📞

Tác động của RCEP tới tương lai của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Lan Phương 21:00 | 08/07/2022
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cung cấp thêm đòn bẩy cho hội nhập kinh tế ASEAN, nhưng dường như cũng tạo ra vấn đề cho Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong quá trình này.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tồn tại nhằm thúc đẩy sự gắn kết và hội nhập kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng tính bền vững trong ASEAN. (Nguồn: Asia Times)

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN Đại học Gadjah Madah (UGM) Wendi Wiliyanto, việc hội nhập kinh tế trong các quốc gia Đông Nam Á đang bị trì hoãn, trong khi AEC đang tập trung hơn đến các khuôn khổ hợp tác khu vực.

Theo dữ liệu từ Báo cáo “Triển vọng Phát triển ASEAN” của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tổng quy mô kinh tế của các nước thành viên ASEAN trong năm 2019 là 3,2 nghìn tỷ USD. Nếu tổng hợp 10 nền kinh tế thành viên, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và được dự báo chắc chắn sẽ bước lên vị trí thứ 4 vào năm 2030.

Với tất cả tiềm năng kinh tế như vậy, hội nhập kinh tế trong ASEAN là một vấn đề quan trọng. Bởi lẽ, khi các quốc gia hội nhập sâu rộng hơn sẽ thúc đẩy năng suất kinh tế của khu vực.

Đây là lý do tại sao Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tồn tại, nhằm thúc đẩy sự gắn kết và hội nhập kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng tính bền vững trong ASEAN.

AEC đặt mục tiêu thiết lập ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và là cơ sở sản xuất quan trọng của nền kinh tế thế giới. Dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động trong ASEAN khuyến khích sự phát triển của mạng lưới sản xuất khu vực và tăng cường đóng góp của hiệp hội vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Câu hỏi đặt ra là liệu AEC có phải là cách hiệu quả nhất để các nước ASEAN đạt được mục tiêu này?

Những thách thức cần vượt qua

Hợp tác nội khối của ASEAN vẫn ở mức thấp so với các quan hệ đối tác khác trong khu vực. Thương mại nội khối đã đình trệ trong gần hai thập kỷ. Thay vì tăng cường thương mại và đầu tư trong khu vực với nhau, các nước thành viên ASEAN chủ yếu dựa vào các đối tác ngoài khu vực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Nguyên nhân chủ yếu là thị trường của các nước thành viên ASEAN không phát triển bằng thị trường của các đối tác ngoài khối, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc các cơ hội bên ngoài khu vực có thể hấp dẫn hơn và dễ theo đuổi hơn.

Do đó, việc thiết lập một thị trường duy nhất, một trong những mục tiêu sáng lập của AEC, là một thách thức.

Một vấn đề nữa với AEC là vấn đề lao động trong khu vực. Dịch chuyển lao động, đặc biệt là đối với những lao động có tay nghề cao trong khu vực, sẽ giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ASEAN. Đồng thời, dịch chuyển lao động tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kiến ​​thức và tăng trưởng công nghệ.

Trên thực tế, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều bị thiếu hụt lao động có kỹ năng, có nghĩa là các quốc gia đang bỏ qua những lợi ích này.

Việc thiếu lao động có kỹ năng ở các quốc gia thành viên ASEAN dẫn đến sự chênh lệch tiền lương giữa các nước thành viên trầm trọng hơn. Chẳng hạn, thu nhập hàng tháng ở Thái Lan gấp ba lần so với Campuchia và Lào. Bên cạnh đó, mức lương tại Singapore tương đối cao, thu hút lao động có kỹ năng từ khắp các nước thành viên ASEAN.

Sự chênh lệch về thu nhập dẫn đến việc một số nước ASEAN chiếm ưu thế về lao động có tay nghề cao. Do vậy, một số nước còn lại xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao. Thêm đó, tình trạng di cư quá mức đe dọa khả năng tiếp cận nghề nghiệp của người lao động địa phương.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hiệu quả của AEC là vấn đề lịch sử. AEC với mục đích các công cụ kinh tế để đạt được các mục tiêu chính trị. Các nước thành viên ASEAN có xu hướng hướng tới các chế độ thương mại hỗn hợp, trong đó có cả các chính sách nhằm bảo hộ thương mại.

Xu hướng này đã ảnh hưởng tới khuôn khổ ban đầu của AEC. Dòng hàng hóa và dịch vụ trong AEC không tự do một cách toàn diện.

Dù AEC đã thành công trong việc cắt giảm thuế quan thương mại, các chính sách phi thuế quan như hạn ngạch và yêu cầu kỹ thuật vẫn được thực hiện nhằm bảo vệ thị trường trong nước. Do vậy, các mục đích của AEC để tự do hóa đầu tư và kích thích dòng vốn đã bị chậm lại.

Một số nước thành viên hạn chế biên giới của họ đối với các dịch vụ chất lượng cao từ các nước ASEAN khác, cho thấy AEC đã không hiệu quả trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế.

RCEP thành công trong việc tạo ra thị trường mở, thúc đẩy hội nhập kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng ở các quốc gia thành viên ASEAN.

Vai trò của RCEP

Do vậy, RCEP ra đời và có vai trò quan trọng. Thành viên của của hiệp định bao gồm tất cả các nước thành viên ASEAN và năm đối tác thương mại tự do ASEAN là Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Do phạm vi rộng hơn và việc phê chuẩn dựa trên thỏa thuận, RCEP thành công hơn trong việc tạo ra thị trường mở, thúc đẩy hội nhập kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng ở các quốc gia thành viên ASEAN.

Các bên ký kết hiệp định RCEP chiếm 31% đầu tư trực tiếp nước ngoài của toàn cầu. Rõ ràng, việc tham gia vào RCEP đang mang lại cơ hội tự do hóa và đầu tư mạnh mẽ hơn nhiều cho các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy nền kinh tế trong nước của họ hơn mức AEC mang lại.

Một điều quan trọng nữa là RCEP cũng mở ra việc di cư lao động xuyên khu vực và các hoạt động chuyển giao công nghệ. Các nước ngoài ASEAN có thể cung cấp cho các nước thành viên công nghệ và chuyên môn tiên tiến để phát triển nền kinh tế.

RCEP cung cấp thêm đòn bẩy cho hội nhập kinh tế ASEAN, nhưng cũng tạo ra vấn đề cho AEC và ASEAN trong quá trình này. Nói cách khác, RCEP, với tư cách là một công cụ, có thể khiến AEC trở nên ít tác dụng.

Các thể chế của ASEAN cần duy trì vai trò trung tâm để tương lai của khu vực được định hình bởi chính các nước thành viên.

Song, môi trường hợp tác kinh tế và thương mại tự do rộng lớn với các nước ngoài ASEAN được tạo điều kiện thuận lợi bởi một hiệp định đối tác tách biệt với AEC sẽ khiến vấn đề không thể giải quyết dễ dàng.

(theo Policy Forum)