📞

Tầm vóc mới của Việt Nam trong hội nhập quốc tế

13:45 | 05/02/2019
Việc triển khai tốt các hoạt động đối ngoại đa phương trong năm 2018 tiếp tục khẳng định thế và lực mới của Việt Nam sau hơn 30 năm Đổi mới, thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia định hình và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định như vậy trong trả lời phỏng vấn Thế giới & Việt Nam trước thềm Năm Mới.

Chủ trương chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, coi trọng tham gia và đóng góp tại các tổ chức, diễn đàn đa phương trong năm qua đã được thể hiện thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thời gian qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến nhanh, sâu sắc và khó lường, tác động nhiều chiều đối với nước ta. Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đối ngoại 2018 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trên mặt trận đối ngoại đa phương, phát huy thành công của Năm APEC 2017, chúng ta tiếp tục chủ động, tích cực tham gia và đóng góp tại các cơ chế  đa phương. Một trong những dấu ấn nổi bật trong năm qua là Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) 6, Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) 10 và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN.

Chủ tịch WEF Borge Brende và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 đồng chủ trì cuộc họp báo về những kết quả đạt được sau hai ngày Hội nghị diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hội nghị GMS 6 đã thông qua nhiều định hướng và dự án quan trọng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, môi trường, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư,… của hợp tác Tiểu vùng Mekong từ nay đến năm 2022. Với vai trò nước chủ nhà, chúng ta đã thúc đẩy GMS nhất trí đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Hội nghị WEF ASEAN (9/2018) tại Hà Nội được đánh giá là thành công nhất trong 27 kỳ Hội nghị khu vực của WEF. Với sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo ASEAN và khu vực, cùng gần 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới, Hội nghị đã đưa ra những ý tưởng và định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác quốc tế và trong ASEAN nhằm tranh thủ cơ hội CMCN 4.0, được WEF cũng như các nước và doanh nghiệp quốc tế ủng hộ, thể hiện đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Cùng các hội nghị đa phương lớn, Việt Nam chủ trì tổ chức trong giai đoạn 2016-2020, việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao GMS 6, Hội nghị Cấp cao CLV 10 và WEF ASEAN trong năm 2018 là những bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại của Đại hội XII về nâng cao chất lượng, hiệu quả đối ngoại đa phương và Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

APEC 2018 đã không ra được tuyên bố chung, cho thấy những vấn đề mới nảy sinh đã bắt đầu tác động mạnh đến APEC. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?

Hội nghị Cấp cao năm 2018 là lần đầu tiên trong 26 Hội nghị Cấp cao của Diễn đàn APEC không thông qua được Tuyên bố chung. Tuy vậy, tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo của tất cả 21 thành viên APEC đã đạt đồng thuận và thông qua nhiều kế hoạch hợp tác quan trọng của APEC, nhất là về liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, kinh tế số, tăng trưởng bền vững và bao trùm…. Việc không thông qua Tuyên bố chung chủ yếu do khác biệt trong vấn đề bảo hộ thương mại và hệ thống thương mại đa phương.

Ngay sau Hội nghị Cấp cao, các quan chức cao cấp APEC đã họp tại Santiago, Chile từ ngày 12-13/12/2018 để tiếp tục thúc đẩy hợp tác APEC và chuẩn bị cho năm APEC 2019. Các thành viên đều khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy triển khai các kết quả của Năm APEC 2017 và 2018, tập trung xây dựng tầm nhìn mới cho Diễn đàn trong 10 đến 15 năm tới. Điều này cho thấy niềm tin của các thành viên vào vai trò quan trọng của APEC, một cơ chế liên kết kinh tế khu vực đã đứng vững qua nhiều thăng trầm trong ba thập niên phát triển, đã khẳng định vị thế là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, góp phần quan trọng đưa khu vực trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Chính thời điểm khó khăn hiện nay, APEC đang tiếp tục vươn lên để khẳng định vai trò không thể thiếu, tiếp tục đóng góp thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Năm 2018 đánh dấu tròn 20 năm Việt Nam tham gia APEC. Đây cũng là hai thập kỷ Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế. Chúng ta đã có những đóng góp tích cực và để lại những dấu ấn đáng tự hào, được ghi nhận trong hợp tác APEC.

Bước vào giai đoạn phát triển chiến lược mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, châu Á – Thái Bình Dương và APEC tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong triển khai chính sách đối ngoại của nước ta. Chúng ta sẽ nâng tầm đóng góp tại Diễn đàn, cùng các thành viên, đặc biệt là các thành viên ASEAN chung tay xây dựng những tầm nhìn mới cho Diễn đàn sau năm 2020, hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Tại nhiều sự kiện đa phương lớn gần đây, quốc tế đánh giá cao Việt Nam trong vai trò tổ chức, đề xuất sáng kiến, tập hợp ý tưởng… để hài hòa những khúc mắc giữa các bên, nhằm đưa đến sự đồng thuận cuối cùng, Thứ trưởng bình luận gì về nhận định này?

Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới, ngoại giao đa phương Việt Nam những năm qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Với cá nhân tôi, những hoạt động ngoại giao đa phương gần đây thực sự để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

Nhắc đến việc không thông qua Tuyên bố chung tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Papua New Guinea làm tôi nhớ đến những kỷ niệm tại Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng, nhớ những ngày làm việc, vận động đầy cam go, căng thẳng, song cũng thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và sự khôn khéo của ngoại giao Việt Nam.

Chúng ta đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trong cả năm thông qua các Hội nghị cấp quan chức cao cấp và các Hội nghị/Đối thoại cấp Bộ trưởng. Từ rất sớm, chúng ta đã xây dựng các phương án, kịch bản, tìm hiểu lợi ích, quan điểm và thiết lập quan hệ với tất cả thành viên. Chúng ta hội tụ được sự ủng hộ và đồng thuận của tất cả thành viên đối với chủ đề và các sáng kiến lớn.

Chúng ta đã linh hoạt, sáng tạo, vận động các nhóm thành viên, từ các thành viên chủ chốt đến các nước ASEAN, các chủ nhà APEC tiếp theo, các thành viên đại diện cho các châu lục… Tuy vậy, tại Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, chúng ta cũng trải qua quá trình đàm phán văn kiện liên tục trong 6 ngày 5 đêm, có những lúc tưởng như bế tắc và đổ vỡ. Lần đầu tiên trong lịch sử APEC, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế cũng phải kết thúc mà chưa thông qua Tuyên bố chung. Sức ép và áp lực rất lớn, gánh nặng đặt ra đối với Việt Nam khi đó hết sức nặng nề.

Giây phút mà các nhà Lãnh đạo APEC nhất trí thông qua Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” có lẽ là giây phút tự hào và đáng nhớ nhất. Thành công này đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chúng ta trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng như 243 Hội nghị APEC chúng ta đã chủ trì tổ chức trong cả năm. Vai trò khởi xướng, dẫn dắt, điều hòa của Việt Nam, bản lĩnh và trí tuệ của ngoại giao đa phương Việt Nam được khẳng định. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, khơi dậy mạnh mẽ hơn quyết tâm, ý chí, khát vọng và niềm tin để chúng ta tiếp tục vươn lên đảm nhiệm những trọng trách mới, nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam, nâng cao hơn nữa vị thế đất nước.

Thứ trưởng có chia sẻ với các thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ bí quyết để vững vàng và có cách xử lý tốt nhất trong những thời điểm khó khăn như thế?

Thế hệ trẻ là mùa Xuân của đất nước. Trong thế giới siêu kết nối và siêu công nghệ hiện nay, thế hệ trẻ là trụ cột cho sáng tạo, là nguồn lực cho phát triển và là động lực tạo nên sự thay đổi.

Đất nước chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển chiến lược, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Yêu cầu và trọng trách đặt ra đối với mỗi cán bộ ngoại giao, đặc biệt các cán bộ ngoại giao trẻ, ngày càng nặng nề và khác với những giai đoạn trước đây.

Các cán bộ ngoại giao trẻ cần có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng tuổi trẻ, ý chí vươn lên, không ngừng học tập hoàn thiện bản thân. Mỗi cán bộ phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, thấm nhuần tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Cần nắm vững nội dung chuyên môn về các vấn đề quốc tế và khu vực. Có đủ kiến thức, hiểu biết thì mới đánh giá chính xác tình hình, xử lý tình huống hài hòa, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Hiểu được nguồn gốc của mâu thuẫn thì mới tìm được hướng giải quyết, hòa giải các bên.

Các bạn trẻ cần không ngừng học hỏi kinh nghiệm, rèn giũa kỹ năng đàm phán, kỹ năng chủ trì hội nghị. Lịch sử ngoại giao Việt Nam có rất nhiều bài học kinh điển về tham gia, chủ trì các diễn đàn đa phương mà các nhà ngoại giao trẻ có thể học hỏi. Lắng nghe chia sẻ thực tiễn của những bậc tiền bối cũng là một trong những cách trau dồi thêm kinh nghiệm cho bản thân. Trình độ ngoại ngữ cũng phải thật tốt, ngang tầm với khu vực và thế giới. Thế hệ nhà ngoại giao trẻ cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả, luôn có đề xuất, ý tưởng và sáng kiến mới, dù là nhỏ trong các lĩnh vực phụ trách.

Tôi tin tưởng rằng mỗi cán bộ ngoại giao trẻ nếu nuôi dưỡng được nhiệt huyết và lòng yêu nghề, nếu có hoài bão và đam mê, chắc chắn sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách, tận dụng sức trẻ, sức sáng tạo để phấn đấu vươn lên, phát huy năng lực trong mọi tình huống, đóng góp ngày càng tốt hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đối ngoại của Ngành.

Nhân dịp Năm mới Kỷ Hợi, xin chúc Báo Thế giới & Việt Nam và các độc giả một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(thực hiện)