Theo CNBC, Chính phủ Venezuela đang bên bờ vực đổ vỡ và các nhà lãnh đạo của nước này đang phải vật lộn để giữ sự ổn định của đất nước. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc chiến kinh tế mà theo lời ông là do các thế lực bên ngoài và lực lượng cánh hữu ở Venezuela phát động chống lại đất nước Mỹ Latin này.
Trong khi đó, sự bế tắc trong việc tìm kiếm giải pháp và tình trạng khủng hoảng trong dân chúng khiến nhiều cuộc biểu tình cũng như bắt bớ diễn ra trong thời gian gần đây. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy gần 70% người dân Venezuela muốn ông Maduro từ chức.
Dòng người biểu tình tràn vào trung tâm thủ đô Caracas ngày 18/5. (Nguồn: Reuters) |
Bế tắc
Các thủ lĩnh đối lập cảnh báo Venezuela đang trở thành một “quả bom hẹn giờ”. Tình hình bất ổn tại đất nước này đã bắt đầu trong vài năm trở lại đây, nhưng dấu hiệu khủng hoảng chỉ thực sự trầm trọng trong những tuần qua. Những cuộc biểu tình tự phát và cướp bóc ngày càng tăng. Trong khi đó, tình trạng hàng hóa thiết yếu khan hiếm, lương thực, năng lượng thiếu hụt thường xuyên, cộng thêm điện, nước sinh hoạt không đủ dùng càng khiến người dân tức giận.
Hiện nay, nền kinh tế Venezuela đang rơi tự do. Nhiều người dân không còn thực phẩm đã phải đi ăn trộm hay cướp các siêu thị . Nguồn điện và nước đều đang thiếu hụt và các bệnh viện không đủ điều kiện chăm sóc cho những đứa trẻ vừa chào đời.
Tình trạng giá dầu thô giảm mạnh, lạm phát tăng phi mã và đồng nội tệ mất giá đã khiến quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ này không có nhiều sự lựa chọn để có thể thoát khỏi tình hình biến động cả về chính trị lẫn xã hội.
Lạm phát 700%?
Tình trạng khan hiếm thực phẩm ở Venezuela ngày càng nghiêm trọng. Các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, thuốc men khan hiếm đến cùng cực. 70% nhu cầu thực phẩm, hàng tiêu dùng ở Venezuela phụ thuộc vào nhập khẩu. Kinh tế sa sút đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nhập khẩu các loại hàng hóa trên. Chưa hết, đợt hạn hán vừa qua đã khiến dân Venezuela càng chìm vào bế tắc.
Một siêu thị ở Venezuela bị cướp sạch hàng hóa. (Nguồn: Latina-press) |
Đó là lý do khiến giá cả trở nên tăng vọt. Một chợ đen hình thành với đủ các loại từ hàng hóa thiết yếu tới cả đồng USD.
Người dân thường phải bỏ tiền mua các túi bột ngũ cốc để làm các bánh ăn hàng ngày với giá cao gấp nhiều lần so với giá do chính phủ quy định.
Theo nhận định của Chính phủ Venezuela, tình hình thiếu thốn càng trở nên tồi tệ bởi “cuộc chiến kinh tế” đang được tiến hành chống lại nước này. Theo nguồn tin từ Chính phủ, một số người đang tích trữ hàng hóa trong khi những người khác lại mua nhiều hơn nhu cầu để bán lấy lãi. Theo đó, có tới 40% hàng hóa được chính phủ trợ giá đang được bán lậu sang nước láng giềng Colombia - nơi chúng được bán với lợi nhuận khủng.
Theo giới phân tích, tình trạng lạm phát tồi tệ còn do hệ thống tỷ giá phức tạp của Venezuela. Có nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vào việc người có nhu cầu mua USD để làm gì, các mức giá ưu đãi thường được dành cho những người nhập khẩu hàng thiết yếu và thực phẩm. Số lượng tiền USD mà người dân được mua một cách hợp pháp cũng bị giới hạn, khiến những ai muốn mua nhiều hơn buộc phải tới chợ đen, nơi giá USD tiếp tục bị đẩy lên cao hơn so với đồng nội tệ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, kinh tế Venezuela sẽ suy giảm khoảng 8% trong năm nay và 4% năm 2017. Trong khi đó, đồng tiền mất giá đã khiến tỷ lệ lạm phát tại Venezuela tăng phi mã. IMF dự đoán lạm phát tại Venezuela sẽ tăng 700% trong năm nay trước khi đạt mức kỷ lục 2.200% vào năm 2017.
Chỉ tại dầu mỏ?
Venezuela phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ do nước này có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Dầu mỏ chiếm tới 95% thu nhập xuất khẩu của Venezuela và đã được sử dụng để tài trợ cho các chương trình xã hội hào phóng của chính phủ. Tuy nhiên, giá dầu tụt dốc ”không phanh” giảm hơn một nửa từ mức trung bình 88 USD/thùng năm 2014, xuống còn 45 USD/thùng năm 2015, thậm chí có ngày chỉ còn 35 USD/thùng.
Giá dầu thấp đồng nghĩa với việc chính phủ không còn nhiều tiền như trước. Và điều đó đã trở thành vấn đề không thể nghiêm trọng hơn đối với cả chính phủ và người dân.
Vệ binh Quốc gia cùng cảnh sát Venezuela ngăn chặn đoàn người biểu tình và bắt giữ một số phần tử quá khích. (Nguồn: Reuters) |
Không giống như dầu lửa, nền nông nghiệp Venezuela không được coi trọng. Bị phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ, phần lớn người dân đã bỏ bê sản xuất nông nghiệp. Nền kinh tế kém đa dạng, sản xuất gần như không phát triển, mọi nhu cầu của người dân và Chính phủ đều phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Do vậy, thiếu tiền đồng nghĩa với khó khăn trong việc nhập khẩu các loại hàng hóa, kể cả hàng thiết yếu.
Trên thực tế, việc Chính phủ có ít tiền để nhập khẩu hàng hóa là nguyên nhân lớn nhất, song nó còn có lý do mang tính lịch sử. Năm 2013, Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez (từ năm 2002 tới 2013), đã đưa ra chính sách kiểm soát giá đối với một số mặt hàng cơ bản với mục đích đảm bảo giá cả các hàng hóa thiết yếu phù hợp với túi tiền người nghèo. Bởi vậy, từ đó, giá các mặt hàng như đường, cà phê, sữa, gạo, bột và dầu ăn… được áp đặt một giá cố định.
Các nhà sản xuất than phiền rằng quy định này khiến họ thua lỗ. Một số nhà sản xuất đã từ chối cung cấp hàng cho các cửa hàng của chính phủ - nơi bán các hàng hóa bị kiểm soát giá, trong khi các doanh nghiệp khác quyết định dừng sản xuất các mặt hàng đó. Kết quả là Venezuela ngày càng phụ thuộc hơn vào hàng nhập khẩu.