📞

Tăng trưởng GDP quý I là bước khởi đầu tích cực cho nền kinh tế năm 2024

Linh Chi 08:15 | 03/04/2024
Chia sẻ với phóng viên TG&VN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương nhận định, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% là khá phù hợp với các diễn biến kinh tế trong 3 tháng đầu năm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương. (Ảnh: NVCC)

Bà đánh giá thế nào về kết quả tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2024?

Kinh tế thế giới bước vào năm 2024 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với diễn biến khó lường và hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các yếu tố bất lợi cho khôi phục kinh tế như lạm phát cao, cầu thương mại và tiêu dùng vẫn thấp, xu hướng phục hồi chậm, xung đột Nga-Ukraine ngày càng phức tạp, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Trước những khó khăn, bất ổn của kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế đều nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023.

Trong nước, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các khó khăn, thách thức của bối cảnh kinh tế thế giới cũng như các yếu điểm nội tại của nền kinh tế, những tháng đầu năm 2024, dưới sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, từng bước tháo gỡ khó khăn, tận dụng và tìm kiếm cơ hội để khôi phục và phát triển kinh tế, nền kinh tế nước ta đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét.

Trên nền tăng trưởng thấp của quý I/2023, tăng trưởng trong quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất của quý I các năm kể từ năm 2020 trở lại đây. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28% (riêng công nghiệp tăng 6,18%) và khu vực dịch vụ tăng 6,12%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,28%.

Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% là khá phù hợp với các diễn biến kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2024.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98% do hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục ổn định, đáp ứng nguồn cung cho tiêu dùng trong nước, hoạt động chế biến và xuất khẩu.

Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng 6,28% nhờ hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần phục hồi tích cực với nguồn cung nguyên liệu và máy móc thiết bị từ nhập khẩu được đảm bảo; sản xuất điện tăng cao bảo đảm phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ và tiêu dùng.

Khu vực dịch vụ tăng 6,12%, trong đó một số hoạt động dịch vụ cũng khá sôi động, đặc biệt dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi phục vụ xuất khẩu tăng mạnh. Hoạt động du lịch có bước tăng trưởng tốt trong ba tháng đầu năm 2024, tính chung quý I/2024, Việt Nam đón khoảng 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu tăng trở lại đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy chưa bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019 nhưng mức tăng trưởng này là kết quả cho những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành Chính sách của Chính phủ, Nhà nước, Bộ ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.

Kết quả tăng trưởng quý I/2024 có đạt như kịch bản điều hành theo Nghị quyết 01/2023/NQ-CP (Nghị quyết 01) không, thưa bà?

Theo kịch bản của Nghị quyết 01, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).

Tuy nhiên, giữa các khu vực có sự dịch chuyển so với kịch bản ban đầu. Cụ thể:

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước, đạt mức 6,28%. Trong đó, riêng công nghiệp tăng 6,18%, cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra trong Nghị quyết 01.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,98% và 6,12%, thấp hơn mức tăng của cả 2 kịch bản tăng trưởng (3,0% đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản; 6,3% và 6,5% đối với khu vực dịch vụ).

Như vậy, với diễn biến kinh tế của 3 tháng đầu năm, có thể nói khu vực công nghiệp đã có những kết quả tốt hơn so với kỳ vọng.

Trái lại, khu vực dịch vụ chưa có sự bứt phá và đóng góp tốt vào tăng trưởng như kịch bản điều hành. Tuy nhiên, trước bối cảnh của kinh tế trong nước và thế giới, con số tăng trưởng 5,66% là bước khởi đầu tích cực cho kinh tế năm 2024 của Việt Nam.

Khu công nghiệp VSIP 2, huyện Tân Huyên, Bình Dương. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của khu vực và thế giới. Bà đánh giá thế nào về kết quả thu hút FDI của quý I/2024?

Thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế quý I/2024. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp FDI vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Trong tổng vốn FDI đăng ký quý I/2024 thì vốn đăng ký cấp mới chiếm 77,3% tổng vốn - tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 chiếm 55,5%), tương ứng tăng 57,9% về số vốn cấp mới và tăng 23,4% về số dự án.

Tổng vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 42,2% so cùng kỳ 2023 nhưng mức giảm này đã cải thiện khi so quý I/2023 giảm 57,4% so với cùng kỳ 2022.

Số liệu trên khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới, mở rộng dự án hiện hữu tại đất nước.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, vốn đăng ký tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…

Tình hình thu hút đầu tư quý I/2024 được tiếp nối từ kết quả của năm 2023. Tổng vốn đăng ký FDI năm 2023 tăng 32,1% so với năm 2022, đây là mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát. Theo đánh giá của tôi, kết quả này có được là do môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội.

Thêm vào đó, vốn FDI thực hiện quý I/2024 đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2023, đây là mức tăng rất tích cực so với quý I/2023 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ phân tích trên có thể thấy, thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế quý I/2024. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp FDI vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Tổng cục Thống kê dự đoán thế nào về tăng trưởng kinh tế trong các quý còn lại năm 2024?

Mặc dù kết quả tăng trưởng của một số lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực, nhưng trong nước vẫn hiện hữu nhiều khó khăn, thách thức.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát, xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại lớn với Việt Nam.

Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới trong quý I/2024, Tổng cục Thống kê cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01 năm 2024 lần lượt như sau:

Kịch bản 1, năm 2024 tăng 6%: Quý I tăng 5,66%. 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%.

Kịch bản 2, năm 2024 tăng 6,5%: Quý I tăng khoảng 5,66%. 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.

Thời gian tới, chúng ta cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ và bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được để ra trong Nghị quyết 01 để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại của năm.

Xin cảm ơn bà!