Nhà văn, nhà ngoại giao Eca de Queiroz José Maria |
Eca de Queiroz José Maria (1845-1900) là nhà văn, nhà ngoại giao. Ông đi nhiều và chuyên viết tiểu thuyết hiện thực phê phán và hài hước. Tác phẩm tiêu biểu: Tội ác của cha Amaro (1875), Gia đình họ Maia (1880), Những điều lạ lùng của cô thiếu nữ tóc vàng (1873).
Tội ác của cha Amaro là cuốn tiểu thuyết quan trọng đầu tiên của trường phái Tự nhiên chủ nghĩa Bồ Đào Nha và đồng thời cũng là tác phẩm có tầm cỡ đầu tiên của Eca, khiến cho ông nổi tiếng khắp châu Âu.
Tác giả chỉ trích giáo hội Thiên Chúa giáo, đặc biệt lên án điều lệ giáo hội quy định linh mục không được lấy vợ, do đó, gây ra nhiều thảm cảnh. Nhân vật chính là một vị linh mục tên Amaro, bản chất nhu nhược, đi tu do ý muốn của gia đình.
Ở trường ra, Amaro nhậm chức ở một nhà thờ tỉnh nhỏ. Amaro đến trọ nhà bà Joaneira. Cô con gái xinh đẹp và đức hạnh của bà là Amelia đã đính hôn với một thanh niên. Bản thân bà mẹ đã bắt nhân tình với một tu sĩ dạy luân lý ở chủng viện. Không khí nhà trọ thiếu lành mạnh, sinh hoạt mờ ám.
Chẳng bao lâu, Amelia và Amaro yêu nhau cuồng nhiệt. Amelia có thai phải lánh đi xa; cô chịu ảnh hưởng của một tu sĩ khác, người đã hướng cô về lẽ phải; cô nhận ra lầm lỗi và định làm lại cuộc đời.
Nhưng Amaro lại xuất hiện, kéo nàng theo vết cũ. Amelia chết trong khi đẻ. Amaro thuê người bóp chết hài nhi. Đau khổ vì tội lỗi, ông xin lên thủ đô nhưng cuối cùng lại sống một cuộc đời trác táng.
Gia đình họ Maia cũng là một tiểu thuyết theo khuynh hướng Tự nhiên chủ nghĩa. Trong tác phẩm này, tác giả kết hợp tính phóng túng của bản thân với tính hiện thực tàn nhẫn của chủ nghĩa Tự nhiên. Pietro, một nhà quý tộc, sống một cuộc đời ăn chơi ở thủ đô Bồ Đào Nha. Y dan díu với một phụ nữ giang hồ từ Áo đến và lấy ả, sau có hai người con.
Mấy năm sau, ả bỏ trốn đi, đem theo đứa con gái và bỏ lại con trai là Carlo cho chồng. Pietro tự tử. Carlo được bác nuôi. Người bác cho Carlo đi tìm tung tích em gái để đưa về, nhưng sau đó hay tin em đã chết. Carlo trở thành một bác sĩ đứng đắn và giới phụ nữ thượng lưu say mê. Carlo quen với vợ một người triệu phú Brazil là Maria và bắt nhân tình với chị.
Biết sự việc ấy, người kia nhường ngay Maria cho Carlo và nói cho anh biết rằng Maria không phải vợ mình. Tình cờ, Carlo phát hiện ra Maria chính là em gái mình, người mẹ giang hồ năm xưa đã tung tin đồn con gái chết để tránh bị truy lùng. Anh được tin bàng hoàng đến tìm Maria, ngủ lần cuối với cô và cho cô biết sự thật, rồi hai người quyết định xa nhau. Maria được chia một nửa gia tài, đi Paris và lập gia đình. Còn Carlo thì đi một chuyến du lịch dài cho khuây khỏa.
Những điều lạ lùng của cô thiếu nữ tóc vàng kể về anh Macaire lên thủ đô làm kế toán cho cửa hàng vải của ông cậu. Anh mê một cô gái có mớ tóc vàng tên là Louise, ở nhà đối diện cửa hàng. Một hôm, Louise và một người phụ nữ cùng nhà vào cửa hàng, lúc họ ra thì thấy mất chiếc khăn quàng. Anh thường sang chơi với họ vào buổi tối, có lần anh lơ đãng mân mê chiếc nhẫn vàng, chợt lúc về nhà, anh thấy mất chiếc nhẫn ấy. Anh cũng không đặt vấn đề nghĩ về mấy lần mất ấy.
Vẫn mê Louise, anh xin cưới cô. Ông cậu anh không đồng ý. Anh bỏ đi làm giàu ở châu Phi. Khi anh về, anh bị một người bạn lừa, mất hết của, anh lại định đi châu Phi. Nhưng ông cậu anh giữ lại, đồng ý cho anh lấy Louise.
Hai thanh niên rủ nhau đến nhà kim hoàn, anh chọn một chiếc nhẫn cưới, hẹn ngày mai sẽ đến lấy. Khi anh sắp ra khỏi cửa hiệu, người chủ đưa biên lai cho anh trả tiền chiếc nhẫn mà Louise đã lấy cắp. Anh trả tiền, chợt hiểu tính Louise. Ra đường, anh bỏ cô và gọi Louise là “con ăn cắp”.
***
Garrett Almeida (1799-1854) là một tử tước, chính khách tự do (lưu vong, sau làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao). Ông theo khuynh hướng Lãng mạn chủ nghĩa, sáng tác tiểu thuyết, thơ, kịch. Những chuyến đi ở quê hương (1843-1846) là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.
Những chuyến đi ở quê hương là tác phẩm quan trọng của trào lưu Lãng mạn Bồ Đào Nha. Tác giả kể lại chuyến đi từ thủ đô về tỉnh lỵ Santarem: chuyện kể có pha những nhận xét và bình luận chính trị, lịch sử, mỹ học và một chuyện tình, rải rác thành nhiều chương. Hiện thực và hư cấu lẫn lộn.
Tuy tác giả đi có một chuyến, nhưng ông lại đặt tên là “những chuyến” để chứng tỏ chuyến đi được đề cập về nhiều bình diện. Garrett phản đối chính sách của phe hữu cầm quyền vào những năm 1840, ông đứng hoàn toàn về phía tự do.
Tác phẩm gợi lên một cuộc trò chuyện với độc giả, như trong tác phẩm Cuộc du lịch trong phòng tôi của nhà văn người Pháp Xavier de Maistre.