📞

"Tam giác" chống khủng bố ở Đông Nam Á

17:41 | 06/07/2017
Trong cuộc họp diễn ra tại Manila vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện quan chức an ninh của Philippines, Indonesia và Malaysia đã cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chống khủng bố chung.

Ba nước cho rằng, trong tình hình hiện nay, các nước cần có một kế hoạch hành động chung nhằm chống lại sự bùng phát của các hoạt động khủng bố xuyên biên giới liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở khu vực này.

Tuyên bố chung sau cuộc họp đã đưa ra các hành động cụ thể gồm việc nghiên cứu các thách thức xuyên quốc gia đã tồn tại và đang nổi lên có khả năng đe dọa tới sự ổn định và phát triển của khu vực. Các bên cũng đã soạn thảo một kế hoạch hành động chung do quan chức cấp cao của cả 3 nước tiến hành.

Lực lượng an ninh Philippines đang lục soát những căn nhà trống ở thành phố Marawi vào ngày 7/6. Một nhóm người thuộc tổ chức IS đã đánh chiếm thành phố này vào ngày 23/5. (Nguồn: Getty Images)

Mục đích của bản kế hoạch chung này nhằm xác định nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan, tăng cường chia sẻ thông tin, ngăn chặn nguồn tài chính cho hoạt động khủng bố, kiểm soát sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố thông qua không gian ảo, cải tiến khung pháp lý và ra soát các thỏa thuận hiện có về chống khủng bố. Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 10 tại Indonesia. Ngoại trưởng Philippines, ông Alan Cayetano cho biết các đối tác khác ở Đông Nam Á sẽ được thông báo về việc triển khai những hoạt động này tại cuộc họp các bộ trưởng cấp khu vực ở Manila vào tháng 8 tới.

Trong khi các cuộc đàm phán 3 bên đang diễn ra, cuộc chiến chống khủng bố ở cả 3 quốc gia này vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể là quân đội Philippines tiếp tục phải chiến đấu với các binh sỹ địa phương thuộc nhóm Maute được cho là có liên kết với IS và một vụ đụng độ ác liệt đã xảy ra giữa cảnh sát và nhóm binh sỹ Maute hồi tháng 5 vừa qua nhằm giành quyền kiểm soát Marawi từ nhóm Hồi giáo theo chủ nghĩa cực đoan này.

Trong khi đó, Indonesia và Malaysia, hai quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo cũng phải gánh chịu các cuộc tấn công của các chiến binh có các liên kết với IS. Hồi tháng 5, một kẻ đánh bom tự sát đã giết chết ba người tại một trạm xe buýt ở Jakarta (Indonesia). Tháng 6 năm ngoái, hơn 20 người đã bị thương trong một cuộc tấn công bằng lựu đạn vào hộp đêm ở ngoại ô Kuala Lumpur (Malaysia).

Ngoại trưởng Retno Marsudi của Indonesia đã phát biểu về chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới là "những thách thức của các bạn chính là những thách thức của Indonesia... Và, thách thức của các bạn cũng là những thách thức của khu vực". Bà cũng cho rằng chủ nghĩa khủng bố không còn là một nguy cơ nữa mà là mối đe doạ đang cận kề và chúng ta cần phải chung tay hành động. Trong khi đó, Ngoại trưởng Malaysia Aman Anifah cho rằng, sự xa lánh của xã hội và sự bất mãn chính là nguyên nhân khuyến khích chủ nghĩa cực đoan và khiến cho cuộc chiến chống khủng bố trở nên khó khăn hơn. Ông cũng nói rằng "Hiện nay, thật khó để ngăn chặn những kẻ sẵn sàng liều chết”.

(theo The Nikkei Asian Review)