📞

Tăng cường nguồn lực tài chính trong nước để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam

Lê An 10:01 | 18/08/2022
Ngày 17/8, tại Hà Nội, hơn 100 đại biểu đến từ các bộ ban ngành Trung uơng và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội... cùng thảo luận, kêu gọi các sáng kiến và sự hợp tác nhằm tăng cường các nguồn lực tài chính thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Dự án chung về Thúc đẩy khung tài chính tích hợp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) phối hợp tổ chức.

Dự án này do quỹ Mục tiêu phát triển bền vững (SDG Fund) tài trợ.

Đại biểu tham dự sự kiện chụp ảnh lưu niệm. (Nguồn: UN Women)

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết bình đẳng giới và các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam là thiếu các nguồn lực tài chính.

Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez Saenz cho rằng: "Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia thu nhập trung bình, nhiều nhà tài trợ đã giảm các hỗ trợ tài chính cho bình đẳng giới, việc đảm bảo và huy động nguồn tài chính trong nước là vô cùng cấp thiết.

Trong nhiều năm qua, UN Women đã vận động và giới thiệu các công cụ để đưa vấn đề bình đẳng giới vào các chính sách kế hoạch và tài chính của quốc gia trong quá trình thực hiện SDGs để đảm bảo rằng các cam kết bình đẳng giới sẽ được thực hiện”.

Mặc dù Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 sửa đổi đã có những thay đổi tiến bộ quan trọng khi đưa ra nguyên tắc thúc đẩy bình đẳng giới trong chi ngân sách nhà nước, tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện còn nhiều thách thức.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận vai trò của các bên, trong đó có khối tư nhân, các tổ chức xã hội và đưa ra những khó khăn chính trong thúc đẩy nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới trong nước như thiếu quy trình kế hoạch và ngân sách, thiếu các công cụ và hướng dẫn, hạn chế trong hiểu về cách tiếp cận ngân sách có trách nhiệm giới, chưa có số liệu phân tách theo giới tính, chưa theo dõi và dán nhãn được các khoản chi tiêu hướng về bình đẳng giới trong các báo cáo tài chính.

Các đại biểu cũng thảo luận vai trò của các bộ ban ngành liên quan như Bộ tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức xã hội, khối doanh nghiệp tư nhân..., đồng thời đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường tài chính cho bình đẳng giới.

Đại biểu bàn luận tại hội thảo. (Nguồn: UN Women)

Trong đó, nổi bật là cách áp dụng ngân sách có trách nhiệm giới, đảm bảo các nhu cầu của phụ nữ, nam giới và các đối tượng khác được xem xét đầy đủ trong toàn bộ chu trình ngân sách.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT cũng nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta dù đến từ cơ quan tổ chức nào, dù đang sống và làm việc tại Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Điện Biên… đều có chung một mong muốn, một mục tiêu: đó là góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về Bình đẳng giới, các mục tiêu phát triển đất nước".