📞
7 tỉnh biên giới phía Bắc:

Tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực

10:24 | 07/04/2016
Với mục tiêu hợp tác hữu nghị làm nền tảng, quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc ngày càng phát triển lành mạnh và dần đi vào ổn định. Hợp tác trên mọi lĩnh vực ngày càng được thúc đẩy và tăng cường.
Giao ban công tác ngoại vụ các tỉnh biên giới phía Bắc lần thứ V, tháng 3/2016.

Đó là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt là phần đóng góp hiệu quả của 7 tỉnh giáp biên với Trung Quốc (Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh và Lào Cai).

Lãnh đạo 7 tỉnh biên giới phía Bắc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quán triệt và thực hiện đúng các quy định của Đảng và nhà nước về quản lý các hoạt động đối ngoại, bảo đảm các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, toàn diện, qua đó đóng góp tích cực vào thành tích chung của mặt trận đối ngoại, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi; tranh thủ các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của đất nước và các tỉnh.

Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, Ban Thường vụ các tỉnh đã cụ thể hóa các quy định, quy chế hoạt động đối ngoại tại địa bàn; ban hành các chương trình, kế hoạch và hoạt động đối ngoại cụ thể, gắn với chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại.

Các địa phương tăng cường hợp tác về chính trị trên một số điểm sau: (i) Duy trì các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ cấp lãnh đạo tỉnh và khu. Thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp lãnh đạo tỉnh, hai bên đi sâu trao đổi các vấn đề còn vướng mắc một cách chân thành, thẳng thắn. (ii) làm sâu sắc các hoạt động giao lưu hợp tác giữa các tổ chức Đảng ở địa phương, coi đây là nhân tố giữ ổn định và động lực thúc đẩy đối với sự phát triển của quan hệ hai bên. (iii) Tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các ngành, các huyện biên giới; đẩy mạnh hợp tác đào tạo vừa nhằm tăng thêm sự hiểu biết, tin cậy vừa củng cố tình hữu nghị giữa hai bên. (iv) Phát huy vai trò của công tác đối ngoại nhân dân như tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giữa các ngành, giữa thanh niên, phụ nữ và nhân dân biên giới. (v) Tiếp tục thiết lập quan hệ hữu nghị giữa các cụm dân cư biên giới, đồn - trạm biên phòng, thôn - bản.

 

Dự kiến Trung Quốc viện trợ không hoàn lại 10 triệu NDT (1,6 triệu USD) để nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Cung cấp viện trợ 1 tỷ NDT (157 triệu USD) trong 5 năm tới để giúp Việt Nam xây dựng các công trình cải thiện dân sinh như trường học, bệnh viện.

Kết nối chiến lược phát triển

Với vị trí địa lý đặc thù, 7 tỉnh đã chủ động thúc đẩy hợp tác qua lại với 2 tỉnh biên giới Trung Quốc (Vân Nam và Quảng Tây), đưa hợp tác kinh tế trở thành một trong hợp tác lĩnh vực thành công trong quan hệ hai nước cũng như đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Các địa phương hai bên đã ký kết và triển khai các thỏa thuận và bản ghi nhớ hợp tác như hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, các dự án tuyến đường bộ, đường sắt…

Không những vậy, các tỉnh biên giới phía Bắc còn phối hợp với các tỉnh của Trung Quốc thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác qua các cơ chế hợp tác đa phương (Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung; Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu với tỉnh Vân Nam; Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây); tăng cường kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước; thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối sáng kiến “một vành đai, một con đường” với khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; thúc đẩy trao đổi Phương án tổng thể về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới.

Kinh tế thương mại giữa các bên đã có bước phát triển mạnh mẽ, liên tục tăng trưởng cao. Chính sách biên mậu của hai bên được áp dụng linh hoạt cho từng cửa khẩu, khu vực, địa phương; thông thoáng trong quy chế thanh toán mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu; cung cấp nhiều ưu đãi về tài chính, thuế quan cho vùng này. Hai bên tăng cường phối hợp tổ chức Hội chợ quốc tế, trao đổi buôn bán hàng hóa cho cư dân biên giới; mở ra các hoạt động hợp tác kỹ thuật, xuất nhập khẩu dịch vụ, tạm nhập, tái xuất và chuyển khẩu qua biên giới; thúc đẩy phát triển giao dịch tại các khu kinh tế cửa khẩu; thúc đẩy tiện lợi hóa thông quan cho người, hàng hóa và phương tiện xuất nhập khẩu tại cửa khẩu của các bên. Từ đó, đã có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế của các tỉnh biên giới, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của các khu vực này.

Các bên đi sâu hợp tác ở biên giới. Tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; phối hợp, đôn đốc, giám sát việc triển khai công tác quản lý biên giới; xây dựng các công trình kè bảo vệ cột mốc, phát quang tầm nhìn biên giới để thuận tiện cho cư dân biên giới hai bên qua lại. Tăng cường tuyên truyền và thực hiện ba văn kiện biên giới Việt - Trung và hai Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân, Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên).

Tiếp tục duy trì chế độ giao ban hàng quý, sáu tháng, một năm, tuần tra chung. Thiết lập đường dây nóng, tổ chức hội đàm đột xuất để kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc xảy ra tại khu vực biên giới, phòng chống các loại tội phạm qua biên giới, vượt biên trái phép. Về biên giới trên biển, Quảng Ninh và các địa phương giáp biên của Quảng Tây tiếp tục thực hiện tuần tra chung Vịnh Bắc Bộ theo hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc. Các địa phương giáp biên phối hợp chặt chẽ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.

Tranh thủ các nguồn vốn bên ngoài

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại biên giới năm 2015 là 27,56 tỷ USD, trong đó kim ngạch thương mại biên giới Việt - Trung chiếm 85%. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, khoáng sản và sản phẩm công nghệ; nhập khẩu thiết bị cơ khí, sản phẩm ô tô.

Ngoài tăng cường hợp tác với nước láng giềng - Trung Quốc, các tỉnh biên giới phía Bắc cũng đã từng bước chú trọng thúc đẩy hợp tác, tăng cường xúc tiến đầu tư với các đối tác khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới để làm phong phú thêm các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó phải kể đến các địa phương của Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng Aquitaine (Pháp), tỉnh Nan và các tỉnh phía Bắc (Thái Lan), Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Vương quốc Anh… Bên cạnh đó, các địa phương còn thúc đẩy hợp tác với các tập đoàn, tổ chức nước ngoài và các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại như tỉnh như công ty Austrex (Australia), Đức, Tập đoàn AGX (Hoa Kỳ), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Đại sứ quán Italy, New Zealand, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ…

 

Đa số các tỉnh này tuy đều nằm ở miền núi thuộc khu vực phía Bắc nhưng vẫn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Những lượng vốn ODA, FDI đã phần nào hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội của các tỉnh trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay.

Tựu trung lại, 7 tỉnh đều nhận thức rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tình hình mới, vai trò của hội nhập quốc tế, để từ đó, đề ra các chương trình hành động phát huy lợi thế của mình phù hợp với địa phương và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Với những thành tựu kể trên, trong thời gian tới, 7 tỉnh cần triển khai hiệu quả hơn nữa hoạt động đối ngoại trong tình hình mới; tiếp tục giữ vững môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; đồng thời tiếp tục tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.