📞

Tăng quyền năng cho phụ nữ ASEAN: Quyết tâm cao nhất, động lực lớn nhất, cơ hội sáng nhất

Vinh Hà 08:00 | 16/11/2020
TGVN. Với sáng kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Việt Nam nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà lãnh đạo nữ cũng như đại biểu quốc tế.

Việc lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN với chủ đề "Vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu Covid-19" giúp khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN. (Nguồn: TTXVN)

Cần đặt phụ nữ vào trung tâm công cuộc tái thiết và phục hồi

Tại Hội nghị nằm trong chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan từ ngày 12-15/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm của các Lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh phụ nữ ASEAN chiếm gần một nửa (48,7%) dân số trong độ tuổi lao động, đang đóng góp đáng kể vào sự phồn vinh của khu vực và nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, phụ nữ chính là “người nắm tay hòm chìa khóa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình khắc phục và vượt lên khủng hoảng”.

Để tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp thiết thực của phụ nữ cho công cuộc phục hồi toàn diện và bền vững của ASEAN, cũng như trong củng cố và xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất cần bảo đảm những quyền lợi chính đáng về kinh tế và sức khoẻ của người phụ nữ song song triển khai các biện pháp về bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ASEAN cần đặt người phụ nữ vào trung tâm công cuộc tái thiết và phục hồi, tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếng nói của phụ nữ trong các quyết sách và tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đưa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thành một ưu tiên quan trọng trong tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng sau 2025.

Thái Lan: 2 sáng kiến tăng cường năng lực của phụ nữ

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Nguồn: AP)

Với việc chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN ngày 12/11, theo Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020 nhận thức được tầm quan trọng của việc liên tục tăng cường năng lực cho phụ nữ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết Chính phủ Thái Lan đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm bớt khó khăn của phụ nữ, Thủ tướng Prayut đề nghị ASEAN ưu tiên hai vấn đề. Thứ nhất, cần tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tiếp cận vốn và công nghệ kỹ thuật số nhằm tăng cường vai trò và năng lực của phụ nữ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ hai, vai trò của phụ nữ đối với sức khỏe cộng đồng cần được thúc đẩy, cả trong và sau đại dịch. Thủ tướng Prayut từng đề cập vai trò của phụ nữ với tư cách là những tình nguyện viên y tế làng xã, đóng góp đáng kể trong việc phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong các cộng đồng địa phương.

Những nỗ lực do hàng triệu nữ tình nguyện viên y tế làng xã thực hiện đã tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng Thái Lan.

Nâng tầm về vai trò và đóng góp của phụ nữ

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đánh giá về Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN cho biết đây là một trong những hội nghị rất quan trọng, mang dấu ấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Trong góc độ của ASEAN, đây là hội nghị mang tính lịch sử và là hội nghị cấp cao lần thứ hai của lãnh đạo nữ ASEAN được tổ chức trong lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN từ năm 1967 đến nay.

Tầm mức, thời điểm và tính thiết thực của sự kiện ở mức rất cao, toàn diện, có ý nghĩa thiết thực hơn rất nhiều so với những giai đoạn trước.

Tại ASEAN, vấn đề về phụ nữ, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ đã được thảo luận trong khoảng hơn 40 năm trở lại đây và đã hình thành được các cơ chế như ủy ban, hội nghị bộ trưởng tạo ra sự phối hợp trong ASEAN về các vấn đề về phụ nữ hay bình đẳng giới.

Thế nhưng, chỉ đến lần này, các vấn đề về bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong ASEAN mới được bàn một cách toàn diện với chuỗi hoạt động lớn ở tầm bộ trưởng và cấp cao do Việt Nam đề xuất.

Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, chúng ta đã có sáng kiến tổ chức phiên đặc biệt của các nhà lãnh đạo nữ ASEAN về tăng quyền năng, vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên số.

Tiếp đó, Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 53 cũng đã có một phiên họp đặc biệt khi lần đầu tiên các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bàn về vai trò của phụ nữ đóng góp vào duy trì hòa bình và an ninh bền vững.

Đến kỳ họp Hội nghị Cấp cao 37 lần này, Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN bàn một cách toàn diện, ở tầm cao về vai trò và đóng góp của phụ nữ. Sự kiện lần này là động lực, cơ hội rất lớn cho phụ nữ ASEAN, đồng thời đánh dấu một quyết tâm ở mức cao nhất của các nước ASEAN.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga. (Nguồn: PNVN)

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhận định, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam có sáng kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 12/11.

Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng khi thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 và nhiều thách thức khác đối với phát triển bền vững.

“Hội nghị là sự khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ.

Hội nghị giúp làm nổi bật hơn vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực hướng tới mục tiêu vì một Cộng đồng ASEAN “toàn diện, lấy con người làm trung tâm, hướng tới con người”, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững SDG với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Hà Thị Nga chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sáng kiến này cũng thể hiện rõ vai trò nước chủ nhà Việt Nam, cho thấy chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc quan tâm, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Sáng kiến dẫn dắt của Việt Nam

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phụ nữ có thể đóng vai trò rất quan trọng trong các công việc chung và bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam "thực sự rất vui" khi được thấy hội nghị lần này đã hết sức chú trọng tới điều này, đặc biệt có Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN.

Theo bà Caitlin Wiesen, nếu phụ nữ từ không chỉ các nước ASEAN, mà còn trên cả thế giới cùng hợp lực, họ có thể tạo ra những ảnh hưởng vô cùng lớn lao, đối với lĩnh vực kinh doanh, đối với quá trình xây dựng nền hòa bình…

Tất cả nỗ lực đó đều đóng vai trò quan trọng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, đồng thời tạo điều kiện cải thiện cuộc sống của tất cả chúng ta.

Chính vì thế, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam rất tự hào khi thấy Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và đang dẫn dắt lĩnh vực này, và UNDP rất vinh dự được đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình trao quyền cho phụ nữ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị trong những năm vừa qua.

"Chúng tôi cũng rất vui khi thấy điều này đã được mở rộng trong khuôn khổ toàn ASEAN. ASEAN đã sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác trên cả chiều rộng và chiều sâu", bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman.

Một diễn đàn hữu ích

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman đánh giá cao việc lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.

Đặc biệt, sự kiện này giúp khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Đáng chú ý, tham dự hội nghị lần này có Hoàng hậu Hà Lan Maxima - Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về phát triển tài chính toàn diện.

Với sự tham dự của Hoàng hậu Maxima và Liên hợp quốc, Hà Lan mong muốn đóng vai trò nhỏ nhưng có ý nghĩa tại hội nghị quan trọng này.

Nhận định về ý nghĩa và tác động của Hội nghị, theo bà Akkerman, điều quan trọng là các chương trình nghị sự về khôi phục kinh tế và phát triển xã hội của ASEAN được các nhà lãnh đạo hết sức ủng hộ.

Trong kinh doanh, phụ nữ được đánh giá là những doanh nhân giỏi do đó nên khuyến khích và trao quyền cho phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh tế.

Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN đã cung cấp một diễn đàn cho các nữ lãnh đạo phản ánh về những gì đang diễn ra trên thế giới và những kiến nghị để cải thiện tình hình hiện tại.

.