TIN LIÊN QUAN | |
Vinh danh hai nông dân làm giàu từ tài chính vi mô | |
Tài chính vi mô cho vệ sinh và nước sạch tại Vĩnh Long |
Ngày 25/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam” do Học viện Ngân hàng phối hợp với Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức.
Hội thảo là cơ hội để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dành cho các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và người làm thực tế trong lĩnh vực tài chính vi mô.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, hoạt động tài chính vi mô từ lâu đã được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của tài chính vi mô là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.
Hội thảo khoa học quốc gia “Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam”. (Ảnh: D.T) |
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phụ nữ đã được ban hành nhằm phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo. Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vi mô giúp đối tượng là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo tiếp cận dòng vốn tín dụng.
"Thực tiễn cho thấy, với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, tài chính vi mô được xem là một công cụ "đòn bẩy" nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội", Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các đại biểu đều có chung nhận định, hiện nay hoạt động tài chính vi mô vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập khi nguồn vốn cho vay còn hạn chế, khung pháp lý chưa thực sự hoàn thiện. Hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam còn hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính chưa cao...
Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng tài chính vi mô nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Những hạn chế này sẽ tác động không tốt tới cơ hội phát triển kinh tế lâu dài của hộ gia đình, trong đó có những người phụ nữ.
Bàn về các giải pháp phát triển hoạt động tài chính cho người nghèo trong bối cảnh phát triển tài chính toàn diện, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) thông tin, trên thế giới hiện đã có 55 nước cam kết về tài chính toán diện, 30 nước đã ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Tại Việt Nam, tài chính toàn diện đã và đang được khởi động, có sự hỗ trợ xây dựng từ Ngân hàng Thế giới (World Bank). Trong đó, bước đầu, Chính phủ đã ban hành đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Đề án đặt ra 8 chỉ tiêu thách thức ngành ngân hàng cần đạt được đến năm 2020, trong đó 7/15 chỉ tiêu của tài chính toàn diện. Ngân hàng Nhà nước đã và đang có những định hướng phát triển hoạt động tài chính vi mô và tài chính toàn diện.
Để sử dụng các khoản vay hiệu quả, đối tượng phụ nữ tham gia vay vốn cần được đào tạo về tài chính vi mô trước khi vay. (Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam) |
Đánh giá về vai trò của giáo dục tài chính trong tài chính vi mô, ThS. Trần Thanh Long – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Phân viện Phú Yên (Học viện Ngân hàng) cho hay, giáo dục tài chính sẽ giúp các cá nhân, hộ gia đình biết cách tự bảo vệ mình, biết phát hiện và thông báo cho cơ quan quản lý những sai phạm của các tổ chức trung gian tài chính. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động giám sát được dễ dàng hơn, giảm nhẹ nguồn lực của Nhà nước vào việc giám sát, kiểm tra và xử lý sai phạm.
Theo ông Long, tài chính vi mô nên hướng đến đối tượng là phụ nữ vì thực tế cho thấy phần đông phụ nữ vẫn kiếm ít tiền hơn nam giới, thậm chí mất tự do hoặc phụ thuộc về tài chính. Hiện nay phần lớn khách hàng của tài chính vi mô tại Việt Nam cũng đều là phụ nữ. Vì vậy, những kiến thức về giáo dục tài chính không chỉ giúp phụ nữ biết cách tạo ra tiền, tích lũy tiền mà còn là kiến thức tạo ra sự tự tin và độc lập về tài chính.
Ông Long đề xuất, để sử dụng các khoản vay hiệu quả, đối tượng phụ nữ tham gia vay vốn cần được đào tạo về tài chính vi mô trước khi vay. Mặt khác, cần xây dựng một đội ngũ giảng viên nguồn và các tuyến đào tạo phù hợp về tài chính vi mô cũng như những tài liệu đào tạo phù hợp với từng đối tượng khách hàng vay vốn. Hơn nữa, một chiến lược đào tạo giáo dục tài chính cá nhân dài hạn là điều rất cần thiết.
Tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi cho vay nặng lãi Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội hôm nay (16/10), các đại ... |
Khách hàng tài chính vi mô được vay tối đa 50 triệu đồng Theo Quyết định 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị ... |
Chính sách về giảm nghèo phải sát với thực tiễn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhân dân đang mong mỏi chính sách nói chung, đặc biệt là các chính sách về giảm ... |