📞

Tân Tổng giám đốc IOM khởi động chuyến công du châu Phi

Hồng Phúc 00:05 | 09/10/2023
Ethiopia là điểm đến đầu tiên của bà Amy Pope trên cương vị Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).
Tân Tổng giám đốc IOM Amy Pope. (Nguồn: FBC)

Tân Tổng giám đốc IOM Amy Pope bắt đầu chuyến công du ba nước châu Phi là Ethiopia, Keny và Djibouti từ ngày 8/10 nhằm nêu bật vấn đề di cư ở lục địa.

Bà Amy Pope sẽ có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo và quan chức chính phủ tại các nước trên, thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác của IOM trong việc thúc đẩy di cư an toàn cũng như giải quyết các thách thức di cư, bao gồm cả di cư do biến đổi khí hậu.

Tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, tân Tổng giám đốc IOM dự kiến sẽ thảo luận với các quan chức Liên minh châu Phi (AU) về cách tốt nhất để đảm bảo sự di chuyển của người dân, đặc biệt là hỗ trợ các hiệp định thương mại tự do do tổ chức này thúc đẩy.

Bà Amy Pope, cựu Cố vấn Nhà Trắng là phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc IOM. Bà tiếp quản vị trí của người tiền nhiệm, António Vitorino (người Bồ Đào Nha), bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm với tư cách là Tổng giám đốc thứ 11 của IOM vào ngày 1/10. Đây là thời điểm có lượng người di cư buộc phải rời bỏ nhà cửa kỷ lục trên khắp thế giới và căng thẳng chính trị cao độ về tình trạng nhập cư bất thường.

Trước cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới của IOM vào tháng Sáu vừa qua, bà Pope là Phó Tổng giám đốc của IOM phụ trách quản lý và cải cách. Trên cương vị đó, bà đã thực hiện một loạt cải cách về ngân sách, quản lý và hành chính để tối ưu hóa hoạt động thực địa và quản lý rủi ro của IOM, nâng cao kết quả công lý nội bộ và kết quả hoạt động cũng như tăng cường phối hợp với hệ thống Liên hợp quốc.

Trước khi gia nhập IOM, bà Pope từng là Cố vấn cấp cao về di cư của Tổng thống Mỹ Biden thời gian đầu sau khi ông nhậm chức vào năm 2021. Bà từng là Phó Cố vấn An ninh nội địa cho Tổng thống Barack Obama.

Khi làm việc tại Nhà Trắng, bà Pope đã phát triển và thực hiện các chiến lược toàn diện để giải quyết vấn đề di cư, trong các lĩnh vực như chống mua bán người, tái định cư người tị nạn và những người dễ bị tổn thương, cũng như chuẩn bị cho cộng đồng ứng phó và thích ứng với các cuộc khủng hoảng liên quan đến khí hậu.

Sau chuyến công du châu Phi, tân Tổng giám đốc IOM dự kiến tới Brussels gặp các quan chức cấp cao của châu Âu để tìm kiếm một thỏa thuận giải quyết tình trạng di cư bất thường.

Được thành lập vào năm 1951, IOM là tổ chức liên chính phủ hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn, nhân đạo và có trật tự vì lợi ích của tất cả mọi người. IOM có văn phòng tại 171 quốc gia trên toàn cầu và gần 19.000 nhân viên.

(theo FBC, The Star)