📞

Tái thiết Ukraine: Đại dự án lớn nhất thế kỷ 21 ở châu Âu, Mỹ kỳ vọng như Kế hoạch Marshall

Minh Anh 13:12 | 04/08/2024
Đại diện đặc biệt của Mỹ về Phục hồi kinh tế Ukraine Penny Pritzker, ngày 31/7 đã vạch ra một kế hoạch tái thiết gồm 5 bước, nhằm thu hút mọi sự chú ý vào Kiev và đưa nền kinh tế này trở nên hấp dẫn một cách đặc biệt đối với đầu tư của khu vực tư nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng, dự án tái thiết Ukraine sẽ là dự án lớn nhất tại châu Âu trong thế kỷ 21, tại đó, hàng tỷ USD sẽ được đầu tư. (Nguồn: Bloomberg)

Phát biểu trong nhóm nghiên cứu ở Washington sau chuyến thăm Kiev mới đây, bà Pritzker cho biết, “Ukraine đang tiến hành công cuộc tái thiết và phục hồi kinh tế lớn nhất, phức tạp nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ II".

Trích dẫn một ước tính của Ngân hàng thế giới (WB) từ hồi mùa Xuân rằng, quá trình tái thiết Ukraine sẽ cần ít nhất 486 tỷ USD, nhưng Đại diện đặc biệt của Mỹ còn cho biết thêm rằng, ước tính trên đã được đưa ra trước khi cuộc giao tranh Nga-Ukraine gia tăng vào tháng 3 và mùa Hè này.

Bổ sung thông tin, bà Pritzker cho biết, nền kinh tế Ukraine đã cho thấy khả năng phục hồi và tăng trưởng thần kỳ trong bối cảnh xung đột quân sự Nga-Ukraine vẫn đang tiếp dẫn. Bà bày tỏ sự tin tưởng rằng, Kiev sở hữu sức mạnh kinh tế trong nội tại. Vào năm 2023, GDP của Ukraine đã tăng 5% và doanh thu thuế tăng 25%.

"Chúng tôi đã giúp người Ukraine duy trì nền kinh tế, giải quyết nạn tham nhũng và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân", Đại diện đặc biệt của Mỹ Pritzker cho biết. Theo đó, trong suốt quá trình vừa qua, Mỹ đã làm việc với phía Kiev để xây dựng một khuôn khổ phục hồi dài hạn –“một bản thiết kế mà tôi gọi là Con đường thịnh vượng của Ukraine", bà Pritzker nói.

Về lâu dài, bà Pritzker tư vấn, Kiev cần tập trung vào việc thu hút đầu tư nước ngoài. Cộng đồng quốc tế nên được khích lệ bởi thực tế đầu tư vào Ukraine đã tăng 17% và có hơn 37.000 doanh nghiệp mới được đăng ký vào năm 2023.

Tin vào tương lai phát triển của Ukraine, bà Penny Pritzker cho rằng, nền kinh tế Đông Âu rất có tiềm năng thành công, thông qua việc khai thác các khoáng sản quan trọng như lithium, titan, hay phát triển các ngành công nghiệp nông nghiệp và quốc phòng.

Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng cũng từng được Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova đề cập là "một phần không thể tách rời trong thành công của Kiev" và đã đạt được những mức tăng trưởng kỷ lục. Chẳng hạn, sản lượng kim loại của Ukraine đã tăng trưởng 27%, sản lượng cáp và sợi quang 101% và hàng chục doanh nghiệp phát triển máy bay không người lái ra đời – ngành công nghiệp mới được thành lập từ sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, bà Markarova cho biết.

Thậm chí, Đại diện đặc biệt của Mỹ Pritzker còn đánh giá, "khoảng thời gian từ khi đổi mới đến khi đưa vào thực tế chỉ hai tuần, các nhà đổi mới của Mỹ nên cố gắng học hỏi từ sự khéo léo của Ukraine”.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về Phục hồi kinh tế Ukraine Penny Pritzker cho rằng, kế hoạch của bà "tham vọng nhưng có thể thành công" và nó giống như Kế hoạch Marshall - chương trình do Mỹ tài trợ để tái thiết châu Âu sau Thế chiến thứ 2.

Tuy nhiên, về các bước triển khai kế hoạch, theo bà Pritzker là cần xây dựng được một cơ quan lập kế hoạch và ưu tiên các chương trình tái thiết thành "dự án đơn lẻ", tích hợp với nhu cầu của thành phố, đô thị và khu vực. Bà Pritzker gọi sự tích hợp này là "những mắt xích còn thiếu trong quá trình tái thiết của Ukraine".

Tiếp theo, Ukraine cần nỗ lực cải cách, "nhanh chóng tăng số lượng các dự án sẵn sàng khởi công" để chuẩn bị cho đầu tư và triển khai. Và theo bà Pritzker, thế giới cần phải huy động thêm tiền cho Ukraine.

Kêu gọi hợp tác đầu tư tái thiết Ukraine, mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với NewsMaker của Moldova, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng, dự án phục hồi của Ukraine sẽ là dự án lớn nhất tại châu Âu trong thế kỷ 21, tại đó, hàng tỷ USD sẽ được đầu tư.

"Trong tương lai, Ukraine sẽ trở thành công trường lớn nhất thế giới và dự án phục hồi của Kiev sẽ là dự án lớn nhất ở châu Âu trong thế kỷ 21, mang lại những khoản đầu tư hàng tỷ USD”.

Ông Kuleba cũng nhấn mạnh triển vọng hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Moldova trong bối cảnh cả hai nước đều gia nhập EU. “Tôi cũng chắc chắn rằng, các doanh nghiệp Moldova có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Và chúng tôi sẽ hoan nghênh mọi nỗ lực của họ trong việc tham gia phục hồi đất nước của chúng tôi", Bộ trưởng Ukraine kêu gọi

Ngoại trưởng Kuleba nói thêm rằng, việc Ukraine và Moldova gia nhập Liên minh châu Âu (EU) gắn chặt chẽ với quá trình phục hồi của Ukraine. Quan hệ kinh tế giữa Ukraine và Moldova sẽ ngày càng trở nên chặt chẽ và gắn kết hơn.

Ông tin rằng, tư cách thành viên EU cũng sẽ mở ra những cơ hội mới cho các công ty Ukraine và Moldova trên thị trường quốc tế nhờ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường châu Âu và giảm các rào cản thương mại; trong đó, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng chung, chẳng hạn như xây dựng và hiện đại hóa các tuyến đường giao thông và cơ sở hạ tầng năng lượng. Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng cũng sẽ được tăng cường, bao gồm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, góp phần vào an ninh năng lượng chung của khu vực.

Trước đó, tại Hội nghị các nhà tài trợ tái thiết Ukraine tại Đức (6/2024), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã kêu gọi các công ty tư nhân đầu tư cho các dự án tái thiết khổng lồ của Kiev. Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Scholz ước tính, Ukraine có thể cần 500 tỷ USD trong một thập kỷ để tái thiết sau xung đột. Nhà lãnh đạo Đức khẳng định, các công ty sẽ nhìn thấy cơ hội kinh doanh để đầu tư và thảo luận về tiềm năng của Ukraine trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và dược phẩm…

Tuy nhiên trên thực tế, tái thiết nền kinh tế Ukraine là một hành trình dài và gian truân, bởi nó đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ, trong bối cảnh xung đột quân sự vẫn tiếp diễn. Giao tranh chưa có hồi kết, trong khi những khoản viện trợ dành cho Ukraine sẽ như “muối bỏ bể”; các nước phương Tây rạn nứt trong cách phản ứng với cuộc xung đột; sự bấp bênh của kinh tế toàn cầu và hàng loạt cuộc khủng hoảng đan xen khiến bản thân các nền kinh tế phát triển cũng đối mặt thách thức, dẫn đến sự ngần ngại “mở hầu bao” cho "đại dự án" của Ukraine.

(theo rferl.org, Ukrinform)