Tại Singapore, từ một không gian văn phòng chia sẻ vào năm 2009, đến nay, quốc đảo này đã có hơn 30 văn phòng. Mô hình co-working space ở Việt Nam phát triển muộn hơn bắt đầu từ năm 2012 với không gian Start nhưng lại có tốc độ phát triển khá nhanh, hiện nay là hơn 40 địa điểm.
Trên thực tế tại Đông Nam Á, co-working space đang rất phổ biến với tổng cộng hơn 10.000 không gian được thành lập vào cuối năm 2016. Trong đó phải kể đến các chuỗi co-working space toàn cầu như WeWork cũng đang bắt đầu xâm nhập vào thị trường này và nhanh chóng phát triển. Tuy nhiên, các thương hiệu trong nước cũng rất nỗ lực để gia tăng sức cạnh tranh của mình.
BeacHub ở Koh Phangan (Thái Lan) với một không gian co-working ngay tại bãi biển. (Nguồn: Forbes) |
Theo thống kê của công ty nghiên cứu bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL), công ty The Hive đang nhắm đến Singapore là nơi tiếp theo trong danh sách tăng trưởng. Bên cạnh đó, công ty Dreamplex của Việt Nam cũng đã có kế hoạch mở rộng ra Hà Nội và Đà Nẵng sau văn phòng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Thương hiệu WOTSO của Australia gần đây cũng đã thành lập không gian co-working đầu tiên tại châu Á ở Singapore.
Bà Regina Lim, Giám đốc bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Thị trường vốn của JLL dự báo, đến năm 2030, không gian co-working sẽ tăng từ 10% lên 15% trên tổng nguồn cung văn phòng ở Đông Nam Á, so với con số hiện nay chỉ dưới 5%.
Đa dạng tiện ích hấp dẫn và độc đáo
Theo thống kê, đa số các không gian co-working tại Đông Nam Á được đặt trong các thành phố sầm uất, nơi thuận tiện cho người thường xuyên phải di chuyển và cần mạng internet để làm việc.
Ngoài ra, những không gian độc đáo với view (tầm nhìn) đẹp cũng được các công ty này “nhắm” đến. Công ty BeacHub ở Koh Phangan (Thái Lan) đã xây dựng một không gian co-working ngay tại bãi biển, trong khi đó Hubud - không gian co-working đầu tiên tại Bali (Indonesia) lại cho phép các doanh nhân ngắm phong cảnh ruộng bậc thang ngay khi họ đang phát triển các ý tưởng kinh doanh.
Ngoài ra, tại các khu đô thị, sự cạnh tranh giữa các công ty kinh doanh không gian làm việc chung đang ngày càng gia tăng, nội thất sáng tạo và cafe ngon đã không còn đủ sức thu hút những doanh nhân trẻ.
Một số nhà đầu tư đã đưa ra những ưu đãi rất khác biệt và đầy hấp dẫn, chẳng hạn như The Outpost ở Singapore cung cấp cho khách hàng cả chuyên gia cố vấn châu Á và nguồn nhân lực chất lượng. Một số nơi khác thu hút khách hàng với thiết kế độc đáo, chẳng hạn như công ty Refinery đã thiết kế không gian co-working dành riêng cho thợ thủ công. Trong khi đó, không gian Trehaus (Singapore) lại có độc chiêu là dịch vụ chăm sóc trẻ đi kèm. Đây là một trong những nơi có dịch vụ chăm sóc trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á.
Và tại Indonesia, các doanh nhân đang làm việc tại Livit Spaces đang được sống, làm việc và thở cùng một nhịp với ý tưởng đưa không gian co-working lên một bước tiến mới – không gian sống chia sẻ (co-living). Bên cạnh đó, Ke:Kini, một không gian co-working cho người Indonesia, tọa lạc trong một tòa nhà cũ vì người sáng lập muốn giúp bảo tồn các tòa nhà cổ ở Jakarta và “mang đời sống văn hóa trở lại với Cikini”.
Trao đổi với TG&VN về mô hình không gian làm việc chung, bà Mai Lan Vân, Giám đốc truyền thông của UP Co-working Space cho rằng, co-working space là một hiện tượng tương đối mới và đang thực sự phát triển rộng rãi.
Bà Mai Lan Vân, Giám đốc Truyền thông UP Co-Working Space. (Ảnh: TA) |
“Với đà tăng trưởng mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam, tôi tin rằng mô hình co-working space sẽ ngày càng mở rộng, tập trung tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và dần thay thế một phần văn phòng truyền thống”, bà Mai Lan Vân nhận định.
Thực tế cho thấy, sự phát triển của không gian làm việc chung không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà những công ty kinh doanh văn phòng cho thuê cũng đang được hưởng lợi.
Theo TS. Chua Yang Liang, Giám đốc Nghiên cứu của JLL Đông Nam Á, tại Singapore, không gian co-working không được phép hoạt động trong khu dân cư, vì vậy phần lớn không gian co-working tập trung ở khu vực văn phòng thương mại. Những người làm việc tự do và các công ty khởi nghiệp đã lấp đầy các không gian bị bỏ trống ở những nơi này.
Được sự hỗ trợ của các chính phủ
Hiện tại, nhiều quốc gia Đông Nam Á ngày càng nhận thấy không gian co-working là một cách khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp. Có thể kể đến chương trình Doanh nhân Toàn cầu Indonesia (GEPI), (sáng kiến của Mỹ nhằm hỗ trợ thúc đẩy tinh thần kinh doanh trên toàn thế giới) đã cung cấp không gian làm việc chung cho các nhà khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng tiết lộ kế hoạch xây dựng hai không gian co-working để hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ lập nghiệp.
The Outpost tại Singapore. (Nguồn: outpost-asia) |
Ngoài ra, theo TS.Chua, Chính phủ Singapore cũng đặt mục tiêu trọng tâm là phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo, và điều này có thể làm tăng nhu cầu về không gian làm việc phi truyền thống như co-working. Singapore cũng đặt khá nhiều tin tưởng vào tương lai phát triển của mô hình không gian làm việc này.
TS. Chua Yang Liang, JLL Đông Nam Á. (Nguồn: JLL) |
Thực tế những không gian này cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tháng 3/2015, Toong đã nhận được khoảng tài trợ một triệu USD từ các nhà đầu tư giấu tên cho chuỗi không gian co-working đầu tiên tại Việt Nam, trong khi đó The Hub của Singapore cũng đã huy động đầu tư được 1,5 triệu SGD.
Các tập đoàn lớn cũng đã bắt đầu thử nghiệm với ý tưởng co-working. “Các công ty như DBS, Visa, OCBC and Standard Chartered đã thiết lập góc co-working trong văn phòng của họ để kích thích và khai khác ý tưởng sáng tạo của nhân viên”, Dr. Chua cho biết.
Hiện nay, không gian co-working tại Đông Nam Á có thể vẫn còn mới mẻ. Nhưng, với số lượng các doanh nghiệp ngày càng tăng cùng phong trào khởi nghiệp sôi động, mô hình văn phòng làm việc này chắc chắn sẽ có tiềm năng đáng kể trong câu chuyện phát triển của Đông Nam Á trong tương lai.