Khoa học thần kinh đã khẳng định rằng, mỗi trải nghiệm đều được ghi lại vào trong hệ thống não bộ. Nhưng điều quan trọng là não bộ có khả năng loại bỏ những liên kết cũ, còn được gọi là “cắt bỏ liên kết”.
Khi bạn ngủ, những người làm vườn sẽ làm công việc của họ. (Nguồn: NYTimes) |
“Người làm vườn” trong não bộ
Hãy tưởng tượng rằng bộ não là một khu vườn, nhưng thay vì trồng hoa, quả và rau thì bạn “trồng” những liên kết thần kinh giữa những nơ-ron. Đó là thứ mà những chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, seratorin, và các chất khác được truyền qua.
Những tế bào thần kinh đệm (glial cells) là những khu vườn của não bộ - chúng có nhiệm vụ làm tăng tốc các tín hiệu giữa những nơ-ron nhất định. Trong khi những tế bào thần kinh đệm khác loại bỏ chất độc hại như “người làm vườn” của bộ não - được gọi là “vi tế bào thần kinh đệm (microglial cells) – sẽ cắt tỉa những liên kết thừa. Giống như khi bạn dùng phím Del để dọn rác trong máy tính. Tuy nhiên, câu hỏi chính là làm thế nào để “người làm vườn” trong não bộ biết được liên kết nào cần phải loại bỏ?
Theo các nhà nghiên cứu, những liên kết thần kinh được dùng ít hơn sẽ được đánh dấu bởi một loại protein đặc biệt. Khi các vi tế bào thần kinh đệm phát hiện ra dấu vết đó, chúng liên kết với protein này, sau đó phá hủy hoặc cắt bỏ khớp nối của liên kết đó. Đó là cách mà não bộ tạo ra những khoảng trống để bạn có thể xây dựng thêm những liên kết mới và mạnh mẽ hơn. Nhờ đó, bạn có thể học hỏi thêm những điều mới.
Tại sao ngủ lại quan trọng?
Bạn đã bao giờ cảm thấy như bạn đang bị đầy bộ nhớ? Có thể khi bắt đầu một công việc mới hay ngập đầu trong một dự án, bạn không ngủ đủ trong khi phải thường xuyên tiếp thu những thông tin mới. Theo một chiều hướng nào đó, thì bộ não của bạn đã thực sự quá tải.
Khi ta tiếp thu nhiều thứ mới, não bộ sẽ tạo thêm những mối liên kết, nhưng nó thực sự không hoạt động hiệu quả. Khi đó, “người làm vườn” cần phải loại bỏ những liên kết như vậy và xây dựng một hướng đi hiệu quả và hợp lý. Và, chuyện đó xảy ra khi ta ngủ.
Não bộ sẽ tự “dọn dẹp” khi ta ngủ. Khi đó, những tế bào não thu nhỏ đến 60% để tạo ra khoảng trống cho những tế bào gian thần kinh (tế bào tạo môi trường) đến dọn đi những chất cặn bã và tỉa bớt những khớp nối không cần thiết.
Bạn đã bao giớ thức dậy sau một đêm ngon giấc và cảm thấy đầu óc trở nên minh mẫn hơn? Đó là bởi tất cả những liên kết thừa đã được loại bỏ sau một đêm, giúp đầu óc thông thoáng với nhiều khoảng trống để tiếp thu và tổng hợp lại những kiến thức mới.
Đó cũng là lí do tại sao giấc ngủ lại quan trọng đến vậy với khả năng nhận thức của mỗi người. Chợp mắt 10 hoặc 20 phút cũng đủ để tạo điều kiện cho những “người làm vườn” trong não bộ làm công việc của họ.
Suy nghĩ với một bộ não “thiếu ngủ” như là tìm cách vào một khu rừng rậm rạp mà không có bất kỳ công cụ trợ giúp nào. Sự “chật chội” do những liên kết thừa tạo ra khiến các phương pháp tư duy thành lối mòn, không tìm được ánh sáng của đường ra. Trái lại, suy nghĩ với một bộ óc sảng khoái như là một cuộc dạo chơi trong công viên, với những lối đi thông thoáng và kết nối với nhau ở những điểm nhất định. Cây cối ở đúng vị trí của chúng và bạn có thể phóng tầm nhìn ra xa.
Hãy tập trung vào việc chính
Thực chất, ta thực sự có thể kiểm soát được những thứ mà não bộ quyết định lược bỏ đi khi bạn đang ngủ. Đó là những liên kết thần kinh không dùng đến đã bị đánh dấu chờ tái chế. Những cái mà chúng ta dùng là những cái được “tưới tiêu” hàng ngày và cung cấp oxy. Vì vậy, hãy cẩn thận với thứ mà bạn đang nghĩ đến.
Nếu bạn tiêu tốn quá nhiều thời gian với những giả thuyết về cái kết của phim Trò chơi vươn quyền hơn là cho công việc thì hãy đoán xem liên kết thần kinh nào sẽ bị đánh dấu để tái chế?
Nếu bạn cạnh tranh với ai đó khi làm việc, dành thời gian cho việc suy nghĩ làm thế nào để ngang hàng với họ, thay vì dành thời gian để suy nghĩ cho công việc chính của mình, thì bạn sẽ xuất sắc trong việc bày mưu tính kế nhưng lại khó có thể hoàn thành công việc được giao.
Để vận dụng được cơ chế bẩm sinh này của não bộ, đơn giản là hãy nghĩ về những thứ quan trọng với bản thân. Những “người làm vườn” sẽ chăm bẵm cho những liên kết đó và xén bỏ đi những cái mà chúng ta ít quan tâm. Đó là cách mà bạn giúp khu vườn của mình trở nên tươi tốt.