Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho rằng, các sản phẩm thuốc lá điện tử rất nguy hại. (Ảnh: Nguyệt Anh) |
Sáng nay (23/11) tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam”.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới có xu hướng tăng
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết, Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ nam giới và nữ giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử lần lượt là 5,6% và 1%.
Bà Trang nói: “Nếu so sánh thì chỉ sau 5 năm, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng 36,5 lần đối với cả hai giới, tăng lần lượt trong hai nhóm nam giới là 22,75 lần và với nữ giới là 46 lần”.
Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ. Theo nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam năm 2020, tỷ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao.
Với tỷ lệ chung là 7,3%, tỷ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18-24.
Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6% .
Bà Trang khẳng định: "Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường".
Theo các chuyên gia, hiện nay, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok…
Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội, Facebook, Zalo cá nhân.
Trong khi đó, theo bà Trang, hiện nay, Việt Nam mới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Về quy định của luật, hiện chưa có thông tin về thành phần, các chất có trong thuốc lá mới, chưa đủ thông tin để xác định thành phần các chất cần kiểm soát trong quy chuẩn kỹ thuật.
Không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Trang cho biết, việc cho phép thí điểm lưu hành thuốc lá mới có những tác động tiêu cực, đặc biệt là tăng chi phí quản lý và tổ chức thực hiện. Nếu thí điểm để bắt đầu cho phép sử dụng những sản phẩm này là trái với Nghị quyết COP8 mà Việt Nam là nước thành viên đã tham gia ký kết.
Bởi vậy, bà Trang nhấn mạnh, Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam: không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Bà Trang nói: “Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, vì đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Loại thuốc lá này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên, có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Đồng thời, với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường”.
Hiện nay, đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, có 7 quốc gia áp dụng quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm, nhưng chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành trên thị trường.
Năm 2020, Văn phòng WHO tại Việt Nam đã có khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam nên duy trì chính sách cấm hiện hành đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá và nicotine thế hệ mới, có bằng chứng rõ ràng rằng các sản phẩm này không an toàn.
Do đó, bà Trang cho biết, việc Việt Nam cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của WHO và điều kiện Việt Nam.
Tăng cường thực thi chống quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm khẳng định, bên cạnh thuốc lá truyền thống, các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng rất nguy hại.
“Nó chứa nhiều chất độc giống thuốc lá truyền thống như Nicotine Glycol, Ethylene Glycol, kim loại chì, bạc, thuỷ ngân, tích tụ dần gây độc cơ thể như tổn thương phổi cấp dẫn đến tử vong. Đặc biệt là thanh thiếu niên sẽ bị mất kiểm soát hành vi, tâm trạng, ảnh hưởng đến trí tuệ, trí não do Nicotine ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Gia tăng nguy cơ sử dụng ma túy với thuốc lá điện tử…”, bác sĩ Lâm khẳng định.
Do đó, ông Lâm cho rằng, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam.
Ông Lâm nói: "WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. Đồng thời, tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này”.
| ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc ... |
| Đề xuất phương án nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non Bộ GD&ĐT đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng chính sách tiền lương mới, trong đó có phương án nâng mức ... |
| Nghề giáo phải là một nghề thực sự danh giá Nếu coi mỗi người là một chiếc máy tính siêu hiện đại thì nghề giáo là nghề “cài đặt hệ điều hành và các phần ... |
| Bộ GD&ĐT chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an ... |
| Trường đại học nào lọt top đẹp nhất thế giới của nước chủ nhà World Cup 2022? Trường Đại học Qatar thuộc nước chủ nhà World Cup 2022 từng được xếp hạng là một trong những trường đại học có khuôn viên ... |