Thưa bà, chuyến thăm sắp tới của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đến Bulgaria kể từ năm 1989. Bà có nhận xét gì về những kết quả mà chuyến thăm này đạt được?
Bulgaria luôn coi trọng việc phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị với Việt Nam như một đối tác quan trọng của Bulgaria trong khu vực Đông Nam Á đầy năng động. Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta dựa trên sự thiện chí, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Trải qua gần 70 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (8/2/1950), hai nước có mối quan hệ chặt chẽ và phong phú đi cùng với chiều dài lịch sử, nhưng quan trọng nhất, chúng ta luôn duy trì đối thoại tích cực trong mọi lĩnh vực hợp tác.
Hai nước luôn tích cực trao đổi đoàn cấp cao như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm chính thức Bulgaria những năm 2010 và 2014; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Bulgaria năm 2015; về phía Bulgaria có các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev (2013), Phó Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Margarita Popova (2015) và Thủ tướng Cộng hòa Bulgaria Plamen Vasilev Oresharski (2014).
Các hoạt động hợp tác giữa các lĩnh vực vẫn luôn được đẩy mạnh. Ví dụ như hợp tác kinh tế giữa hai bên vẫn luôn thường xuyên được thực hiện qua các khóa họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Bulgaria.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Quốc hội và các địa phương của hai nước vẫn thường xuyên được duy trì và phát triển. Riêng trong năm 2018, Chủ tịch Quốc hội của hai nước đã có buổi họp song phương bên lề khuôn khổ Hội đồng Liên minh Nghị viện lần thứ 138 diễn ra tại Geneva vào tháng Ba; tháng 4/2018, Bulgaria cũng đón tiếp phái đoàn Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đứng đầu. Các địa phương của hai nước cũng đã ký kết nhiều văn bản ghi nhớ hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, thể thao, giáo dục, môi trường,…
Việc hai nước luôn đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ không phải điều đáng ngạc nhiên khi Việt Nam đang có tỷ lệ phát triển kinh tế và xã hội ấn tượng, với những chính sách đối ngoại năng động, đầy tính xây dựng và thực tế đã giúp đưa đất nước các bạn trở thành một đối tác quốc tế có giá trị với sự ảnh hưởng trong khu vực ngày càng tăng cao.
Chuyến thăm của một phái đoàn của thành phố Sofia đến Hà Nội, tháng 3/2018. |
Chuyến thăm lần nay của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Binh Minh giúp chúng ta đánh giá sâu rộng về hợp tác song phương giữa hai nước, chia sẻ về các nhiệm vụ đối ngoại và ưu tiên về các vấn đề toàn cầu mà hai nước có chung mối quan tâm để mở đường cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trên trường quốc tế.
Bulgaria là một điểm đến lý tưởng cho giáo dục, với các thế mạnh về đào tạo trong các ngành xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin, công nghệ sinh hóa, nông nghiệp, du lịch. Có khoảng 4.000 người Việt Nam từng học tập và nghiên cứu tại Bulgaria, sau đó trở về nước để tiếp tục chuyên ngành của mình. Bà có nhận xét gì về lĩnh vực hợp tác này?
Giáo dục là một tài sản lớn mà Bulgaria và Việt Nam đang xây đắp cho tương lai. Thật vậy, sợi dây liên kết giữa hai quốc gia luôn được thắt chặt là nhờ hàng nghìn người dân Việt Nam đã, đang sinh sống và học tập tại Bulgaria. 4.000 chỉ là số người theo học chương trình đại học và cao học ở Bulgaria, ngoài ra còn hàng nghìn người khác đã được đào tạo nghề trên nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau.
Bulgaria rất tự hào khi chứng kiến nhiều sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp tại các trường ở Bulgaria đã trở về Việt Nam để tạo nên tên tuổi của mình, đóng góp vào những vị trí quan trọng trong Chính phủ cũng như các nghề cao quý như bác sĩ, giáo viên,… Hội hữu nghị Việt Nam – Bulgaria luôn triển khai những hoạt động sôi nổi và phong phú tại thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hải Phòng là cốt lõi của cộng đồng này.
Một trong những biểu tượng thực sự của sự hợp tác giữa Bulgaria và Việt Nam trong giáo dục là Trường Mẫu giáo Việt Nam - Bulgaria tại Hà Nội, được xây dựng vào năm 1981 với sự hỗ trợ của Bulgaria. Ngôi trường này là nơi đang triển khai hai dự án phát triển của Bộ Ngoại giao Bulgaria.
Bà Petkova và Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt Nam - Bulgaria Bùi Thị Kim Xuân. |
Hợp tác giữa các trường đại học cũng bắt đầu được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Bộ Giáo dục và Khoa học Bulgaria và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ký kết thỏa thuận trao đổi trong lĩnh vực giáo dục, cung cấp học bổng cho các sinh viên và nghiên cứu sinh tại các trường đại học hàng đầu Bulgaria.
Bulgaria là một điểm đến tuyệt vời dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam với học phí và chi phí sinh hoạt cạnh tranh, cùng với các yếu tố quan trọng khác như ổn định chính trị, xã hội hòa nhập và quan hệ lịch sử giữa hai nước mạnh mẽ. Ngoài ra, việc Bulgaria là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng là một lợi thế độc đáo khác, cung cấp cho những bạn trẻ Việt Nam đầy tính tò mò cơ hội du lịch và tiếp xúc với nền văn hóa rộng lớn của châu Âu.
Trong những năm gần đây, Đại sứ quán Bulgaria tại Hà Nội, cùng với Phái đoàn EU và các Đại sứ quán của các quốc gia thành viên EU khác tại Hà Nội tổ chức hội chợ, ngày hội giáo dục châu Âu thường niên mang tên “Học tập tại châu Âu”, mang lại các trải nghiệm và thông tin hữu ích về việc nghiên cứu học tập và sống ở châu Âu, các thông tin chia sẻ của các cựu du học sinh và tư vấn tại các gian thông tin về học bổng Erasmus của EU cùng các thông tin khác từ 15 nước thành viên EU. Sự kiện năm nay sẽ diễn ra tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vào giữa tháng Chín tới.
Để xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ và chặt chẽ lâu dài, Bulgaria và Việt Nam phải theo đuổi một chương trình nghị sự đầy tham vọng để bồi dưỡng và đẩy mạnh trao đổi con người, văn hóa và giáo dục, vì đây là những công cụ giúp quan hệ giữa hai nước luôn được tăng cường và phát triển.
Hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Bulgaria cũng rất phát triển với nhiều chương trình hợp tác văn hóa song phương. Nổi bật nhất gần đây chính là “Lễ hội hoa hồng Bulgaria” - diễn ra vào tháng Ba hàng năm. Xin bà cho biết, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác văn hóa mạnh hơn nữa như thế nào?
Hợp tác văn hóa cũng là một lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của Bulgaria và Việt Nam. Cả hai quốc gia đều tự hào với nền văn hóa lâu đời, đã từng đấu tranh chống lại những kẻ thù để bảo tồn những giá trị truyền thống. Hiện nay, người dân Bulgaria có thể dễ dàng đến với Việt Nam để tìm hiểu và khám phá các di sản thế giới, các màn biểu diễn văn nghệ truyền thống, nghệ thuật thị giác, phong tục, giá trị gia đình, tận hưởng lòng hiếu khách nổi tiếng của người Việt Nam.
Giao lưu nhân dân Việt Nam - Bulgaria tại Lễ hội Hoa hồng Bulgaria, tháng 3/2017. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Sự hợp tác văn hóa song phương đã được thực hiện chặt chẽ thông qua chương trình chính thức kéo dài 5 năm, thế nhưng, hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia ngày càng được thắt chặt bởi các sáng kiến của chính quyền các địa phương và các tổ chức văn hóa khác nhau.
Lễ hội Hoa Hồng Bulgaria là diễn ra vào tháng Ba hàng năm tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhằm giới thiệu tới người Việt Nam về truyền thống trồng hoa hồng và chưng cất dầu của Bulgaria, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Hội chợ được tổ chức để chào mừng mùa xuân và mối quan hệ thân thiện giữa Bulgaria và Việt Nam – bởi theo người Bulgaria, hoa là biểu tưởng của hữu nghị và hòa bình.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể sẽ được ký kết và phê chuẩn thực thi vào cuối năm nay và đây chính đây là một trong những điều kiện để quan hệ hai nước phát triển mạnh trong thời gian tới. Xin bà chia sẻ về mối quan tâm của Bulgaria đối với hiệp định này cũng những kỳ vọng của bà sau khi hiệp định này chính thức có hiệu lực?
Vào ngày 1/1/2018, lần đầu tiên, Bulgaria đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU kéo dài 6 tháng, và Bulgaria có cơ hội đẩy nhanh nỗ lực chung trong các lĩnh vực quan trọng nhất định. Thật vậy, mối quan hệ song phương Việt Nam - Bulgaria cũng gắn bó chặt chẽ với việc Việt Nam là thành viên của ASEAN và Bulgaria là thành viên của EU, khi hai tổ chức đưa ra những biện pháp thú vị khác về tiềm năng kinh tế và chính trị chưa được khai thác. Chúng tôi mong chờ đến năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN, khi đó EU và ASEAN bắt đầu trên con đường trở thành đối tác chiến lược toàn diện.
EVFTA được đàm phán vào năm 2015, sẽ kết nối nền kinh tế phát triển nhanh của Việt Nam với một trong những nền kinh tế lớn nhất và cởi mở nhất trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các lĩnh vực như đầu tư, kết nối chung, năng lượng, khoa học và công nghệ, để có các giải pháp bền vững hỗ trợ tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam.
EVFTA, một FTA đầy tham vọng và toàn diện, là FTA thứ hai mà EU ký kết với một quốc gia ASEAN sau Singapore, cũng là một đòn bẩy chính trị đáng kể trong khu vực. Ngoài ra, Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ tháng 10/2016, có tiềm năng đưa mối quan hệ vượt ra ngoài ranh giới của hợp tác thương mại và kinh tế, đem lại thêm nhiều lợi ích của cả hai dân tộc chúng ta.
Xin cảm ơn bà!
Duy Quang
(thực hiện)