📞

Tài sản Nga bị phong tỏa vẫn trên 'bàn cân' của phương Tây, vì lo châu Âu sẽ mất nhiều hơn?

Linh Chi 06:29 | 25/04/2024
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang tìm cách sử dụng tài sản trị giá gần 300 tỷ USD của Nga bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt kể từ năm 2022 để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, cách thực hiện vẫn rất phức tạp và Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang vấp phải những quan điểm trái chiều về vấn đề này.
Phía Mỹ tiếp tục ủng hộ ý tưởng tịch thu toàn bộ tài sản bị phong tỏa của Nga và giao cho Ukraine. (Nguồn: Loop News)

Chưa chốt "số phận" tài sản Nga bị phong tỏa

Hãng tin Reuters (Anh) đã tổng hợp một số ý tưởng đang được bàn luận về vấn đề sử dụng tài sản Nga bị phong tỏa của phương Tây. Cụ thể:

Tịch thu toàn bộ tài sản bị phong tỏa: Phía Mỹ tiếp tục ủng hộ ý tưởng tịch thu toàn bộ tài sản bị phong tỏa của Nga và giao cho Ukraine.

Một số luật sư hàng đầu nước này cho rằng, phương Tây có thể bán hoặc thế chấp tài sản Nga và số tiền thu được sẽ được chuyển cho Ukraine hoặc cho một quỹ tái thiết chuyên dụng. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu nêu lên lo ngại rằng, điều này có thể vi phạm luật pháp quốc tế và Nga có khả năng sẽ có biện pháp đáp trả.

Giới chức EU cũng phản đối đề xuất của Mỹ về việc tịch thu số tiền vì châu Âu nắm giữ phần lớn tài sản bị phong tỏa, và “bất kỳ sự trả đũa nào của Nga có thể sẽ nhắm vào châu Âu chứ không phải Mỹ”.

Những vụ tịch thu tài sản như vậy không phải là chưa có tiền lệ. Chẳng hạn như vụ tịch thu tài sản của Iraq sau cuộc chiến Kuwait năm 1990 của Iraq và tài sản của Đức sau Thế chiến thứ hai được xảy ra sau khi các cuộc chiến đó kết thúc, chứ không phải khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

Ngay cả tại Mỹ, các chuyên gia hàng đầu về nợ công đã nhấn mạnh, Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp quốc tế (IEEPA) không cho phép tịch thu hoàn toàn tài sản bị đóng băng của Moscow trong trường hợp không có xung đột vũ trang thực sự giữa Mỹ và Nga.

Sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa: Phần lớn tài sản Nga bao gồm trái phiếu và các loại chứng khoán khác mà ngân hàng trung ương Nga đã đầu tư được giữ tại một kho lưu ký có trụ sở tại Brussels có tên là Euroclear. Khi những tài sản đó đến ngày thanh toán cuối cùng sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt và bị đánh thuế ở mức 25% ở Bỉ.

Các nhà lãnh đạo EU về nguyên tắc đã đồng ý trưng dụng phần lớn lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để chuyển cho Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay, kế hoạch này có thể mang lại hơn 3 tỷ USD mỗi năm và Ukraine sẽ nhận được 1 tỷ USD đầu tiên vào khoảng tháng 7 tới.

Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), 90% số tiền thu được sẽ được chuyển vào quỹ viện trợ quân sự của Ukraine, 10% còn lại sẽ hỗ trợ nước này theo những cách khác.

Tuy nhiên, một số người trong khối vẫn cảnh giác, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ngân hàng này đã cảnh báo rằng, việc tịch thu tài sản của Nga chỉ nên được thực hiện song song với các cường quốc G7 khác.

Thế chấp các tài sản của Nga: Thế chấp các tài sản của Nga để cho vay thay vì tịch thu chúng hoàn toàn được coi là một trong những lựa chọn có thể đạt được sự đồng thuận giữa Washington, châu Âu và các nơi khác.

Phía Mỹ đề xuất, Ukraine có thể có hàng chục tỷ Euro thông qua phát hành trái phiếu hoặc khoản vay, được bảo đảm bằng tài sản Nga bị đóng băng.

FT Daleep Singh, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế cho hay: “Chúng ta đang ở thời điểm nên khám phá mọi con đường có thể để tối đa hóa giá trị của nguồn dự trữ cố định cho Ukraine. Đề xuất của Mỹ sẽ liên quan đến việc đưa ra giá trị lãi suất của tài sản cố định, thông qua trái phiếu hoặc khoản vay”.

Việc phát hành trái phiếu hoặc khoản vay dựa trên lợi nhuận tương lai từ tài sản của Nga có thể mang lại khoảng 30 - 40 tỷ Euro trong 10 năm tới, tùy thuộc nhiều vào lãi suất trong tương lai.

Siêu du thuyền Dilbar thuộc sở hữu của tỷ phú Nga Alisher Usmanov bị các cơ quan chức năng Đức thu giữ. (Nguồn: Getty Images)

Nga nhiều lần "phản pháo"

Mới đây, Hạ viện Mỹ chính thức thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trong đó kèm theo điều khoản về thanh lý tài sản Nga đang bị đóng băng ở Mỹ để viện trợ Ukraine.

Phản ứng về hành động này, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko cho biết, nước này đã soạn thảo một gói biện pháp trả đũa trong trường hợp phương Tây tịch thu tài sản. Bà mô tả kế hoạch của EU nhằm tịch thu tài sản Nga là “chưa từng có”, đồng thời cảnh báo việc này “sẽ phá hủy nền kinh tế toàn cầu”.

Bà Valentina Matvienko nhấn mạnh: “Tất nhiên, điều đó hoàn toàn bất hợp pháp và mọi người ở châu Âu đều hiểu rằng họ không thể làm như vậy. Chúng tôi có một dự luật sẵn sàng xem xét để phản ứng ngay lập tức. Người châu Âu sẽ mất nhiều hơn người Nga. Tất nhiên, họ sợ điều này, đặc biệt khi nền kinh tế của họ đang sụp đổ”.

Đây không phải là lần đầu Moscow phản ứng về vấn đề này. Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố, bất kỳ hành động tịch thu tài sản nào đều đi ngược toàn bộ nguyên tắc của thị trường tự do mà phương Tây đặt ra, làm xói mòn niềm tin vào đồng USD cũng như Euro, cản trở đầu tư toàn cầu và làm suy yếu niềm tin vào các ngân hàng trung ương phương Tây.

Nga đồng thời khẳng định sẽ kiện ra tòa mọi hành vi tịch thu tài sản của nước này.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Chúng tôi rất hoài nghi hành vi này, bởi đây thực chất là phá hủy mọi nền tảng của hệ thống kinh tế, xâm phạm tài sản nhà nước và tài sản tư nhân. Đây là hành vi bất hợp pháp và sẽ phải chịu hành động trả đũa cũng như thủ tục tố tụng pháp lý".

Theo ông, kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu giới chức ở Washington phê chuẩn dự luật liên quan tài sản Nga.

Ông nói: "Nhiều nhà đầu tư sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi thực hiện bất kỳ khoản đầu tư nào vào nền kinh tế Mỹ hoặc cất giữ tài sản ở đó".

Có thể thấy rõ, Mỹ và châu Âu dường như vẫn đang loay hoay trong việc định đoạt "số phận" tài sản Nga bị phong tỏa ở phương Tây. Bởi lẽ, vẫn có tác động tiêu cực với những quốc gia này nếu "mạnh tay" với tài sản của Moscow.

Foreign Policy nhận định, để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tịch thu tài sản Nga, các nước phương Tây phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện, đặc biệt cần có những quy định pháp lý rõ ràng về việc tịch thu tài sản, đảm bảo tính hợp pháp và công bằng.

(theo Reuters, TASS)