Những hình ảnh cho thấy một vật thể màu đỏ sẫm dài 33,7 km và rộng 16 km quay trên trục quay nó khoảng mỗi 15 giờ một vòng. Hình ảnh có màu của Ultima Thule được chụp vào ngày đầu năm mới từ khoảng cách gần 29.000 km, 30 phút trước khi tàu thăm dò tới điểm gần nhất với tảng đá vũ trụ.
Tàu vũ trụ đã chụp hàng nghìn hình ảnh của vật thể, được biết đến với tên chính thức là 2014 MU69, trong chuyến bay xa nhất trong lịch sử của mình. Theo Guardian, từ khoảng cách 1,6 tỷ km bên ngoài Sao Diêm Vương, dữ liệu phải mất 6 giờ để tới Trái đất khi được truyền với tốc độ ánh sáng.
Hình ảnh của NASA ở bên trái được chụp từ khoảng cách gần 29.000 km; bên phải là hình ảnh chi tiết hơn. (Nguồn: AP) |
Ultima Thule là đối tượng nghiên cứu chính của nhiệm vụ này. Các nhà khoa học ban đầu mô tả vật thể có hình dạng giống như một chai bowling nhưng khi nhận được hình ảnh mới, họ nhận thấy nó giống một người tuyết hơn.
Hình dạng kỳ lạ của Ultima Thule được cho là xuất hiện khi các hạt bụi và băng xoáy kết lại trong thời kỳ đầu của Hệ Mặt trời và cuối cùng dẫn đến hai khối đá lớn va chạm và gắn vào nhau. Màu đỏ sẫm của phần lớn bề mặt được cho là do ảnh hưởng của bức xạ không gian lên lớp băng trên bề mặt.
Giống như Sao Diêm Vương, Ultima Thule nằm trong khu vực của Hệ Mặt trời được gọi là Vành đai Kuiper, một vòng hình bầu dục bao quanh các hành tinh lùn bao gồm các tảng đá và các mảnh vụn còn sót lại từ sự hình thành của Hệ Mặt trời 4,6 tỷ năm trước.
Các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu về Ultima Thule có thể cung cấp những hiểu biết chưa từng có về các điều kiện phổ biến trong khu vực vũ trụ hơn 4,5 tỷ năm trước.
Tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) được phóng vào năm 2006 trong nhiệm vụ khám phá Sao Diêm Vương. Khi đi qua hành tinh lùn này vào năm 2015, nó đã chụp được những bức ảnh ngoạn mục của thế giới xa xôi ở rìa Hệ Mặt trời, ngày nay được biết đến là nơi chứa những ngọn núi nitơ và núi lửa thổi băng vào không gian.