TIN LIÊN QUAN | |
Thụy Sỹ - Khởi nguồn sáng tạo | |
Từ dòng Mekong đến dãy Alpes |
Nhịp cầu nối hai đất nước
Bà Ngọc Dung Moser từng là học sinh theo ngành học tiếng Pháp tại trường Marie-Curie tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Từ năm 1970, bà sang Thụy Sỹ theo học ngành Hóa học, sau đó chuyển sang ngành Kinh tế ở Đại học Lausanne. Năm 1975, bà đến Zurich làm việc tại một công ty lớn và trở thành chuyên viên tin học. Tại đây, bà đã xây dựng gia đình với một người Thụy Sỹ là chuyên gia về hương liệu và tinh dầu.
Khi con đầu lòng ra đời, bà nghỉ làm việc và dành hết thời gian cho gia đình riêng. Ngoài việc chăm sóc hai con và làm nội trợ, bà phụ giúp chồng trong việc lập ra và sửa đổi các công thức làm hương liệu sử dụng trong thực phẩm. Khi con thứ hai được 15 tuổi, bà mới bắt đầu đi tìm một việc làm thích hợp. Trong thời gian đi làm thông dịch viên, bà may mắn tìm được công việc tốt trong một cơ quan nhà nước của thành phố Zurich và về nghỉ hưu từ năm 2015.
Bà Ngọc Dung Moser nhận Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao từ Đại sứ Phạm Hải Bằng vào ngày 1/10 tại Thụy Sỹ. |
Tuy nhiên, có một tổ chức mà bà Ngọc Dung Moser gắn bó suốt từ năm 1982 đến nay, đó là Hội hữu nghị Thụy Sỹ - Việt Nam. Bà nhớ vào thời điểm đó, chồng bà là người đã nhiệt tình giúp liên lạc với những người bạn Thụy Sỹ yêu mến Việt Nam để thành lập một tổ chức nhằm ủng hộ Việt Nam khi bị Mỹ cấm vận sau chiến tranh và tổ chức các hoạt động thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước.
Trải qua 34 năm, Hội vẫn được duy trì và phát triển dù các thành viên sáng lập Hội nay tuổi đã cao và sống tại nhiều địa bàn cách xa nhau. Những năm gần đây, Hội tham gia tổ chức các cuộc biểu tình hòa bình tại thành phố Zurich, phản đối các hành động vi phạm pháp luật của Trung Quốc tại Biển Đông. Bà Ngọc Dung Moser cũng trở thành sứ giả văn hóa Việt Nam cho những người bạn Thụy Sỹ với việc tổ chức các chuyến du lịch tìm hiểu về quê hương.
Đáng chú ý, Hội hữu nghị Thụy Sỹ - Việt Nam đã thường xuyên liên kết với tổ chức Vietnam les Enfants de la Dioxine (VNED) được thành lập từ năm 2001 để tổ chức nhiều dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đặc biệt là trẻ em. VNED đã đỡ đầu cho gần 300 cháu bị khuyết tật nặng, sống trong những gia đình nghèo. Từ năm 2009, VNED bắt đầu cho gia đình các trẻ em này vay tín dụng không lãi và đến cuối năm 2011, có 211 gia đình được mượn vốn để phát triển kinh tế.
Bà Ngọc Dung Moser cho biết, VNED tại Pháp luôn đi tìm người đỡ đầu cho trẻ em nhiễm chất độc da cam, tổ chức những triển lãm mỹ nghệ, những buổi trình diễn ca nhạc do các nghệ sĩ khuyết tật đến từ Việt Nam tại các nước Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sỹ và phổ biến những thông tin mới nhất về chất độc da cam/dioxin. Tại Việt Nam, VNED có đại diện khắp ba miền và kết hợp với Hội Chữ thập đỏ, Quỹ Trẻ em, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… lên các dự án chữa trị cho các cháu bị dị tật tim hoặc cần được chỉnh hình.
Thực hiện ước mơ gieo chữ Việt
Đã từ lâu, bà Ngọc Dung Moser luôn thích thú với việc dạy tiếng Việt cho những bạn bè Thụy Sỹ, dâu, rể của Việt Nam. Vào năm 2010, sau khi Hội Người Việt Nam tại Thụy Sỹ được thành lập ở Bern, bà lại bắt đầu nghĩ đến việc dạy tiếng Việt, ưu tiên cho thế hệ con, cháu của cộng đồng người Việt của mình.
Đại sứ Phạm Hải Bằng chụp ảnh cùng Hội hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam. |
Tuy nhiên, với công việc chuẩn bị lập ra lớp học tiếng Việt, bà muốn được đi từng bước, chín chắn và lâu dài. Vì vậy, bên cạnh việc thường xuyên trao đổi với các thành viên trong Hội Người Việt Nam tại Thụy Sỹ mà hiện bà là Tổng Thư ký, bà cũng nhận được đóng góp tích cực của nhiều bà con trong cộng đồng, một số bạn bè người Thụy Sỹ và chuyên gia về giáo dục, tâm lý.
Theo bà Ngọc Dung Moser, thế hệ kiều bào thứ 2, 3 ở Thụy Sỹ ngày càng tăng và có tâm huyết duy trì văn hóa truyền thống của mình qua cách sinh hoạt trong gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, khác với nhiều nước khác, chính phủ Thụy Sỹ phân phối người di dân ra nhiều bang khác nhau nên cộng đồng người Việt (khoảng 8.000 - 10.000 người) sống rất rải rác. Do đó, việc mở lớp tiếng Việt cho vùng phía Bắc Thụy Sỹ cần phải bắt đầu ở Zurich để từ đó lập ra mô hình áp dụng cho những vùng khác.
Với bà, quá trình từ lúc có ý định duy trì tiếng Việt ở xứ người đến việc chuẩn bị để thực hiện lớp học tiếng Việt cũng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc của mối quan hệ và tình đoàn kết giữa Hội Hữu nghị Thụy Sỹ - Việt Nam và cộng đồng người Việt tại đây.
Và rồi, ước mơ bấy lâu của bà Ngọc Dung Moser sẽ sớm trở thành hiện thực, bởi lớp tiếng Việt ở Zurich dự kiến sẽ được khai trương vào đầu tháng 3 năm tới. Điều bà mong ước hơn là có thể giúp chính thức hóa tiếng Việt, để mang tiếng Việt đi vào các trường học như là một ngoại ngữ tùy chọn. “Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc mở lớp tiếng Việt ở Zurich cho các em có tâm huyết học tiếng Việt. Dù chỉ có một em cũng dạy”, bà nói.
Quan hệ Việt Nam – Thụy Sỹ có nhiều bước chuyển lớn Trả lời báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 (22-26/8), Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Phạm Hải Bằng khẳng định như ... |
Việt Nam - Thụy Sỹ tham vấn chính trị cấp Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Triển khai chương trình hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Thụy Sỹ, ngày 25/02, Vụ trưởng Vụ châu Âu Lê Dũng ... |
Kỷ niệm trọng thể 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sỹ Tối 14/9, tại Trụ sở Hội đồng thành phố Bern, thủ đô Thụy Sỹ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ đã kỷ niệm ... |