📞

“Tăng áp động mạch phổi” - cái chết được báo trước

11:19 | 28/07/2016
Trên thế giới, tỉ lệ người mắc tăng áp động mạch phổi nằm trong khoảng 2-25 người/1 triệu dân. Ở Mỹ, tỉ lệ này là 2/1.000 trẻ sơ sinh. Ở Việt Nam hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo khoa học về điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi do Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với các chuyên gia trung tâm bệnh phổi đại học RUSH và trung tâm tim mạch bệnh viện St Mary Medical Center - Hoa Kỳ tổ chức ngày 27/7.

Biến chứng dẫn đến tử vong

PGS.TS. Trương Thanh Hương, Trưởng đơn vị Tim mạch trẻ em, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh tăng áp phổi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ sơ sinh tới người cao tuổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bệnh này nếu không được điều trị hoặc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì thường có tiên lượng rất nặng và có các biến chứng dẫn đến tử vong.

GS.TS. Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Thu Hằng)

Theo số liệu thống kê tại Phòng tim mạch Nhi & Tim bẩm sinh, Viện tim mạch Trung ương, trong năm đầu tiên mới thành lập (từ tháng 4/2014 - 9/2015), Phòng này đã tiếp nhận điều trị cho 73 bệnh nhân tăng áp động mạch phổi trên tổng số 900 bệnh nhân nhập viện. Bệnh nhân thường vào viện trong tình trạng nặng như ho máu, suy tim nặng…

Vậy tăng áp động mạch phổi là gì? Đó là tình trạng áp lực động mạch phổi trung bình lớn hơn hoặc bằng 25 mm Hg khi nghỉ, được đánh giá bằng thông tim phải.

Trong cơ thể con người có 2 hệ tuần hoàn. Hệ đại tuần hoàn đưa máu từ tim trái qua động mạch chủ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Hệ tiểu tuần hoàn đưa máu từ tim phải lên phổi để trao đổi khí cacbonic và lấy khí oxy về tim trái. Chúng ta vẫn quen với khái niệm tăng huyết áp, đó là tăng huyết áp trong các động mạch hệ đại tuần hoàn. Tăng áp phổi là tăng áp lực hệ tiểu tuần hoàn.

PGS.TS Trương Thanh Hương cho biết thêm, trước năm 1980, khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu thì thời gian sống trung bình từ khi phát hiện bệnh này vô căn cho đến khi tử vong là 2,8 năm. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nếu tìm được nguyên nhân gây bệnh thì bệnh nhân sẽ được điều trị theo nguyên nhân. Trong trường hợp bệnh vô căn (không rõ nguyên nhân) hoặc nguyên nhân không loại bỏ được, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các thuốc giãn động mạch phổi và các biện pháp điều trị hỗ trợ tùy thuộc vào nhóm bệnh và mức độ nặng của bệnh.

Đối với các thuốc điều trị đặc hiệu, hiện nay trên thế  giới có 4 - 5 nhóm thuốc chính, trong từng nhóm thuốc có các loại thuốc khác nhau. Một số thuốc đã có nghiên cứu chứng minh hiệu quả làm giảm tỷ lệ tử vong như Bosentan hoặc cải thiện triệu chứng cho người bệnh như Sildenafil. Hiện nay Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai có 3 loại thuốc đặc hiệu: Bosentan, Iloprost và Sildenafil.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Đó là các triệu chứng: Khó thở mà không có triệu chứng đặc hiệu của bệnh tim/phổi, hoặc ở bệnh nhân có sẵn bệnh tim/phổi nhưng khó thở tăng lên mà không giải thích được; Mệt mỏi, yếu cơ, đau ngực, ngất, chướng bụng khó tiêu; Bờ trái xương ức nhô cao, tiếng tim T2 mạnh ở đáy tim, tiếng thổi ở tim, gan to, phù chi…

Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đầu tiên có những hoạt động về khám, sàng lọc, phát hiện và điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi một cách hệ thống dưới sự hướng dẫn và chuẩn hoá của các chuyên gia đến từ trường Đại học RUSH, Chicago, Mỹ.

ThS. Nguyễn Minh Hùng, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tăng áp động mạch phổi ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc triệu chứng rất nhẹ, dễ bị bỏ qua. Khi bộc lộ triệu chứng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Các triệu chứng của bệnh cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như: khó thở, đau ngực, mệt, phù chân, ngất, ho ra máu….

Do triệu chứng không điển hình và mơ hồ ở giai đoạn đầu nên một số đối tượng nguy cơ cao bị tăng áp động mạch phổi cần chủ động đến khám sớm để được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, bao gồm: Tiền sử gia đình có người bị bệnh; Bệnh nhân có bệnh tim bẩm sinh; Bệnh nhân có bệnh hệ thống như xơ cứng bì, lupus ban đỏ; Bệnh nhân có tiền sử tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan; Bệnh nhân nhiễm HIV.

Để chẩn đoán và điều trị, ThS. Minh Hùng khuyến cáo người bệnh nên đến cơ sở y tế nhất là chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán đầy đủ và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân có thể xuất viện và điều trị theo phác đồ tại nhà. Tuy nhiên bệnh này dù có điều trị hay không thì vẫn thường trực gây ra các biến chứng nặng như ho ra máu, suy tim phải, ngất… Các biến chứng này đều có thể gây tử vong kể các khi bệnh nhân đang nằm viện.