📞

Tăng tốc hội nhập qua hợp tác Nam – Nam

09:30 | 24/06/2016
Trên con đường hội nhập “sâu” của Việt Nam, sẽ có một lực đẩy lớn từ dòng chảy hợp tác Nam-Nam.

Hợp tác Nam-Nam (hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển) và hợp tác Ba bên (hợp tác giữa các nước đang phát triển với sự tham gia, hỗ trợ của các nước phát triển hoặc các tổ chức quốc tế) đang ngày càng trở nên phổ biến và tăng cường nhờ sự nổi lên của các nước phía Nam hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi...

Tiềm năng dồi dào

Trong những năm gần đây, các quốc gia phát triển (“phía Bắc”) đã chứng kiến tăng trưởng chậm chạp, tạo ra khoảng cách trong viện trợ phát triển quốc tế. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển ở “phía Nam thế giới” lại có sự tăng trưởng mạnh trong thập kỉ qua dựa trên sự mở rộng nhanh chóng của xuất khẩu và thặng dư tài khoản hiện tại.

Trên thực tế, năm 2014, các nước đang phát triển đã chiếm 57% GDP của thế giới so với mức 43% hồi đầu những năm 2000. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo rằng năm 2020, tỉ trọng GDP của các nước đang phát triển thậm chí sẽ lên đến 61%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đã tạo ra thăng dư vốn và khuyến khích mở rộng hoạt động kinh tế cùng với ảnh hưởng trong các khu vực khác nhau của các quốc gia đang phát triển.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì thảo luận tại Hội nghị “Nâng cao hiệu quả hội nhập và thúc đẩy hợp tác Nam - Nam trong giai đoạn mới”.

Không chỉ được thúc đẩy bởi tầm quan trọng ngày càng tăng của các nước đang phát triển đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới, hợp tác Nam-Nam và Ba bên cũng được khuyến khích bởi nhiều xu hướng phát triển và hợp tác quốc tế mới, trong đó có các liên kết kinh tế, thương mại và kết nối xã hội mới, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cũng như sự tham gia ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong các chương trình nghị sự toàn cầu.

Các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế đều công nhận rằng, các nước phát triển đang có vị trí tốt hơn, có trình độ phát triển, chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp hơn để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu phát triển của nhau. Tuy nhiên, do còn hạn chế về các nguồn lực cần thiết cho sự hợp tác nên khả năng khai thác tiềm năng hợp tác Nam-Nam của các nước đang phát triển hiện còn nhiều hạn chế.

Cánh cửa rộng mở

Từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới vào năm 1986, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở và ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, quan hệ hợp tác của Việt Nam đã mở rộng từ việc chỉ hợp tác với các đối tác xã hội chủ nghĩa truyền thống sang hợp tác rộng rãi với nhiều quốc gia khác nhau trên tất cả các lục địa, đặc biệt là những nước đang trong quá trình chuyển đổi, nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Không tự nhiên mà nhiều chính khách, trong đó phải kể đến Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh Alan Duncan nhiều lần phát biểu rằng các nước đang phát triển ở châu Phi nên học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực. (Ảnh minh họa)

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và bước vào một giai đoạn phát triển mới. Là một nước đang phát triển, Việt Nam thấu hiểu những cơ hội, thuận lợi cũng như những thách thức, khó khăn chung của các nước đang phát triển. Bởi lẽ đó, Việt Nam luôn coi trọng và tích cực đóng góp vào thúc đẩy hợp tác Nam-Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã ghi những dấu ấn tích cực của mình trong mô hình hợp tác này. Cụ thể là Việt Nam đã đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch khóa 17 Ủy ban cấp cao về hợp tác Nam-Nam, tham gia Đối thoại Nam-Nam. Việt Nam còn tham gia vào các dự án hợp tác Nam-Nam và thúc đẩy mô hình hợp tác Ba bên với các nước châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo. Đến nay, Việt Nam đã cử hơn 300 chuyên gia nông nghiệp sang Senegal, Congo và Benin; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Mozambique.

Nhìn chung, hợp tác Nam-Nam và Ba bên của Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn, trong các lĩnh vực hợp tác thế mạnh như nông nghiệp, giáo dục, y tế và chính sách phát triển... Các đối tác hợp tác Nam-Nam của Việt Nam bao gồm các quốc gia đang phát triển từ các châu lục khác nhau, từ các quốc gia Đông Nam Á đến toàn bộ châu Á, châu Phi, Đông Âu và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, cả chất lượng và số lượng các dự án/hoạt động hợp tác Nam-Nam của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu khung chính sách và khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, nguồn lực tài chính cũng như nguồn nhân lực có kinh nghiệm và năng lực quản lý cần thiết cho sự hợp tác này.

Định hướng tương lai

Đánh giá cao tiềm năng hợp tác Nam-Nam trong công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam, tại Hội nghị Bàn tròn với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hội nhập và thúc đẩy hợp tác Nam-Nam trong giai đoạn mới” vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 17/6, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác Nam-Nam ngày càng thực chất, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của cả hai bên.

Để làm được điều này, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đưa ra một số định hướng chiến lược cho hợp tác Nam-Nam và Ba bên mà Việt Nam và các nước đối tác cần thực hiện trong thời gian tới.

“Một là, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, bài học rút ra từ sự phát triển và hội nhập của Việt Nam với các nước đang phát triển có những điều kiện, hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam.

Hai là, bên cạnh các lĩnh vực có thế mạnh truyền thống như nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế..., Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng, thiết thực đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển như thông tin, viễn thông... trên cơ sở cùng có lợi.

Ba là, các tổ chức đa phương, đặc biệt là các tổ chức trong khuôn khổ LHQ và các tổ chức phát triển, cần phát huy hơn nữa vai trò hỗ trợ hợp tác Nam-Nam không chỉ là cầu nối hợp tác Nam-Nam mà còn là cầu nối giữa các nhà tài trợ với các nước Nam-Nam (hợp tác Bắc-Nam).

Bốn là, cần tranh thủ các nguồn lực hiện có cho hợp tác Nam-Nam, bao gồm cả nguồn lực của chính phủ, các đối tác phát triển và khu vực tư nhân. Cụ thể, có thể lồng ghép các dự án hợp tác Nam-Nam trong các sáng kiến, khuôn khổ hợp tác khu vực và tiểu vùng; nghiên cứu cách thức tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác Nam-Nam, nhất là trong các lĩnh vực kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, lao động...

Năm là, cần tăng cường hiệu quả của các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác Nam-Nam ở cấp độ toàn cầu cũng như khu vực để tăng cường tiếng nói và thúc đẩy các lợi ích chung của các nước đang phát triển trong xử lý các vấn đề toàn cầu.”

Thực tế, hội nhập tự bản thân không phải là câu trả lời cho tất cả các vấn đề. Hội nhập mang lại cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia. Nếu coi hội nhập như một dòng chảy thì có lẽ hợp tác Nam-Nam và Ba bên là một dòng chảy mạnh, đem lại cơ hội thu hẹp khoảng cách, nâng bước tiến  mới về trình độ phát triển cho những quốc gia dám “hòa mình” vào. Mặc dù còn một số hạn chế nhưng với những lợi thế, kinh nghiệm và định hướng chiến lược rõ ràng, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở và điều kiện thuận lợi để tự tin căng buồm, hòa cùng dòng chảy hội nhập ra ngoài biển lớn.               

Thúc đẩy vai trò quốc tế tích cực của Việt Nam

Đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế thời gian qua, bà Pratibha Mehta, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đánh giá hội nhập khu vực và quốc tế nói chung và hợp tác Nam-Nam, Ba bên nói riêng luôn đóng một vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường vị thế của Việt Nam.

Kể từ khi giành được độc lập, Việt Nam có một lịch sử lâu dài và thành công trong hợp tác Nam-Nam. Việt Nam đã phát triển quan hệ đối tác mới với các nước thành viên ASEAN và thể hiện tinh thần đoàn kết với các quốc gia đang phát triển khác trên khắp các châu lục. Việt Nam đã vừa là nước đóng góp vừa là nước nhận các hỗ trợ kỹ thuật trong y tế, xây dựng thể chế và xây dựng chính sách cũng như chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Theo bà Pratibha Mehta, những trao đổi hai chiều này sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và là cơ hội cho Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình với các nước khác.

Thông qua một nghiên cứu đánh giá tiềm năng hợp tác Nam-Nam do UNDP phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam thực hiện gần đây, bà Pratibha Mehta cho biết Việt Nam có tiềm năng đáng kể để đóng góp và hưởng lợi từ quan hệ đối tác Nam-Nam.

Theo Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, những lợi ích này sẽ được nhân lên nếu áp dụng một cách tiếp cận chiến lược hơn, bao gồm cả giám sát và quản lý tốt hơn; liên kết hợp tác với nhu cầu phát triển; mở rộng thương mại và các mục tiêu chính sách đối ngoại mới. Về lâu dài, bà Pratibha Mehta cũng đề xuất Việt Nam nên xem xét lựa chọn để thể chế hóa những lĩnh vực hợp tác phát triển của mình, đồng thời tham khảo các nước có thu nhập trung bình khác như Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã làm.

Với sự liên kết nhiều hơn với các cam kết và các tiêu chuẩn quốc tế, bà Pratibha Mehta bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có triển vọng tươi sáng trong việc thúc đẩy phát triển con người bền vững, cải thiện cuộc sống của người dân ở Việt Nam, kết nối quốc tế để giải quyết những thách thức chung toàn cầu.

Hoài Minh