📞

Tăng tốc lão hóa ở người trầm cảm

14:28 | 28/11/2013
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trầm cảm khiến thể chất chúng ta già đi nhanh hơn bằng cách tăng tốc quá trình lão hóa trong từng tế bào.
Ảnh minh họa.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Hà Lan cho thấy, những tế bào của người từng bị trầm cảm nặng về mặt sinh học bị lão hóa so với người bình thường. Sự khác biệt này thể hiện qua độ dài của tế bào có tên là telomere.

Già đi vì trầm cảm

Telomere được coi là những chiếc mũ ở phần cuối của nhiễm sắc thể bảo vệ DNA trong quá trình phân chia tế bào. Mỗi khi tế bào phân chia, telomere sẽ co lại và chiều dài của cấu trúc này được coi là chỉ số của sự lão hóa tế bào ở người.

Để nghiên cứu về sự ngắn đi của chiều dài telomere, TS. Josine Verhoeven của Trung tâm Y khoa Đại học VU (Hà Lan) cùng các đồng nghiệp đến từ Mỹ đã khảo sát trên 2.407 người tình nguyện.

Hơn một phần ba các tình nguyện viên hiện đang bị trầm cảm, một phần ba đã trải qua trầm cảm nặng trong quá khứ và số còn lại hầu như chưa bao giờ thấy chán nản trong cuộc sống.

Các tình nguyện viên cung cấp mẫu máu để giúp các nhà nghiên cứu tìm kiếm những thay đổi trong cấu trúc telomere sâu bên trong tế bào.

Những người đang hoặc đã bị trầm cảm có telomere ngắn hơn nhiều so với những người chưa từng trải qua quá trình này. Những đối tượng bị trầm cảm nặng hoặc trầm cảm mãn tính có chiều dài các telomere ngắn nhất.

TS. Verhoeven và các đồng nghiệp cho rằng telomere ngắn lại là hậu quả của phản ứng của cơ thể với các nguyên nhân gây trầm cảm và đau khổ.

"Tâm trạng đau khổ, những chuyện đau buồn từng xảy ra đối với người bị trầm cảm góp phần không nhỏ trên sự hao mòn cơ thể, dẫn đến tăng tốc lão hóa sinh học. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng trầm cảm có liên quan tới sự lão hóa sinh học, đặc biệt là ở những người bị trầm cảm nặng và mãn tính", ông Verhoeven cho biết thêm, "Phát hiện này giúp giải thích cho những triệu chứng sức khỏe đa dạng mà người mắc bệnh trầm cảm thường gặp phải".

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người bị trầm cảm thường có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi già như mất trí nhớ, ung thư và bệnh tiểu đường type 2. Điều này được giải thích là do lối sống không lành mạnh như lạm dụng rượu và không luyện tập thể dục.

Học cách thụ hưởng cuộc sống

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu có thể đảo ngược quá trình lão hóa trong các tế bào. Ông Verhoeven nói: "Một enzyme gọi là telomerase giúp kéo dài telomere bằng cách thêm nucleotide đến cuối nhiễm sắc thể và việc áp dụng lối sống lành mạnh có thể giúp thúc đẩy hoạt động của telomerase, do đó kéo dài telomere".

Lời khuyên để có cuộc sống khỏe mạnh, hạn chế quá trình lão hóa có tác dụng hơn cả việc bạn được trị khỏi bệnh trầm cảm, đó chính là tập thể dục và thực hiện các bài tập thể chất này không bao giờ là quá muộn.

Bác sĩ lão khoa Carmel B. Dyer (Đại Học Y khoa Texas) cho biết: "Tôi đã biết những bệnh nhân bắt đầu tập thể dục ở tuổi 70 và đã gặt hái được lợi ích to lớn từ đó".

Tập thể dục giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm huyết áp và tăng cường cơ bắp, đồng thời giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ. Bên cạnh việc luyện tập thể chất, kiểm soát cân nặng và có một chế độ ăn uống hợp lý là điều cần thiết. Ăn nhiều trái cây và rau củ mỗi ngày là một trong những cách đơn giản để tăng cường sức khỏe và thay đổi cuộc sống của chính mình. Tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập với cộng đồng và có một cái nhìn lạc quan về cuộc sống giúp bạn sống khỏe và sống lâu hơn.

Bác sĩ Dyer cho rằng, giảm căng thẳng bằng các hoạt động tinh thần như thiền định rất có lợi cho sức khỏe. Đa số các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, những người lạc quan sống lâu hơn và ít có khả năng phát triển các bệnh mãn tính như bệnh tim.

Ông chia sẻ: "Làm bác sĩ lão khoa trong gần 20 năm, tôi nhận thấy rằng bệnh nhân biết cách hưởng thụ cuộc sống một cách tốt nhất dường như sống lâu hơn và hạnh phúc hơn. Tôi nghĩ rằng nếu bạn lạc quan hơn, tích cực hơn, bạn sẽ làm việc tốt hơn, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn".

Trà Giang (Theo BBC News, Live Science)