Nhà thơ, nhà sử học Herculano Alejandro. |
Herculano Alejandro (1810-1877) là nhà thơ, nhà sử học theo khuynh hướng Lãng mạn chủ nghĩa. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Lịch sử Bồ Đào Nha (1846-1853).
Lịch sử Bồ Đào Nha là tác phẩm sử học gồm 4 tập, có in thêm ở phần trước 5 bức thư về lịch sử Bồ Đào Nha. Herculano áp dụng những nguyên tắc và phương pháp của nhà sử học Pháp A. Thierry (nêu trong Những thư về lịch sử Pháp) vào việc nghiên cứu thời kỳ Trung cổ Bồ Đào Nha.
Ông cho là những đặc điểm chủ yếu của lịch sử dân tộc Bồ Đào Nha xuất phát từ hai yếu tố: thiếu một nền quân chủ thừa kế vững chắc và một chế độ phong kiến thực sự. Herculano chỉ chú trọng đến nguồn gốc dân tộc (từ khởi thủy đến thế kỷ XIII) về mặt chính trị và xã hội.
Ông cho là tinh thần dân tộc Bồ Đào Nha hình thành trong thời kỳ Trung Cổ và quyết định tính cách nhân dân cùng hướng đi lịch sử. Tuy Herculano chưa phải là nhà sử học theo nghĩa hiện đại, song tác phẩm uyên bác của ông lần đầu tiên tách lịch sử ra khỏi truyền thuyết.
***
Pessoa Fernando (1888-1935) là nhà thơ mà các sáng tác (đa số được xuất bản sau khi ông mất) phản ánh một cá tính đa dạng trước một thế giới bất định. Cảm xúc được thể hiện trên bình diện trí tuệ (hơi giống nhà thơ Pháp Valéry). Tác phẩm chính: Cửa hàng thuốc lá (1933).
Cửa hàng thuốc lá là tập thơ, trong đó bài quan trọng nhất là Cửa hàng thuốc lá (viết năm 1928, xuất bản năm 1993). Nhà thơ bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Mình là ai nhỉ?”. Câu trả lời là một sự tự phân bản thân thành ba nhà thơ mang ba tên khác nhau, có ba thân thể riêng, ba rung cảm riêng, ba văn phong riêng.
Ba nhân vật của nội tâm ấy là: Alberto Caeiro, Ricardo Reis và Alvaro de Campos. Nhân vật cuối cùng đại diện đầy đủ nhất cho bản thân tác giả. Theo hư cấu của ông, Alvaro de Campos sinh năm 1890 ở Bồ Đào Nha, học kỹ sư ở Anh, rồi đi Viễn Đông.
Chán nản, anh trở về. Cảm thấy thấm thía cái cao cả và cái phù du, cái trống rỗng, cái vô lý của cuộc đời. Nhận xét nội quan của ông là độc thoại cay đắng, lạnh lùng, có khi hài hước, đau khổ.
***
Ribeiro Bernadim (1482-1552) là nhà thơ đề xướng thể loại thơ điền dã Bồ Đào Nha. Tác phẩm chính: Em bé gái và thiếu nữ.
Em bé gái và thiếu nữ là tiểu thuyết điền dã và hiệp sĩ, được viết bằng văn xuôi xen lẫn những đoạn thơ. Tác phẩm chia làm 2 phần (58 chương ở phần sau không phải của tác giả). Theo truyền thuyết, sở dĩ tác phẩm u buồn vì nó phản ánh nỗi thất vọng của tác giả (ông yêu một quận chúa đi lấy người khác).
Người kể các câu chuyện và một cô gái, câu đầu là: “Khi em còn bé bỏng, em đã phải rời nhà bố em đi ở những chốn xa xôi”. Có người cho rằng, các nhân vật trong chuyện kể đều có thật, tên của họ chỉ bị thay đổi một chút. Phần thơ trong tác phẩm có nhiều rung cảm, phần văn xuôi viết rất đạt.
***
Vincente Gil (1470-1537) là nhà viết kịch và nhà thơ, kết hợp truyền thống dân gian Trung cổ với tư tưởng nhân văn thời Phục hưng. Ông là người sáng lập ra sân khấu dân tộc Bồ Đào Nha. Kịch biểu tượng quan điểm người thợ thủ công, đả kích bọn giáo sĩ, quý tộc và nhà buôn.
Ông viết các loại kịch (tôn giáo, hài kịch...). Tác phẩm tiêu biểu: Bộ ba kịch tôn giáo về thuyền (1563), Inês Pereira (1523).
Bộ ba kịch tôn giáo về thuyền là tác phẩm kịch tôn giáo ngắn dựa vào những chuyện kể có trong Kinh thánh. Cả ba vở đều lấy chung một cảnh: tại một nhánh sông đổ ra biển có hai chiếc thuyền cắm neo, do một con quỷ lái.
Trong vở Chiếc thuyền Âm phủ, chỉ có bốn hiệp sĩ chết vì bảo vệ đạo và một người ăn mày ngu đần được xuống thuyền của thiên thần. Các người khác đều không được xuống (một nhà quý tộc ngạo mạn, một người cho vay lãi, một thợ giày, một tu sĩ và cô tình nhân, một mụ mối, một người Do Thái, một thẩm phán và một tên ăn cắp bị chết treo).
Trong vở Chiếc thuyền đến chốn ăn năn chuộc tội, trừ một em bé lên Thiên đàng và một tay cờ bạc xuống Âm phủ, còn những người khác (một bần nông chết vì lao lực, một bà bán rong khốn khổ, hai vợ chồng người chăn chiên) đều được đến chốn ăn năn chuộc tội.
Trong vở Chiếc thuyền vinh quang, các nhân vật đều thuộc tầng lớp thượng lưu, bá tước, hầu tước, vua, hoàng đế, tổng giám mục, hồng y giáo chủ, Giáo hoàng. Quỷ nói cho họ biết tội lỗi của họ, nhưng họ đều viện Ân Chúa và đều được cứu vớt. Chiếc thuyền nhổ neo, trên buồm có hình thập tự.
Inês Pereira là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại kịch “cù” của Vicente. Mấy bà mối dùng đủ các mưu kế để gả chồng cho cô Inês. Sau khi đã từ chối nhiều đám, cô nhận một đám nọ: Cô vớ đúng một tên lính thô bạo, luôn luôn đánh đập, tống cô vào buồng và sau cùng bỏ đi, chết trận ở châu Phi.
Góa bụa, cô đành quay về với người đàn ông đã đính hôn đầu tiên, hơi ngu đần một chút, nhưng được cái khỏe mạnh. Thôi thì: “Sau khi bị con ngựa quật mình xuống đất thì mình cũng đành yên phận với con lừa lùi lũi chứ sao!”.