Quốc vương Abdullah Sultan Ahmad Shah (phải) bổ nhiệm ông Anwar Ibrahim làm Thủ tướng tại Cung điện quốc gia ở thủ đô Kuala Lumpur, ngày 24/11. (Nguồn: AP) |
Ngày 23/11, sau khi được Quốc vương Abdullah Sultan Ahmad Shah chỉ định, ông Anwar Ibrahim chính thức trở thành Thủ tướng Malaysia, khép lại bế tắc chính trị sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15.
Ông Anwar Ibrahim là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, từng đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng những năm 1990. Giờ đây, ông chính thức trở thành Thủ tướng thứ 10 của đất nước Đông Nam Á.
Đặc biệt, ông sẽ bắt tay thiết lập một chính phủ thống nhất đầu tiên trong lịch sử Malaysia, có sự góp mặt của tất cả các đảng phái chính trị ở nước này. Hiện liên minh cầm quyền đã có 82 ghế của Liên minh Hy vọng (PH), 30 ghế từ Mặt trận Dân tộc (BN) do Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) dẫn dắt và 23 ghế của đảng Sarawak. Ông Ibrahim đã mời Liên minh Perikatan Nasional (PN) của cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin, hiện nắm giữ 73 ghế, trong đó có 49 ghế từ Đảng Hồi giáo Pan-Malaysia (PAS), tham gia chính phủ thống nhất. Tuy nhiên, ngay khi thành hình, chính phủ “vô tiền khoáng hậu” này sẽ đối mặt không ít thách thức.
Thách thức đối nội
Thách thức đầu tiên và cũng là lớn nhất với tân Thủ tướng chính là thành lập chính phủ thống nhất, vừa có thể thông qua các quyết sách lớn mà vẫn đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên.
Kể từ năm 2020 đến nay, chính trường Kuala Lumpur đã mắc kẹt trong khủng hoảng chính trị “Sheraton Move”, khiến hai nội các sụp đổ sau chưa đầy 18 tháng và dẫn đến tình trạng Quốc hội treo lần đầu tiên trong lịch sử Malaysia.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực hàn gắn bất đồng thông qua thành lập một chính phủ thống nhất là đáng chú ý. Tuy nhiên, mâu thuẫn quá khứ giữa đảng PH của ông Anwar Ibrahim và đảng BN do UMNO lãnh đạo có thể là rào cản không nhỏ với nội các mới trong quá trình thông qua các quyết sách quan trọng.
Một thách thức nghiêm trọng khác là câu chuyện về chia rẽ sắc tộc. Sau giai đoạn cầm quyền kéo dài 60 năm của các chính trị gia đảng UMNO, nhiều người đã lựa chọn ủng hộ khối của ông Muhyiddin trong cuộc bỏ phiếu hồi tuần trước. Đồng thời, không ít người dân ở các vùng nông thôn lo ngại rằng họ sẽ mất đi các đặc quyền với chính phủ thống nhất dưới thời ông Anwar Ibrahim.
Trước các quan ngại đó, chính trị gia này khẳng định chiến thắng của ông và khối chính trị ông đại diện sẽ mang lại hy vọng mới về một quốc gia công bằng hơn.
Tân Thủ tướng Anwar Ibrahim khẳng định chiến thắng của ông và khối chính trị ông đại diện sẽ mang lại hy vọng mới về một quốc gia công bằng hơn. |
Bà Bridget Welsh, chuyên gia chính trị Đông Nam Á tại Đại học Nottingham (Anh) cơ sở Malaysia nhận định: “Ông Anwar là người theo chủ nghĩa toàn cầu. Điều này sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư quốc tế. Ông ấy được coi là người xây dựng cầu nối giữa các cộng đồng. Thực tế này có thể thử thách khả năng lãnh đạo của ông, song cũng đem đến sự an tâm trước thách thức Malaysia phải đối mặt”.
Thách thức đến từ tăng trưởng kinh tế cũng đóng vai trò đáng kể. Ngày 7/10, ba ngày trước khi Quốc hội cũ giải tán, Bộ trưởng Tài chính sắp mãn nhiệm Tengku Zafrul Abdul Aziz đã lập bảng ngân sách quốc gia cho năm 2023. Hiện kế hoạch chi ngân sách kỷ lục 372,3 tỷ Ringgit (80 tỷ USD) vẫn chưa được thông qua.
Việc điều chỉnh “dự luật nguồn cung” do các nhà lập pháp đảng BN soạn thảo và đệ trình Quốc hội trước cuối năm cũng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Anwar, song song với kiềm chế lạm phát, tạo việc làm và đảm bảo an ninh năng lượng khi Malaysia đang nỗ lực phục hồi trong đại dịch Covid-19.
Bài toán đối ngoại
Cuối cùng, đó là câu chuyện về bài toán đối ngoại. Hiện chưa có nhiều thông tin về lập trường, cũng như quan điểm đối ngoại của tân Thủ tướng Anwar Ibrahim.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề lớn nhất trong mảng này sẽ là kiểm soát, cân bằng quan hệ của Malaysia với Trung Quốc và các nước phương Tây.
Trong bài báo ngày 29/11, The Star (Malaysia) cho rằng trong nhiều thập kỷ, Malaysia được coi là nghiêng về phương Tây, nhưng hoàn toàn có khả năng vạch ra một lộ trình độc lập, giúp nước này xây dựng quan hệ kinh tế, ngoại giao tốt hơn với Trung Quốc. Song báo này cho rằng, các hiệp định thương mại, nhiều khoản đầu tư lớn và hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm Tuyến đường sắt Bờ biển phía Đông (ECRL), thành phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), cho thấy Kuala Lumpur đang xích lại gần Bắc Kinh nhiều hơn dự kiến.
Với một số chuyên gia, tuyến đường sắt ECRL được coi là chỉ dấu cho thấy Malaysia đang 'ngả' về Trung Quốc. (Nguồn: ECRL) |
Trong bối cảnh đó, theo ông Collins Chong Yew Keat, nhà phân tích về các vấn đề đối ngoại của Đại học Malaya, mặc dù không có nguồn lực kinh tế và quân sự hùng mạnh, song Malaysia có thể tận dụng ưu thế về chất bán dẫn và hàng hóa chiến lược để xây dựng một chiến lược độc lập, tự chủ hơn.
Theo ông Keat, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ở khu vực tiếp tục nóng lên, Malaysia có thể tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, đối tác an ninh hàng đầu, đồng thời mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Australia...
Chuyên gia này cũng nhận định, Malaysia từng đi đầu trong nhiều biện pháp xây dựng lòng tin và cơ chế ngăn ngừa xung đột thông qua ASEAN. Tuy nhiên, giờ đây Kuala Lumpur cần tận dụng hơn nữa thế mạnh về địa lý, vị thế ở eo biển Malacca, Biển Đông và ASEAN để tăng cường tiếng nói.
Vượt qua thách thức đối nội cấp bách, tìm lời giải cho bài toán đối ngoại sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng với chính phủ thống nhất đầu tiên trong lịch sử Malaysia.