TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng: Xóa bỏ rào cản, tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh | |
Giây phút thiêng liêng khắc ghi lời tuyên thệ |
Thông điệp tại cuộc gặp gỡ, đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp mà người đứng đầu Chính phủ muốn đưa ra tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước là “Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đối thoại Thủ tướng với Doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh ngày 29/4. (Nguồn: Cafef) |
Theo thông tin từ ban tổ chức, Hội nghị được thực hiện vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Tại điểm cầu Hội trường Thống nhất TP. Hồ Chí Minh có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như: AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự.
Ngoài ra, mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có khoảng 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp tham dự. Cùng tham dự đối thoại với doanh nghiệp còn có bốn Phó thủ tướng: Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ, trong xây dựng đất nước, đi đầu vẫn là đội ngũ doanh nghiệp việt Nam, những người tiên phong đó phải được lắng nghe được tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển còn nhiều rào cản, đã có nhiều chính sách ban hành nhưng rào cản còn lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Chính phủ muốn trực tiếp lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu, sau khi nghe ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu quan điểm rõ ràng về giải quyết những khó khăn doanh nghiệp nêu ra.
Do đó, Thủ tướng mong muốn cuộc gặp này phải thực chất cho Tổ quốc và doanh nghiệp. Cuộc gặp cần tránh bệnh thành tích chỉ là gặp gỡ hình thức, mà phải lắng nghe những vấn đề thiết thực.
"Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới sự lãnh đạo, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp", Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải tháo gỡ mọi rào cản, đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, tinh thần lớn nhất không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế.
Kết quả Hội nghị này, Thủ tướng mong muốn sẽ phải tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, niềm tin cho xã hội và niềm tin với chế độ tốt đẹp để mọi người hăng hái bắt tay và phát triển kinh tế đất nước. Sự thẳng thắn, cầu thị và chân thành sẽ là phương châm đúng với mọi cấp chính quyền và các bộ ngành để doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt nhất.
Vấn đề môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam đặt ra hết sức bức thiết trong bối cảnh hội nhập cũng như yêu cầu phải giải quyết nhiều vấn đề trước mắt và lâu dài của nền kinh tế. Trước cuộc gặp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị được giao nhiệm vụ tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp cả nước gửi đến Thủ tướng. Văn bản tổng hợp dài hơn 130 trang được chuyển tới Văn phòng Chính phủ đã ghi nhận hàng trăm phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề khác nhau từ nhiều địa phương.
Các kiến nghị được chia thành 10 nhóm vấn đề về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các thủ tục đăng ký kinh doanh; thuế, hải quan; vấn đề vốn, tiếp cận vốn, giao thông vận tải, phí và lệ phí... Trong số này, có nhiều kiến nghị dựa trên tình trạng thực tế mới phát sinh thời gian gần đây cho tới những vấn đề còn tồn đọng từ lâu chưa được giải quyết. Các vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất là những vướng mắc về cơ chế chính sách thuế, hải quan, lãi suất, khai thông nguồn vốn và đất đai, giải phóng mặt bằng...
Dự kiến, sau buổi gặp này, Chính phủ và bộ ngành, địa phương sẽ tiến hành họp bàn để giải quyết ngay những vấn đề nói trên, đồng thời sẽ ban hành một Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trong tháng 5/2016.
Theo Thông tin của Chủ tịch (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị, gần đây số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động gia tăng. Qúy I/2016 có gần 80.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động. 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, còn 58% là thua lỗ. Đây là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao.
2000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ | |
Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài |