📞

Tăng năng lực của trẻ em trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Nguyễn Hoàng 13:56 | 02/09/2023
Suy thoái môi trường, trong đó có khủng hoảng khí hậu là “một dạng bạo lực có hệ thống đối với trẻ em”.
UNICEF cảnh báo gần 1 tỷ trẻ em có nguy cơ cực kỳ cao trên toàn cầu vì biến đổi khí hậu. (Nguồn: UNICEF)

Vừa qua, Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (LHQ) đã cập nhật Công ước bảo vệ quyền trẻ em nhằm tăng năng lực của các em trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Lần đầu tiên ủy ban trên khẳng định quyền của trẻ em được sống trong môi trường sạch sẽ, lành mạnh và bền vững.

Trong văn bản hướng dẫn được công bố, Ủy ban cho rằng suy thoái môi trường, trong đó có khủng hoảng khí hậu là “một dạng bạo lực có hệ thống đối với trẻ em”. Văn bản cũng cung cấp hướng dẫn pháp lý về quyền trẻ em bị ảnh hưởng như thế nào từ một chủ đề hoặc lĩnh vực pháp luật cụ thể, trong đó đề cập các quyền môi trường mới nhất với trọng tâm đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Theo đó, các quốc gia có trách nhiệm không chỉ bảo vệ quyền trẻ em khỏi bị tổn hại trước mắt mà còn phải chịu trách nhiệm trước những hành vi vi phạm quyền trẻ em có thể thấy trước trong tương lai do hành động hoặc không hành động ngày hôm nay.

Ngoài ra, các quốc gia có thể phải chịu trách nhiệm về tác hại môi trường xảy ra cả trong và ngoài biên giới của mình.

Các quốc gia đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc được kêu gọi hành động ngay lập tức, bao gồm hướng tới việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, cải thiện chất lượng không khí, đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và bảo vệ đa dạng sinh học.

Hướng dẫn cũng nêu rõ quan điểm của trẻ em phải được xem xét khi đưa ra quyết định về môi trường và nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục môi trường.

Theo ông David Boyd, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Nhân quyền và môi trường, văn bản hướng dẫn mới là “một bước tiến quan trọng” trong việc thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền sống trong một thế giới sạch sẽ, lành mạnh và bền vững.

Ông nhấn mạnh, “các chính phủ hiện phải thực hiện hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu nhằm thổi sức sống vào những từ đầy cảm hứng này”.

Hướng dẫn là kết quả của sự tham gia toàn cầu và liên thế hệ, bao gồm tham vấn rộng rãi với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức nhân quyền quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự và chính trẻ em.

Năm 1989, tất cả quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, ngoại trừ Mỹ, đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em, trong đó đề cập 4 nhóm quyền gồm quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia.