📞
Đại sứ Đặng Minh Khôi

Tăng cường tin cậy chính trị, phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung

07:00 | 07/07/2019
TGVN. Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Trung Quốc (8-12/7) theo lời mời của Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Lật Chiến Thư, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã trả lời phỏng vấn báo TG&VN. Xin trân trọng giới thiệu.   
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai trương Trung tâm văn hoá Trung Quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh)

Xin Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân?

Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang duy trì đà phát triển tốt đẹp như hiện nay, nhận lời mời của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ 8-12/7/2019.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam kể từ sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân với Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư trên cương vị hai người đứng đầu của hai cơ quan Nghị viện hai nước.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng của hai nước đã tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại các cuộc tiếp xúc, phía Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sẽ phối hợp chặt chẽ với ta để chuyến thăm thành công tốt đẹp.

Tôi cho rằng, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thiết thực và hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có nhiều cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Chuyến thăm lần này cũng thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nhất là của người lãnh đạo cao nhất của Quốc hội nước ta, trong tổng thể đối ngoại Nhà nước trong thời kỳ chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là một sự khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại quốc hội như là một trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam và những đóng góp tích cực của đối ngoại quốc hội đối với sự nghiệp chung của đất nước trong thời gian vừa qua.

Quan hệ hợp tác, giao lưu giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc cũng là kênh quan trọng để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy chính trị giữa hai bên. Chuyến thăm cũng góp phần thúc đẩy hợp tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp; phát huy vai trò hơn nữa trong việc giám sát, đôn đốc Chính phủ hai nước thực hiện các nhận thức chung, các thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, triển khai tích cực các hiệp định và thỏa thuận đã đạt được; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, phối hợp trong việc bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà hai bên cùng tham gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này đúng vào dịp Trung Quốc vừa kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa và đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập nước. Việt Nam chúc mừng trước những thành tựu của Trung Quốc đạt được trong 70 năm qua, nhất là trong 40 năm cải cách mở cửa, luôn coi sự phát triển của Trung Quốc trong những năm qua là một trong những thành tựu quan trọng của nhân loại và mong muốn Trung Quốc tiếp tục phát triển, lớn mạnh, đóng góp có tích cực và có trách nhiệm vào những vấn đề của thế giới và khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Nguồn: TTXVN)

Đâu là những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thưa Đại sứ?

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhân đại Trung Quốc. Tại các cuộc hội kiến, hội đàm, tiếp xúc chính trị quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ cùng các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Trung Quốc trao đổi về những phương hướng lớn trong quan hệ hai nước cũng như những biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm thành phố Nam Kinh, thành phố Tô Châu của tỉnh Giang Tô. Đây là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, đồng thời cũng là khu vực đầu tàu phát triển kinh tế miền Đông của Trung Quốc. Hiện nay, hai nước đang tích cực phối hợp tổ chức hoạt động “Ngày văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc” trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và là hoạt động khởi đầu cho kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm, giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam tới công chúng Trung Quốc, tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa nhân dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng sẽ đi thăm một số cơ sở kinh tế, khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, có những cuộc tiếp các doanh nghiệp hàng đầu của Hongkong (Trung Quốc) và Trung Quốc đang quan tâm mở rộng hợp tác với Việt Nam. Tuy lịch trình chuyến thăm rất bận nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn dành thời gian thăm gặp gỡ đại diện người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại Trung Quốc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài và thông báo những tình hình mới nhất của đất nước và hoạt động của Quốc hội đến bà con.

Một trong những trọng tâm quan trọng của chuyến thăm lần này là tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hai nước. Trong những năm vừa qua, cùng với đà phát triển của quan hệ hai nước, giao lưu và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc tiếp tục được tăng cường và đã trở thành một điểm nổi bật trong quan hệ hai Đảng, hai nước.

Tiếp theo chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (12/2015), tháng 11/2016, Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang đã có chuyến thăm Việt Nam rất thành công. Đây là chuyến thăm Việt Nam của Người đứng đầu cơ quan lập pháp Trung Quốc sau 15 năm. Tháng 12/2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã thăm Trung Quốc, tới tháng 1/2018, Phó Ủy viên Trưởng Nhân đại Trung Quốc Trần Trúc đã sang Việt Nam tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương.

Lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban chuyên trách và Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt - Trung hai bên đã duy trì thăm, gặp gỡ thường xuyên, góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Quốc hội Việt Nam cùng với Nhân đại Trung Quốc đã triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác đã ký năm 2015, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, nhất là về công tác lập pháp, công tác giám sát và ra quyết sách đối với các các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước; tăng cường đôn đốc và giám sát việc triển khai các thỏa thuận đã ký kết; tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.

Đại sứ đánh giá như thế nào v quan hệ hai nước thời gian gần đây?

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hợp tác song phương tiếp tục có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, hợp tác kinh tế ngày càng mật thiết, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân cả hai nước. Quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua có bốn điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển ổn định và không ngừng đi vào chiều sâu, sự tin cậy về chính trị được tăng cường. Điểm nổi bật nhất là các chuyến thăm, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước điễn ra thường xuyên hơn và ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một coi trọng phát triển quan hệ ổn định, hữu nghị và lâu dài với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; chân thành mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt - Trung trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Lãnh đạo Trung Quốc, nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần khẳng định hết sức coi trọng việc củng cố quan hệ hữu nghị và tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam, coi quan hệ với Việt Nam là “quan hệ song phương hết sức đặc biệt”, mong muốn “từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài” tăng cường hợp tác toàn diện cùng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Giao lưu hợp tác giữa các ban, bộ ngành, địa phương hai nước tiếp tục diễn ra sôi nổi và ngày càng thực chất.

Thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian vừa qua. Hiện cả hai nước đã trở thành đối tác kinh tế thương mại quan trọng của nhau. Trung Quốc liên tục 15 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (từ 2004), trong khi đó trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Điều đáng mừng là hiện tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc tăng nhanh hơn Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam nên tuy quy mô nhập siêu từ Trung Quốc còn lớn nhưng tỷ lệ đang giảm dần. Hiện nhiều mặt hàng có tính cạnh tranh của Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị và trên các trang thương mại điện tử của Trung Quốc. Tổng kim ngạch thương mại hai nước trong 5 tháng đầu năm nay tăng 12,6%, đạt 43,5 tỷ USD.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư FDI lớn thứ 7 tại Việt Nam và vốn đầu tư của Trung Quốc đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Về đầu tư FDI, trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn FDI. Trong dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng, góp phần thúc đẩy thương mại song phương thời gian tới, trong đó có Nghị định thư về kiểm dịch mặt hàng sữa, trái măng cụt để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Hiện các bộ, ngành của ta đang tích cực đàm phán để mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều mặt hàng hoa quả có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, một thị trường quan trọng hàng đầu của nông nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, giao lưu nhân dân đã thực sự trở thành một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước. Giao lưu nhân dân ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết giữa nhân dân hai nước cũng như thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. Trong những năm gần đây, cả Việt Nam và Trung Quốc đã trở thành điểm đến yêu thích hàng đầu của người dân hai nước. Trong năm 2018, lượng khách du lịch giữa hai nước đạt gần 10 triệu lượt người, hàng tuần có trên 600 chuyến bay nối các địa phương của Việt Nam với Trung Quốc, trung bình mỗi ngày gần 90 chuyến bay. Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón gần 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa tiếp tục được coi trọng, Bộ Văn hóa hai nước duy trì cơ chế trao đổi, thường xuyên. Các kênh giao lưu hữu nghị nhân dân giữa hai nước tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả tích cực. Tiếng Việt đã trở thành một trong những ngoại ngữ ngày càng được nhiều sinh viên Trung Quốc lựa chọn. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này, chúng ta tổ chức "Ngày văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc" để người dân Trung Quốc cảm nhận rõ hơn một Việt Nam ổn định, phát triển, yêu chuộng hòa bình, mến khách và có một nền văn hóa đặc sắc.

Cuối cùng, cả hai bên đều nhất trí cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Tuy tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã nhiều lần trao đổi và nhất trí cần kiểm soát bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển đạt được tiến triển; cùng ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: ĐSQ)

Trong bối cảnh kinh tế khu vực và quốc tế có nhiu biến động, quan hệ kinh tế hai nước đang đứng trước những cơ hội và thách thức như thế nào, thưa Đại sứ?

Hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, là nội dung được Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đi sâu trao đổi trong các cuộc tiếp xúc, hội đàm, hội kiến, được thể hiện đậm đà trong các bản Tuyên bố chung.

Trong các chuyến thăm và làm việc tới Trung Quốc, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đều dành thời gian tiếp xúc với lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc thông qua các hình thức linh hoạt như: dự Diễn đàn, Tọa đàm, Đối thoại bàn tròn, qua đó, giúp doanh nghiệp Trung Quốc hiểu thêm về chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự kiến cũng sẽ gặp gỡ, trao đổi với Lãnh đạo nhiều Tập đoàn lớn của Hongkong và Trung Quốc thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao, viễn thông, thương mại điện tử và nông nghiệp...

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế và khu vực, hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc thời gian vừa qua có cả thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi lớn nhất là cả Việt Nam và Trung Quốc là hai nền kinh tế tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới và vẫn còn nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, hai nước cũng đã trở thành đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của nhau, giao lưu nhân dân ngày càng mật thiết và các doanh nghiệp, người dân hai nước đã trở thành những nhân tố quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa hai bên ngày càng sâu rộng.

Bên cạnh đó, hai nước đều đang đẩy mạnh tiến trình đổi mới, mở cửa, hoàn thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển. Cuối cùng, cả hai nước đều tích cực ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, minh bạch dựa trên luật lệ của WTO. Ngoài lợi thế gần gũi về vị trí địa lý; cơ cấu hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc có tính bổ sung cho nhau lớn; Việt Nam đã, đang và sẽ là thành viên của 16 hiệp định FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA khiến Việt Nam trở thành cửa ngõ quan trọng để tiến vào thị trường của gần 60 nền kinh tế chủ chốt thế giới với GDP chiếm 61%, giá trị thương mại chiếm 68% toàn cầu.

Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, có nhiều thế mạnh và đang phát triển mạnh mẽ, đây là thuận lợn và cơ hội to lớn nhưng nếu tận dụng không tốt cũng đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức. Bên cạnh một đối tác lớn, một thị trường lớn, nếu chúng ta không tự lực phát triển, không có cách tiệm cận đúng, không chủ động và quyết liệt hơn nữa từ cả góc độ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thì nguy cơ tụt hậu của ta càng lớn, nguy cơ phụ thuộc ngày càng hiện hữu. Hơn nữa, các luật chơi ở tầm quốc tế và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, đã và đang đem lại nhiều hệ lụy cho sự phát triển của chúng ta. Cọ sát thương mại Mỹ - Trung là vấn đề chúng ta phải quan tâm và chuẩn bị sẵn các biện pháp ứng phó, tránh để bị động và ảnh hưởng tiêu cực.

Trong hợp tác giữa ta với Trung Quốc hiện cũng có một số vấn đề cụ thể. Về thương mại, sau 02 năm nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc liên tục xu hướng giảm, từ đầu năm đến nay, sức ép nhập siêu đã gia tăng đáng kể. Về đầu tư, tuy số dự án và quy mô đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh chóng, nhưng chất lượng, hiệu quả thực tế ra sao vẫn cần có thêm thời gian theo dõi, kiểm chứng. Vốn đầu tư FDI Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm tuy là tín hiệu tích cực, là cơ hội song đồng thời cũng mang lại những thách thức nhất định như: sự chuyển dịch của dòng vốn chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu. Ta cần hết sức tránh để Việt Nam có thể bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, đầu tư mang tính “đón đầu”, cam kết lớn nhưng thực hiện nhỏ giọt, gia tăng đầu tư mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Về du lịch, tuy Trung Quốc luôn là thị trường khách du lịch lớn nhất của ta và chi tiêu của khách Trung Quốc đang tăng nhanh nhưng vần còn thấp so với chi tiêu của khách Trung Quốc tại các địa bàn khác.

Để tranh thủ, khai thác tối đa mặt thuận lợi, hạn chế và ứng phó hiệu quả khó khăn, thách thức, có lẽ, một điều rất quan trọng hiện nay là báo chí Việt Nam cần thông tin về Trung Quốc một cách khách quan, toàn diện hơn, để người dân và doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ, hiểu đúng hơn về Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc. Không thể phủ nhận, Trung Quốc đang sở hữu một hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao; trình độ khoa học công nghệ đã có bước tiến dài, vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu được nâng cao đáng kể; nhu cầu của Trung Quốc về kiểm nghiệm kiểm dịch sản phẩm cũng chặt chẽ hơn. Tin tưởng rằng, một khi đã có nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ và tiềm lực tài chính của Trung Quốc, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cách tiếp cận chủ động, phù hợp, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển thực chất hơn và đi vào chiều sâu, đáp ứng lợi ích chung của nhân dân hai nước.

Tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước, hai Quốc hội phát triển tích cực trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ.