Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu tham dự Lễ ký Quy chế phối hợp cùng Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện một số Đại sứ quán nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và cán bộ các đơn vị trực thuộc của các Bộ.
Quy chế phối hợp nhằm tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân một cách chủ động, hiệu quả hơn.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cần tập trung triển khai quyết liệt.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ ký kết. |
Công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, tuy nhiên, đây là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lực lượng, nhiều quốc gia trong khi phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người rất tinh vi, xảo quyệt.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tại Quy chế, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người, tăng cường hợp tác quốc tế và hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.
Đánh giá cao nỗ lực và sự tích cực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ xây dựng và hoàn thiện Quy chế phối hợp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Lễ ký là dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung của các cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền, lợi ích của nạn nhân bị mua bán.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu. |
Trong quá trình triển khai các chương trình phòng, chống mua bán người, Bộ Ngoại giao thường xuyên chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn, kịp thời phối hợp với cơ quan trong nước và sở tại để xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ, đưa nạn nhân về nước cũng như tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong đề xuất các giải pháp phòng, chống mua bán người, bao gồm việc phòng ngừa mua bán người trong di cư quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định sẽ yêu cầu Cục Lãnh sự - cơ quan đầu mối xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, đồng thời thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai Quy chế tại Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ mong muốn cả bốn bộ cùng phối hợp chặt chẽ, kịp thời để thực hiện Quy chế phối hợp một cách hiệu quả, thực chất và đồng bộ, qua đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi bên.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại lễ ký kết. |
Theo Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, việc xây dựng Quy chế trong bối cảnh tội phạm mua bán người trên toàn thế giới và tại Việt Nam ngày càng phức tạp, núp bóng dưới các phương thức vô cùng tinh vi, đa dạng là rất đúng đắn và kịp thời.
Để góp phần triển khai hiệu quả Quy chế, Bộ Công an sẽ khẩn trương chỉ đạo công an địa phương phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nhiệm vụ tại Quy chế.
Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, phát biểu tại sự kiện. |
Chia sẻ với phát biểu của Lãnh đạo các bộ, bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam cho rằng, việc ban hành Quy chế phối hợp là nỗ lực rất đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
Bà Park khẳng định, sự hiện diện đông đủ của Lãnh đạo các bộ tại buổi Lễ ký kết Quy chế phối hợp là thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân bị mua bán.
Trưởng Phái đoàn đại diện IOM tại Việt Nam khẳng định, IOM sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các cơ quan của Chính phủ trong lĩnh vực này, đồng thời khuyến nghị trong quá trình triển khai Quy chế phối hợp, các bộ cần tăng cường phối hợp, trao đổi với các bên liên quan, chẳng hạn như các doanh nghiệp và cơ quan chức năng ở địa phương, để bảo đảm triển khai đồng bộ và hiệu quả.
| Ngày 28/6, tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, Việt Nam đã có nhiều hoạt động giới thiệu kinh nghiệm, nỗ lực, ... |
| Học viện Ngoại giao tổ chức khóa bồi dưỡng trực tuyến về công tác bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ và bảo hộ ... |