Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất của nhà nước Cuba - đã đưa ra lựa chọn này. Ông Miguel Diaz-Canel trước đó giữ vị trí Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản.
Phó Chủ tịch thứ nhất Miguel (phải) sẽ kế nhiệm ông Raul Castro. (Nguồn: Toronto Star) |
Raul Castro - "chất xúc tác" chính
Cần phải khẳng định rằng ông Raul là "chất xúc tác" chính cho sự thay đổi ở Cuba. Chính ông đã dần điều chỉnh nền kinh tế mà không làm ảnh hưởng tới nền tảng của hệ thống hiện tại.
Thứ nhất, ông khuyến khích xây dựng mô hình các trang trại nhỏ. Các trang trại nông nghiệp riêng lẻ đã bắt đầu phân bổ diện tích đất trồng cho mỗi gia đình lên tới 5ha để tự do sử dụng, nhưng không có quyền bán hoặc chuyển quyền thừa kế. Việc áp dụng các biện pháp này góp phần giải quyết một loạt vấn đề: tăng nguồn cung cho thị trường nông sản, giảm giá thực phẩm, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu và tiết kiệm tiền tệ chuyển đổi tự do.
Thứ hai, gỡ bỏ các hạn chế đối với việc tăng tiền lương. Theo ông Raul, nguyên nhân chính của năng suất lao động thấp là do người lao động thiếu động lực bởi tiền lương quá thấp. Điều này gây cản trở cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn và nó nên được tháo gỡ.
Thứ ba, ban hành nghị định đơn giản hóa việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở cho những người thuê trong vòng 20 năm.
Thứ tư, đã có những thay đổi cả trong nhiều lĩnh vực khác. Hiện tại, có hơn 500.000 người đang làm việc trong lĩnh vực tư nhân, chẳng hạn như các ngành dịch vụ, nhà hàng, cắt tóc, thẩm mỹ viện, vận chuyển... Từ nay trở đi, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ sẽ có tư cách pháp lý.
Kiên trì các biện pháp thay đổi
Mặc dù nhiều người tỏ ra hoài nghi các biện pháp thay đổi mà ông Raul tiến hành và có những động thái làm chậm tiến trình thay đổi này, song ông vẫn quyết tâm thực thi các chính sách thay đổi, ít nhất là cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Omar Everleni - Giáo sư tại Đại học Havana, đồng thời là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề kinh tế, người soạn thảo các khuyến nghị trình Chính phủ - nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không mù quáng sao chép các mô hình của nước khác, nhưng cũng sẽ tận dụng những ưu điểm của các mô hình đó khi tính đến các đặc điểm trong nước”.
Chính sách này đã được chính quyền Raul tuân thủ khi đang ở đỉnh cao quyền lực. Các nhiệm vụ ưu tiên được đặt ra là nâng cao mức sống của người dân, xóa bỏ tiền tệ song song, công dân được tự do ra nước ngoài. Chính ông Raul, khi chuẩn bị cho những thay đổi, đã xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề trong các chuyến công tác thường xuyên, học hỏi kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa châu Á trong việc vận dụng cơ chế thị trường một cách khéo léo. Về mặt cá nhân, ông Raul từng cho biết rất ấn tượng với mô hình của Việt Nam trong việc phát triển một nền kinh tế tư nhân hỗn hợp. Điều này cho phép Việt Nam trở thành một trong những "con hổ" kinh tế trẻ trong khu vực.
Cùng với kinh tế, còn có cả những thay đổi trong chính sách đối ngoại. Năm 2015, trải qua gần 50 năm, quan hệ ngoại giao của Cuba với Mỹ đã được khôi phục. Tháng 3/2016, Tổng thống Barack Obama khi đó đã có chuyến thăm lịch sử đến Cuba. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Cuba đã cho phép sử dụng lãnh thổ Cuba cho cuộc gặp lịch sử vào tháng 2/2016 giữa người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga và Đức Giáo hoàng Rome. Đây là lần liên lạc cá nhân đầu tiên giữa cấp cao của hai nhà thờ kể từ năm 1054.
Nhà lãnh đạo mới của Cuba Miguel Diaz-Canel sẽ tiếp tục những thay đổi đang được tiến hành. Các chuyên gia Mỹ đang quan sát và theo dõi chặt chẽ Miguel. Các phương tiện truyền thông nhận định rằng Miguel sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong mối quan hệ phức tạp với Washington. Nhà lãnh đạo mới của Cuba sẽ phải tính tới thái độ cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong quan hệ với Havana.