Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander và tân Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof (trái) tại Cung điện Huis ten Bosch. (Nguồn: ANP) |
Ngày 2/7, ông Dick Schoof đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hà Lan trước Nhà vua Willem-Alexander, chính thức kế nhiệm ông Mark Rutte, người gần như chắc chắn sẽ đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong tuyên thệ nhậm chức, ông Schoof đặt mục tiêu trở thành “một thủ tướng của mọi công dân Hà Lan”. Ông tự nhận mình là người "không đảng phái" và không có ý định "cúi đầu" trước lãnh đạo cực hữu Hà Lan Geert Wilders.
Tân Thủ tướng tuyên bố sẽ thực hiện một cách “dứt khoát” thỏa thuận liên minh dài 26 trang, trong đó “nắm bắt vấn đề di cư” là trọng tâm chính. Ông cam kết thực hiện “chính sách tiếp nhận người tị nạn nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay của đất nước và gói toàn diện nhất để kiểm soát vấn đề di cư”.
Theo Politico, tân Thủ tướng có một hồ sơ công chức ấn tượng, với thâm niên trong các công việc liên quan đến an ninh quốc gia. Ông từng là quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp và an ninh, lãnh đạo cơ quan tình báo AIVD và cơ quan chống khủng bố NCTV, người đứng đầu cơ quan nhập cư Hà Lan...
Những người từng làm việc cùng ông Schoof thường đánh giá ông là người “chuyên nghiệp”, “thẳng thắn” và “kỹ tính”. Cựu Bộ trưởng Tư pháp và an ninh Ivo Opstelten nhận xét, tân Thủ tướng là “một người xuất sắc, tôi làm việc cùng ông ấy rất ăn ý”. Đối với lãnh đạo phe đối lập Frans Timmermans, ông như một “công chức trung thành và tận tụy” còn người đứng đầu đảng Khế ước xã hội mới (NSC) Pieter Omtzigt nhận định, “thật khó tìm được ai kỹ tính hơn ông Schoof”.
Thủ tướng Dick Schoof tuyên thệ nhậm chức cùng nội các mới, ngày 2/7. (Nguồn: EPA) |
Trước đó, việc ông Dick Schoof được đề cử vào vị trí tân Thủ tướng Hà Lan gây ra nhiều bất ngờ cho chính người dân nơi đây. Ông từng có thời gian dài là thành viên Đảng Lao động (PvdA), nhưng đã quyết định rời khỏi đảng này năm 2021. Hiện tại ông không thuộc bất kỳ đảng phái chính trị nào tại Hà Lan.
Là một công chức kỳ cựu như vậy, ông Schoof không quá nổi tiếng tại chính đất nước mình, cũng như giới lãnh đạo ở Liên minh châu Âu (EU). Trong một cuộc thăm dò do chương trình truyền hình Hà Lan EenVandaag thực hiện vào cuối tháng Năm, 50% số người được hỏi không biết đến ông và 11% có biết tên ông.
Một bất ngờ khác đối với Hà Lan chính là vị lãnh đạo nổi tiếng của Đảng Tự do (PVV) Geert Wilders đã không ứng cử vào vị trí người đứng đầu chính phủ sau chiến thắng ấn tượng của đảng này tại cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 11/2023, đạt 37 trên tổng số 150 nghị sĩ với nhiệm kỳ 4 năm.
Ông Geert Wilders lập nội các cực hữu để thuyết phục 3 đảng khác lập liên minh đa số ở Quốc hội với tổng cộng 88 nghị sĩ, gồm đảng Tự do và dân chủ (VVD), đảng Phong trào công dân công dân (BBB) và đảng NSC. Cả 4 đảng thỏa hiệp chọn ông Dick Schoof làm Thủ tướng, với cam kết triển khai cương lĩnh hành động của liên minh cầm quyền.
Chính trị gia cánh hữu Geert Wilders nhận xét cựu quan chức tình báo này “có nhiều kinh nghiệm đối với các vấn đề cần được quan tâm”.
Rõ ràng là ông Schoof, "cầu thủ" marathon nghiệp dư những lúc rảnh rỗi, sẽ cần phải vận dụng tất cả kinh nghiệm và sức chịu đựng của mình để duy trì liên minh và "chạy đua" với áp lực để trở thành "Thủ tướng của mọi công dân Hà Lan".
Như nhận định của Giáo sư chính trị học Sarah de Lange (Đại học Amsterdam), ông Dick Schoof “sẽ có rất nhiều việc phải làm để kiểm soát các xung đột ý thức hệ và cá nhân, nhưng với kinh nghiệm dày dặn của mình khi đứng đầu nhiều cơ quan chính phủ khác nhau, ông ấy sẽ được trang bị tốt để tự bảo vệ mình”.