Trong quá trình tranh cử vào chức Tổng Thư ký, ông Guterres nhận được sự ủng hộ của 13 trong tổng số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an và không có thành viên có quyền phủ quyết nào (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) cản trở việc ông trở thành Tổng Thư ký tiếp theo.
Lựa chọn đầy bất ngờ
“Chúng tôi đang có một ứng cử viên rất xứng đáng và tên ông ấy là Antonio Guterres”, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 10 Vitaly Churkin tuyên bố.
Sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an đồng nghĩa với việc ông Antonio Guterres chắc chắn sẽ trở thành người thay thế ông Ban Ki-moon nắm giữ chiếc ghế cao nhất của tổ chức quyền lực nhất thế giới hiện nay.
Tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters) |
Để có thể chính thức thay thế ông Ban Ki-moon vào ngày 1/1/2017 tới, ông Guterres vẫn cần phải được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi.
Ông Guterres cũng là quan chức đứng đầu Chính phủ một quốc gia đầu tiên trở thành Tổng Thư ký Liên hợp quốc - chức vụ vốn chủ yếu được dành cho cựu Ngoại trưởng các nước.
Chiến thắng của ông Guterres được coi là hết sức bất ngờ bởi rất nhiều quan chức Liên Hợp Quốc và các chuyên gia đều có chung nhận định rằng “Nga sẽ chỉ chấp nhận một ứng viên đến từ Đông Âu”.
Không chỉ có thế, ông Guterres còn là người “có tiền sử thường xuyên lên tiếng thách thức các nước lớn tại Liên hợp quốc” thay vì chấp nhận “phục tùng ý kiến của họ”.
“Nhà bảo trợ” cho người tị nạn
Sinh tại Lisbon vào ngày 30/4/1949, ông Guterres gia nhập đảng Xã hội Bồ Đào Nha sau cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng tại nước này vào năm 1974, chấm dứt 5 thập kỷ nước này chịu sự cai trị của chế độ độc tài.
Năm 1976, ông Guterres trở thành nghị sĩ sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Bồ Đào Nha sau cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng. Từ một kỹ sư, ông Guterres nhanh chóng nổi lên trở thành một chính trị gia có tài hùng biện.
Đến năm 1992, ông Guterres trở thành Tổng Bí thư Đảng Xã hội Bồ Đào Nha dù vấp phải rất nhiều sự phản đối vào thời điểm đó. Đến năm 1995, ông tiếp tục dẫn dắt Đảng Xã hội Bồ Đào Nha giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử và trở thành Thủ tướng.
Trong giai đoạn nắm quyền Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 - 2002, ông Guterres được mệnh danh là “nhà bảo trợ không mệt mỏi cho những người tị nạn”.
Là một người Công giáo toàn tòng, ông Guterres đã chiến đấu một cách không khoan nhượng để bảo vệ quyền của người tị nạn trong suốt một thập kỷ làm Cao ủy của Liên hợp quốc về Người Tị nạn từ tháng 6/2005-12/2015.
Ông Guterres đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng hàng triệu người tị nạn rời khỏi Syria, Iraq, Afghanistan và nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ đổ dồn sang châu Âu nếu các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan từ chối tiếp nhận họ. Theo ông Guterres, các quốc gia giàu có cần phải tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn.
“Những người nói rằng, họ không thể tiếp nhận người tị nạn Syria bởi họ là người Hồi giáo chính là những người đang ủng hộ các tổ chức khủng bố và giúp chúng tuyển mộ binh sĩ một cách hiệu quả hơn”, ông Guterres tuyên bố hồi tháng 12/2015 ngay trước khi mãn nhiệm Cao ủy của Liên hợp quốc về Người Tị nạn.
Ông Guterres sau đó được cho là sẽ trở thành Tổng thống Bồ Đào Nha, tuy nhiên, ông đã từ chối với lý do, ông thích được “chơi bóng” thay vì “làm trọng tài”.
“Tôi thích hành động, thích có mặt trên sân và thích những vấn đề đòi hỏi tôi phải can thiệp trực tiếp”, ông Guterres tuyên bố trên kênh truyền hình Bồ Đào Nha RTP hồi tháng 1/2016.
Những điểm nhấn khi làm Thủ tướng
Năm 1995, khi ông Guterres trở thành Thủ tướng, kinh tế Bồ Đào Nha đang phát triển nhanh chóng và tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức rất thấp. Điều này cho phép ông Guterres thiết lập cơ chế đảm bảo lương tối thiểu cho người lao động. Đây chính là một trong những chính sách được người dân Bồ Đào Nha hết sức ủng hộ.
Ông Guterres trò chuyện với một số trẻ tị nạn khi còn là Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn. (Ảnh: AP) |
Ông Guterres cũng là người ủng hộ một EU thống nhất cũng như việc một quốc gia muốn trở thành thành viên EU phải chấp nhận dùng đồng tiền chung Euro. Bồ Đào Nha cũng là một trong 11 quốc gia đầu tiên sử dụng đồng tiền chung này vào thời điểm đồng Euro ra đời vào năm 1999.
Cũng trong năm 1999, đảng Xã hội một lần nữa thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội dù không chiếm được đa số tuyệt đối. Ông Guterres cũng được coi là người có công lớn trong việc thuyết phục Liên hợp quốc can thiệp vào tình hình Đông Timor (một cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha) sau khi tình trạng bạo lực bùng phát tại quốc gia này sau cuộc trưng cầu dân ý đòi tách ra khỏi Indonesia.
Một năm sau, khi Bồ Đào Nha trở thành Chủ tịch luân phiên của EU, ông Guterres cũng rất thành công khi đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Âu-Phi đầu tiên với mục tiêu biến EU trở thành “nền kinh tế dựa vào tri thức năng động và cạnh tranh nhất thế giới” vào năm 2010.
Tuy nhiên, thành công tại EU lại gây ra những ảnh hướng tiêu cực đến sự nghiệp chính trị trong nước của ông Guterres nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Bồ Đào Nha suy yếu.
Ông Guterres quyết định từ chức vào năm 2002 sau khi đảng Xã hội thất bại trong cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm 2001. Tại thời điểm đó, ông tuyên bố ông muốn ngăn chặn Bồ Đào Nha rơi vào “đầm lầy chính trị” và khẳng định sẽ dừng sự nghiệp chính trị trong nước để tập trung cho sự nghiệp ngoại giao ở nước ngoài.
Những lời chúc mừng
Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc Syed Akbaruddin đã chúc mừng ông Guterres trở thành Tổng Thư ký Liên hợp quốc: “Xin chúc mừng và chúc ông mọi điều tốt lành. Ấn Độ hoan nghênh việc ông Antonio Manuel de Olivera Guterres trở thành tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc”.
Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre ca ngợi việc lựa chọn ông Guterres - một người nói được tiếng Pháp, Anh và Tây Ban Nha “như tiếng mẹ đẻ” - là “một tin tức tốt lành cho Liên hợp quốc”. Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Matthew Rycroft khẳng định, ông Guterres sẽ là “một Tổng Thư ký mạnh mẽ và làm việc hiệu quả”.
Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa ca ngợi ông Guterres là “một người xuất chúng” và là “sự lựa chọn tốt cho thế giới, cho Liên hợp quốc và cả cho Bồ Đào Nha”.
Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Liên hợp quốc Louis Charbonneau khẳng định, ông Guterres sẽ “cất lên tiếng nói hoàn toàn mới trong vấn đề nhân quyền tại thời điểm có rất nhiều thách thức như hiện nay”. Tuy nhiên, ông Charbonneau thận trọng cho rằng, năng lực thực sự của ông Guterres sẽ chỉ được kiểm chứng khi ông phải đối đầu với các quốc gia có quyền phủ quyết.