📞

Syria: Một thế hệ trẻ bị ám ảnh

08:32 | 14/03/2013
UNICEF đã phát đi một bản thông báo hôm 12/3 vừa qua cho biết trẻ em ở Syria đã trở thành một thế hệ mất mát và thế hệ này sẽ “luôn khiếp sợ cuộc sống”.

"Trẻ em chiếm 50% số người bị ảnh hưởng ở Syria và tại các trại tị nạn. Chúng ta đang thấy một thế hệ mới phải kinh qua những điều khủng khiếp nhất", Simon Ingram, Trưởng nhóm truyền thông của UNICEF tại Trung Đông và Bắc Phi cho biết. Theo UNICEF, hiện có khoảng 2 triệu trẻ em đang chịu bất hạnh vì phải chứng kiến những thành viên trong gia đình, bạn bè, người thân của chúng bị giết và chịu đựng cảnh xung đột "đầu rơi máu chảy".

Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake đã kêu gọi được giúp đỡ để có thể tiếp cận với những trẻ em đang bị ảnh hưởng bởi nạn bạo lực ở Syria. UNICEF cho hay, tới cuối tháng 6, cần phải có 195 triệu USD để giúp đỡ người dân Syria, Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Trong khi đó, mới chỉ có 20% số tiền được thông qua. Nếu không có thêm tiền tài trợ, cuối tháng này, có thể họ sẽ phải ngừng nhiều dịch vụ cứu hộ. Trong đó có các dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh, các chương trình tiêm chủng phòng sởi và bại liệt, chăm sóc y tế cho trẻ sơ sinh và các trường hợp khẩn cấp. Cứ 5 trường học thì có 1 trường bị phá hủy, thiệt hại hoặc bị chiếm đóng.

Có lẽ những bên tham chiến ở đất nước này chưa hề nghĩ tới hậu quả sẽ khó khăn đến thế nào cho vấn đề tái thiết khi phải đối mặt với tình trạng có một thế hệ trẻ em bị tổn thương vì thiếu giáo dục cần thiết và điều kiện nuôi dạy mà chúng phải được hưởng.

Trong khi đó, thông cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đưa ra một tài liệu đáng ngỡ ngàng khi vén màn bí mật ở Syria và cho rằng nó đã đạt tới "tầm cao mới của sự diệt vong”. Điều tra viên LHQ cho biết họ đã tiến hành xem xét khoảng 20 cuộc thảm sát được thực hiện bởi bên này hay bên kia ở Syria cũng như hàng trăm vụ "giết người trái pháp luật". Họ cũng đang tìm kiếm những bằng chứng về sự tra tấn, hành quyết và bắt giữ ngẫu nhiên. Paulo Pinheiro, Chủ tịch của Ủy ban điều tra về Syria, nói với Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva: "Bắn giết bừa bãi trên diện rộng, thường xuyên ném bom bắn phá các thành phố, tàn sát tập thể và bắn có chủ ý vào các mục tiêu dân sự đã tạo nên nét đặc trưng cho cuộc sống mà thường dân ở Syria phải chịu đựng. Các bệnh viện trở thành mục tiêu bắn phá còn nhân viên y tế thì bị bắt giữ".

Các nhà điều tra cũng cho biết lực lượng dân quân địa phương dường như được đưa vào huấn luyện bắn giết hàng loạt và được chính phủ trang bị vũ khí. Có thời điểm, lực lượng này còn đi lùng soát từng ngôi nhà, kiểm tra nhận dạng, bắt giữ hàng loạt và cướp bóc. Tuy nhiên, báo cáo không chỉ thẳng vào chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad mà cho rằng cả hai phía đang có hành vi bạo lực đối với thường dân và ngày càng trở nên liều lĩnh đánh đổi mạng sống người dân.

Cố nhiên, việc này giải thích một phần lý do cho làn sóng di cư ở đây. LHQ cho rằng có hơn một triệu người đã bỏ nước ra đi trở thành người tị nạn và hơn 70.000 người đã chết. Quốc tế kêu gọi rất cấp thiết phải có một sáng kiến ngoại giao bền vững để chấm dứt bạo lực và đau khổ cho người dân Syria. Thậm chí có nhà ngoại giao cho rằng: nếu các quốc gia, khu vực và quốc tế không tìm thấy một giải pháp cho cuộc xung đột và ngăn chặn sự thống khổ của hàng triệu dân thường, làn sóng di cư sẽ hủy hoại nền chính trị, kinh tế và xã hội của Syria và gây ra những tác động tàn phá đối với khu vực và thế giới.

Thành Châu (Theo Strombo/CBC)