mã gặp khủng hoảng trầm trọng và nhóm nhà báo Mỹ đã đoạt giải Pulitzer năm 2003. Có thể nói, câu chuyện gây sốc này khiến cộng đồng phải băn khoăn: “Tại sao phải mất đến 34 năm người ta mới biết được sự thật?”. Câu hỏi này cũng khiến hai nhà sản xuất phim Nicole Rocklin và Blye Faust mong muốn có một tác phẩm nói sâu hơn về quá trình điều tra.
Nhóm nhà báo trong phim Spotlight (Nguồn: joyceschoices.com) |
Khai thác từ phóng sự có thật, Spotlight có sức hấp dẫn đặc biệt với người xem. Được biết, trước khi bộ phim này được thực hiện thì gần như không có bài báo hoặc phóng sự hay phim tài liệu nào mô tả cặn kẽ chuyện hậu trường tác nghiệp của nhóm nhà báo. Nhờ bộ phim, người xem hiểu rõ các nhà báo đã đấu tranh cho công lý tới cùng trong khi cũng vất vả mưu sinh. Phim cũng giúp người xem thấy cặn kẽ quá trình liên lạc với các nạn nhân, các nhân chứng và luật sư tố tụng để dần đưa sự thật ra ánh sáng.
Nhiều gợi ý khác đang chờ Hollywood
Từ thành công của “Spotlight”, Viện Báo chí Poynter tại Mỹ vừa đưa ra nhiều đề tài hay cho các nhà làm phim Hollywood.
Đầu tiên là sự kiện báo Boston Post đã giành giải Pulitzer với câu chuyện về một nghệ sỹ lừa đảo trong những năm 1920 mà tên tuổi đã trở nên nổi tiếng trong mỗi hộ gia đình - Charles Ponzi - cha đẻ của phương thức lừa đảo đa cấp. Tờ nhật báo này đã giành giải Pulitzer năm 1927 nhờ cuộc đấu tranh dũng cảm, hiệu quả nhằm chấm dứt sự thông đồng giữa chính quyền thành phố và tội phạm.
Dispatch News Service - Phóng sự điều tra của Seymour Hersh về cuộc chiến tranh Việt Nam và cuộc thảm sát Mỹ Lai đoạt giải Pulitzer phóng sự quốc tế vào năm 1970 cũng là chất liệu tốt cho các nhà làm phim. Bên cạnh đó, The Race Beat - Chủ nhân giải Pulitzer hạng mục tác phẩm lịch sử năm 2007 về vai trò của báo chí trong việc vạch trần sự phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ thời kỳ sát nhập cũng có thể sẽ hấp dẫn người xem.
Không chỉ vậy, phóng sự điều tra của The Washington Post về bệnh viện Walter Reed từng đoạt giải Pulitzer 2008 cũng là một câu chuyện thú vị khác. Hội đồng giải Pulitzer đã nhận định, cuộc điều tra đã vạch trần sự thật về việc các thương binh bị đối xử tàn tệ ở bệnh viện Walter Reed. Sự việc này đã làm dấy lên sự phản đối kịch liệt của công chúng và mang lại những cải cách mới.
Năm 2003, nhà báo Sonia Nazario đã thắng giải Pulitzer nhờ câu chuyện về hành trình đi tìm mẹ của một cậu bé có tên Enrique từ Honduras tới Mỹ. Nói về những khó khăn khi viết bài báo, Nazario chia sẻ: “Đó là làm thế nào để kể lại câu chuyện này mà gây nguy hiểm ít nhất cho bản thân tôi. Tôi đã phải sống với nỗi sợ bị đánh đập, cướp giật và cưỡng bức thường trực suốt nhiều tháng liền... Nhưng những điều đó cũng chẳng thể so được với những gì mà người nhập cư phải trải qua trên hành trình ấy”. Vào năm 2011, Tờ Los Angeles Times đã giành giải Pulitzer nhờ bài điều tra về nạn tham nhũng ở thành phố Bell, nơi quan chức cắt xén ngân quỹ để trả lương cao ngất cho chính bản thân họ. Đây là những câu chuyện sinh động hoàn toàn có thể trở thành những bộ phim có giá trị với sức lay động lớn.
Như vậy, từ khi “All the President’s Men” giành được nhiều giải thưởng vào năm 1977, những bộ phim chuyển thể từ báo chí đã được chú ý đến. Trước khi được giải thưởng Oscar, "Spotlight" cũng vấp phải nhiều trở ngại do nội dung nói về chủ đề đen tối. Tuy nhiên, Roy J. Harris - tác giả cuốn sách “Pulitzer’s Gold” nói rằng: “Nếu một câu chuyện như vậy được chuyển thể thành công thì triển vọng tương tự cho những câu chuyện khác cũng rất rộng mở”.