📞

Tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều sẽ được phát miễn phí

15:50 | 21/10/2020
TGVN. Tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều sẽ được phát hoàn toàn miễn phí cho các đơn vị sử dụng là thông tin được đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra tại cuộc giao ban báo chí ngày 20/10.
Bộ SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều lỗi lớn thì sửa, lỗi nhỏ trong quá trình dạy học có thể điều chỉnh. (Nguồn: VNE)

Tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương vào chiều 20/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo lại toàn bộ các nội dung liên quan đến biên soạn, thẩm định, phát hành, giảng dạy SGK lớp 1.

Theo đó, trước phản ứng gay gắt của dư luận, ngày 15/10, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhóm chủ biên SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều chỉnh sửa một số nội dung được phản ánh.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo nhà xuất bản phát hành SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều trên tinh thần đã thống nhất là sẽ in thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung và phát hoàn toàn miễn phí cho học sinh và các trường đang sử dụng SGK này.

Đồng thời, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh dựa trên các căn cứ và văn bản hướng dẫn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT tương tự quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết thêm, khi tiếp cận các nhóm giáo viên trực tiếp dạy bộ Cánh Diều, nhất là giáo viên dạy môn Tiếng Việt 1, hầu hết đều cho rằng đây là một bộ sách hay, bám sát chương trình và không có ý kiến gì như dư luận phản ánh.

Lý giải về việc trong quá trình dạy học vừa qua, giáo viên không có ý kiến gì về sách Cánh Diều nhưng Bộ GD&ĐT lại có yêu cầu điều chỉnh trước phản ánh của dư luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, giáo viên dạy bộ sách này không có phản ứng gì như dư luận cả. Những phần mà dư luận có ý kiến thì chưa dạy tới.

Ông Độ khẳng định, Bộ không có bất cứ chỉ đạo nào về việc cấm giáo viên phát ngôn về SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều. Ngược lại, đơn vị này rất mong nhận được ý kiến góp ý của người trực tiếp giảng dạy.

“Bộ GD&ĐT biết thông tin về SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều hơi chậm so với phản ánh của báo chí vì trước đó Bộ có đi kiểm tra, dự giờ một loạt địa phương, và thấy không giáo viên nào có ý kiến gì về bất cập trong chương trình hay SGK”, Thứ trưởng Độ cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Độ, vai trò của giáo viên rất quan trọng, giáo viên được quyền chủ động trong xây dựng bài học nên biết SGK là tài liệu quan trọng nhưng không phải dạy theo hoàn toàn SGK.

Những ngữ liệu nào trong SGK mà giáo viên thấy không phù hợp với học sinh của mình thì có thể thay đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn.

Có những bài phải thay đổi nằm ở cuối SGK nên đến thời điểm này giáo viên cũng chưa chạm đến nên không ảnh hưởng quá nhiều.

Về việc tập huấn cho giáo viên trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Độ thừa nhận, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai tập huấn có gián đoạn và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ và chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới.

Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên.

Hiện Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản và nhóm tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều và gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11.

Theo ông Độ, bộ sách Cánh Diều lỗi lớn thì sửa, lỗi nhỏ trong quá trình dạy học có thể điều chỉnh.

Tại một số địa phương có trường học sử dụng SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều, các giáo viên đã chủ động thay thế các từ ngữ, ngữ liệu được cho khó hiểu hoặc dễ gây hiểu nhầm trong SGK bằng các ngữ liệu và từ ngữ khác phù hợp hơn với địa phương.

(theo Dân trí)