📞

Tận dụng ba 'cầu nối' FTA, thương mại Việt Nam-Australia tăng tốc

10:43 | 05/04/2023
Trong những năm gần đây, quy mô thương mại song phương Việt Nam-Australia tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, nhờ khai thác một số hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương.
Việt Nam và Australia cùng là thành viên của ba FTA, gồm RCEP, AANZFTA và CPTPP. (Nguồn: Nation Thailand)

Năm 2022, thương mại song phương 2 nước đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021, đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn 7 của Việt Nam.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%; nhập khẩu hàng hóa từ Australia đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,3%.

Cán cân thương mại năm qua nghiêng về Việt Nam nhập siêu 4,5 tỷ USD.

Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Australia gồm điện thoại các loại và linh kiện, đạt gần 765 triệu USD, tăng 12,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 564,6 triệu USD, tăng 62%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 522 triệu USD, tăng 7,4%; thủy sản 365 triệu USD, tăng 37%; hàng dệt, may đạt 446 triệu USD, tăng 27%...

Việt Nam nhập nhiều nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất như than các loại, lúa mì, bông các loại, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại... đặc biệt là than đá.

Trong quý I/2023, xuất khẩu sang Australia cũng chịu ảnh hưởng nhẹ bởi xu thế thương mại chậm lại do suy giảm kinh tế, kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD, giảm 2,4%; nhập khẩu từ Australia đạt 2,1 tỷ USD, bằng năm ngoái. Thương mại 2 chiều quý I đạt 3,4 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Australia là thành viên chung của ít nhất 3 FTA, gồm FTA ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Các FTA, đặc biệt là CPTPP, là cầu nối, giúp hàng Việt xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Australia, nhất là nhóm nông sản (trong đó có trái cây tươi, thực phẩm đông lạnh), cùng các mặt hàng dệt may, giày dép, mũ nón và túi ví, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thủy sản.

Đáng chú ý, Australia dự kiến sẽ sớm công bố Chiến lược kinh tế với Đông Nam Á tới năm 2040 và kỳ vọng doanh nghiệp lớn của nước này thấy rõ hơn tiềm năng của Việt Nam, đồng thời đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp ngày càng nhiều. Gần nhất, trong năm 2023 này, Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế - thương mại.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Toàn quyền Australia David Hurley thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 3-6/4. Toàn quyền Australia David Hurley tiếp xúc với cả 4 Lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Ngoài cuộc gặp cấp cao, nhà Lãnh đạo Australia còn gặp gỡ Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, một số cựu sinh viên từng tốt nghiệp tại một số trường đại học ở Australia, đến thăm các cơ sở giáo dục như Trường RMIT tại Thành phố Hồ Chí Minh, trao kỷ niệm chương cho các cán bộ Việt Nam đã làm việc với Đại sứ quán Australia trong nhiều năm qua...

(theo Báo Đầu tư)