📞

Tài hoa người viết chữ trên hạt gạo

08:00 | 30/08/2016
Vài năm trở lại đây, trào lưu viết chữ trên hạt gạo đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam, trong đó có Đà Lạt. Viết chữ trên hạt gạo là một trong số những quầy hàng hút khách du lịch ở chợ đêm Đà Lạt.

Chen lẫn giữa các quầy bán quần áo, khăn mũ, khắp chợ đêm Đà Lạt có chừng 25 quầy “Viết chữ trên hạt gạo”. Tôi đặc biệt ấn tượng với quầy của người đàn ông trung niên Tô Sang, người viết chữ ở khu chợ này được hai năm. Anh rời gia đình vào Đà Lạt kiếm sống từ năm 1998. Phụ giúp anh là người vợ và đứa con nhỏ.

Theo anh, khoảng 2-3 năm trước, trào lưu viết chữ trên hạt gạo mới xuất hiện ở chợ đêm Đà Lạt. Vốn sinh ra trong gia đình nho giáo, được học viết thư pháp từ nhỏ, Tô Sang ngay lập tức thích thú với công việc này. Ông nội anh là thầy giáo dạy chữ nho, dạy lại cho bố, bố truyền lại cho anh, nhưng đến đời anh thì chữ nho rơi rụng, chỉ viết được chút ít thư pháp chữ quốc ngữ.

Từ thích thú, anh lân la học nghề và được người đi trước truyền cho bí kíp. Anh miệt mài tập luyện một thời gian ngắn đã có thể viết được chữ trên hạt gạo.

12 chữ cái trên một mặt hạt gạo

Có lẽ, ở chợ đêm Đà Lạt hiện nay, anh Sang là một trong số ít người có thể viết được chữ siêu nhỏ, để viết được trên hạt gạo nhỏ xíu xiu đó, người viết phải dùng một loại bút đặc biệt với đầu bút siêu nhỏ và nhọn.

Quầy viết chữ trên hạt gạo của anh Tô Sang.

Dù không biết ngoại ngữ, anh Sang có thể viết tất cả các loại chữ trên thế giới. Anh bảo, tiếng Tây khá phức tạp và tên của họ thường khá dài. Anh đã từng viết tên cho khách hàng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Czech, Mỹ. Với anh, tiếng Hoa khó viết nhất vì nó nhiều nét, nét nhỏ, nhiều chi tiết. Anh đã từng viết tên một vị khách người Séc với 12 chữ cái trên một mặt hạt gạo. Đa phần, khách hàng đều hài lòng với chữ viết của anh. Có vị khách khó tính, anh viết tới lần thứ 10 mới ưng.

Khi hỏi về độ khó và tinh xảo của việc viết chữ bé li ti lên hạt gạo, anh Sang cười hiền: “Thực ra không khó lắm, nhưng cũng phải học thì mới viết được. Mấy đứa cháu của tôi là sinh viên, nhưng khi viết thử thì đều bó tay.”  Anh nói thêm: “Cũng phải có mẹo đấy.”

Rồi anh cũng chẳng ngần ngại truyền cho tôi bí quyết. Anh bảo, ban đầu anh không thể nào viết được vì hạt gạo cứ văng ra ngoài. Hóa ra, để viết được những chữ nhỏ li ti như vậy, người viết phải nín thở, không thì hỏng bét. Sau hơn hai năm trong nghề, giờ khi đôi tay điêu luyện, anh có thể vừa viết, vừa nói chuyện, không phải nín thở như trước.

Nghề “làm ngày, ăn tháng”

Anh Sang cho biết, Đà Lạt chỉ đông khách du lịch nước ngoài vào dịp hè, lễ, tết, chứ bình thường chỉ vào cuối tuần mới có khách du lịch địa phương, từ các huyện của Lâm Đồng. Anh nói vui: “Đây là nghề làm ngày ăn tháng mà.” Vào dịp lễ, tết, quầy của anh luôn đông khách. Có ngày, anh viết được hơn 100 hạt gạo, với tiền công là 20.000 đồng/ hạt gạo kèm móc khóa.

Anh Sang đang viết  chữ cho khách.

Anh khoe, đợt festival hoa Đà Lạt năm 2015 anh cũng viết cho rất nhiều khách nước ngoài. Trước đó, cũng đông khách Lào - Thái - Campuchia nhân dịp nghỉ lễ sang Việt Nam du lịch.

Khách du lịch rất thích thú vì nó đem đến cho họ nhiều niềm vui và sự thư thái. Đầu tiên, họ được tha hồ ngồi chọn lựa các mẫu móc nhỏ nhiều màu sắc đa dạng. Sau đó là hồi hộp chờ xem chữ viết hoàn thành. Chỉ trong vòng 5-10 phút, khách đã có một món quà nhỏ xinh mang về tặng bạn bè.