📞

Tái chế rác ở Stockholm

14:00 | 07/01/2017
Những cây thông Noel bỏ đi và một số loại rác ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) sẽ được tái chế thành chất bón cho cây trồng, nhiên liệu sinh học, vật liệu hấp thụ khí CO2. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu.

Thay vì vứt bỏ các cây thông Noel đã qua sử dụng, chính quyền Stockholm đang lên kế hoạch thu gom và biến chúng thành than sinh học thân thiện với môi trường.

Theo các nhà khoa học, than củi khi trộn lẫn với đất sẽ làm gia tăng chất dinh dưỡng và khả năng thoát nước, nhờ đó cây sinh trưởng tốt hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, lượng nhiệt được tạo ra từ quá trình sản xuất than củi lại được chuyển tiếp vào hệ thống cung cấp nhiệt cho người dân thành phố.

Than sinh học dùng để bón cho đất.

Đây được coi là dự án kiểu mẫu và rất hữu ích đối với nhiều thành phố lớn trên thế giới. Ý tưởng này đã được chính quyền Stockholm ấp ủ cách đây khoảng một thập kỷ.

Cứu cây xanh đô thị

Ông Bjorn Embrén, người đứng đầu Cơ quan bảo vệ cây xanh Stockholm cho biết, trong hai năm 2005-2006, Stockholm là một thành phố tuyệt vời đối với con người, nhưng đối với cây cối thì thật là thảm họa. Mặt đường, làm bằng bê tông và rải nhựa, không hấp thụ được nước mưa khiến mực nước ngầm sụt giảm. Trong khi đó, những rung chấn liên tiếp, do các phương tiện giao thông và các công trình xây dựng gây ra, khiến đất dần bị nén chặt vào nhau. Hệ quả là cây bị thiếu nước và không khí, không đạt được kích thước lớn nhất có thể.

“Theo quan sát, cây được trồng xung quanh đường ray xe lửa lại có khả năng phát triển tốt hơn rất nhiều. Lý do ở chính lớp sỏi cố định đường ray. Đơn giản là lớp sỏi đó dù có chịu rung chấn cũng không bị lèn chặt như mặt đường bê tông. Lớp bề mặt lỗ rỗ đã giúp nước và không khí thấm sâu xuống lòng đất, từ đó, giúp cây có điều kiện sinh trưởng hơn”, ông Embrén cho biết.

Ông Jonas Dahllof, người đứng đầu Cục xử lý rác thải của thành phố, cho biết ý tưởng về một hỗn hợp gồm có đá cuội ở trên cùng, tiếp đến là lớp cát, đất sét và than bùn nhằm giúp cây cối trở nên xanh tươi nhờ môi trường trở nên thoáng đãng và có nhiều độ ẩm hơn đã được nhen nhóm.

Cơ quan bảo vệ cây xanh đã phối hợp với Cục xử lý rác thải và các cơ quan chức năng khác thử nghiệm sử dụng than củi cho hỗn hợp đó và mang lại hiệu quả vô cùng ấn tượng.

“Chỉ trong vòng hai tuần, một thảm cỏ đã phát triển với tốc độ chóng mặt và được ví như là thảm thực vật xanh tươi thời Kỷ Jura vậy”, ông Dahllof nói. Theo  các chuyên gia, than củi chính là chất xúc tác đóng vai trò làm cho nấm, vi khuẩn và vi sinh vật phát triển liên tục tạo môi trường có lợi cho đất. Thêm nữa, than củi cũng chính là lớp xốp giữ chất dinh dưỡng và hơi ẩm rất tốt cho cây.

Biến rác thải thành nhiệt

Nhận thấy lợi ích từ việc sử dụng than củi, chính quyền thành phố đã hợp tác với Công ty năng lượng và tái chế rác thải Stockholm Vatten xây dựng cơ sở sản xuất than củi. Lượng nhiệt sinh ra trong quá trình sản xuất này cũng được sử dụng để sưởi ấm và cung cấp nước nóng cho nhiều hộ gia đình, đáp ứng tới 60% nhu cầu năng lượng của dân cư.

Than sinh học được trộn vào đất trồng cây ở Stockholm. (Nguồn: CityLab)

Theo thống kê, trong giai đoạn thử nghiệm, nhà máy đốt 1.200 tấn rác thải, thu được lượng carbon tương đương với lượng khí CO2 phát thải hàng năm của 700 chiếc xe hơi, đủ để sưởi ấm khoảng 80 căn hộ. Nếu chạy hết công suất, con số này sẽ tăng gấp 5 lần (400 căn hộ).

Mặt khác, Stockholm còn khuyến khích các chủ vườn thu thập than sinh học và trộn vào đất trồng cây. Các khu vực trồng cây xanh cũng là mục tiêu được nhắm tới. 

Ông Dahllof cho biết chính quyền thành phố quan tâm đến việc sử dụng dự án như một hình mẫu nhằm phát triển các nhà máy cung cấp nhiệt ở những nơi khác. Các nhà máy này có thể cung cấp năng lượng xanh siêu sạch bằng cách sử dụng các sản phẩm phụ của nông nghiệp hoặc lâm nghiệp.

Mô hình này hiện đã vượt ra khỏi biên giới Thụy Điển, sang các nước khác, thậm chí tới Mỹ. Mới đây, bang California (Mỹ) đã liên hệ với Stockholm để nhập các thiết bị cần thiết về làm thí nghiệm theo cách của họ. Chính quyền California rất quan tâm đến việc than sinh học có thể làm cho độ ẩm thấm vào đất ở tốc độ vừa phải, từ đó làm giảm nhu cầu sử dụng nước tưới.

(theo CityLab)