Năm 2021, mong những đổi mới tích cực trong ngành Giáo dục. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Phụ huynh thấu hiểu
Xã hội kỳ vọng vào giáo dục, phụ huynh giao phó trọng trách cho thầy cô, thế nhưng giáo viên gần như bị tước hết quyền giáo dục các em. Nhắc nhở học trò điều sai bị cho là làm nhục, xúc phạm thân thể học sinh; phạt roi vào mông khi trò không nghe lời bị quy chụp bạo hành thể xác.
Phụ huynh sẵn sàng mang câu chuyện lên mạng xã hội đôi khi "thêm mắm, thêm muối" để nhiều người chưa hiểu đầu đuôi lăng nhục, chửi rủa, xúc phạm thầy cô bằng những từ ngữ “chợ búa” và nhận hàng tấn “gạch đá” trút xuống trong cơn giận dữ.
Có phụ huynh chỉ nghe con về kể cũng chưa cần tìm hiểu thực hư đã xông vào trường đánh chửi thầy cô thậm tệ. Giáo viên muốn bảo vệ mình đành áp dụng chiến thuật “mặc kệ nó” dù biết là không phải nhưng đó là cách tốt nhất bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ gia đình của mình.
Thế là, học sinh lười học cũng mặc kệ. Học sinh hư, không nghe lời cũng làm lơ. Học sinh thường xuyên vi phạm nội quy trường lớp cũng chỉ nhắc nhở qua loa cho có. Khi thầy cô không nghiêm khắc, học trò ngày càng lười học và hư hơn.
Vậy nên, giáo viên chúng tôi muốn có được sự thấu hiểu, tin tưởng từ phụ huynh. Hãy để cho giáo viên được quyền dạy dỗ khi các em chưa ngoan, được quyền nhắc nhở khi các em phạm lỗi, được quyền trách phạt khi các em làm sai. Mong rằng, cha mẹ và thầy cô sẽ ngồi lại bên nhau để cùng phối hợp với nhau để giáo dục học sinh một cách tốt nhất.
Nhà quản lý giáo dục chia sẻ những áp lực với giáo viên
Trong mắt người quản lý, giáo viên luôn luôn sai. Vì thế, khi xảy ra chuyện gì với học sinh để phụ huynh phản ứng, dù thầy cô giáo lỗi một, phụ huynh lỗi mười thì giáo viên vẫn phải nhún nhường, nén giận để xin lỗi học sinh, xin lỗi phụ huynh cho êm chuyện.
Không ít cán bộ quản lý nói rằng nhịn một chút để nhà trường yên ổn vì họ sợ mất các danh hiệu thi đua. Giáo viên chịu nhiều áp lực trong việc giáo dục và dạy dỗ học sinh. Đầu năm thì chỉ tiêu bên trên áp xuống buộc thầy cô phải thực hiện.
Học trò ngày càng ít nghe lời, thường xuyên vi phạm nội quy. Vì lo cho chất lượng, lo chỉ tiêu không hoàn thành mà có đôi lúc giáo viên nóng giận khi thấy trò không nghe lời đã dùng đến đòn roi như cái bạt tai, vài roi vào mông cũng bị sa thải khỏi ngành.
Chỉ một lần sai, giáo viên cũng không còn cơ hội để sửa sai, để làm lại. Cách xử lý lạnh lùng dễ bị ngộ nhận kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, chối bỏ trách nhiệm để xoa dịu dư luận làm nhiều thầy cô giáo thấy buồn, xót xa vì thấy mình thật sự cô đơn khi cầm phấn.
Mong học trò chịu học và biết nghe lời
Học trò thời nay khác xưa rất nhiều. Không ít em còn có thái độ chống đối, thách thức thầy cô. Chúng tôi đã từng gặp những học sinh khi nghe thầy cô nói về học bài mai kiểm tra lấy điểm đã thẳng thừng nói rằng thầy cứ cho luôn điểm 0 chứ mai em cũng không học.
Có em khi bị thầy cô nhắc nhở vì vi phạm nội quy đã lớn tiếng nói rằng em thách thầy (cô) đụng vào em đó. Thậm chí, có em còn dùng tiếng đệm chửi thề, gọi thầy cô bằng ông, bằng thằng, bằng bà, bằng con…
Thế nên mong mỏi lớn nhất của giáo viên là học sinh sẽ ngoan hơn, biết nghe lời, chịu khó học hành để thầy cô giáo chú tâm chăm lo cho việc giảng dạy.
Giáo viên được quyền cho học sinh ở lại lớp
Học sinh ra sao, học hành thế nào chỉ giáo viên là người nắm rõ nhất. Thế nhưng, ngay cái quyền được cho những học sinh yếu kém ở lại lớp cũng bị "tước" luôn. Thầy cô giáo bị các chỉ tiêu thi đua kìm kẹp chẳng khác nào vòng kim cô xiết vào cổ. Vì thế, dù muốn cũng không thể để học sinh yếu kém ở lại lớp.
Điều này, đã dẫn đến hậu quả không ít học sinh ngồi học ở lớp 3, lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn thua một học sinh lớp 1. Học trò yếu cứ bị lùa lên hết lớp này đến lớp khác.
Cấp 2 phải chịu hậu quả nặng nề của cấp 1, còn cấp 3 gánh chịu chất lượng bết bát của cấp 2 và cuối cùng, xã hội phải gánh chịu những kẻ làm "thầy không ra thầy, thợ cũng chẳng ra thợ".
Thực sự, các em phải “ngồi nhầm lớp” là nỗi buồn, nỗi day dứt của nhiều giáo viên chúng tôi.
Đời sống của giáo viên được đảm bảo
Với đồng lương ba cọc ba đồng, không được phép làm thêm dù bằng chính năng lực của mình nên cuộc sống của nhiều gia đình nhà giáo vô cùng khó khăn. Giáo viên “chân ngoài” dài hơn “chân trong” nên vừa ra khỏi trường là tối ngày tối mặt với cuộc mưu sinh để duy trì cuộc sống.
Mãi lo chuyện làm ăn đương nhiên việc chuyên môn là giảng dạy và giáo dục học sinh cũng ít được đầu tư đúng mức.
Mong mỏi của nhiều giáo viên lúc này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn chỉ đạo cụ thể việc số tuần thực học, thực dạy cho giáo viên trong năm có dịch bệnh để những chế độ, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo được thanh toán một cách công bằng.