WB cảnh báo, trước cuối năm 2021, hơn 100 triệu người sẽ rơi trở lại ngưỡng cực nghèo do tác động của Covid-19. (Nguồn: Coinweek) |
Tình thế đảo ngược
Trong tháng Năm, kinh tế thế giới tiếp tục chứng kiến những biến động lớn do tác động của đại dịch Covid-19.
Tại châu Á, Covid-19 bùng phát mạnh trở lại tại nhiều nước, số ca nhiễm mới tăng vọt với làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới. Các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội được áp trở lại. Trong đó, phải kể đến “trận sóng thần” quét qua Ấn Độ vào đầu tháng với hơn 400.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Trong khi đó, người dân Mỹ và châu Âu bắt đầu tháo khẩu trang và chuẩn bị cho một mùa Hè sôi động với những chuyến du lịch, sau cả một năm buộc phải ngồi nhà phòng dịch.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 làm tình thế đảo ngược với những gì đã diễn ra trong năm 2020. Khi đó, Mỹ và châu Âu oằn mình chống dịch, còn các nền kinh tế châu Á được xem là hình mẫu thành công về chống dịch bệnh. Thì nay, với trọng tâm là tiêm chủng, gần 50% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và 39% dân số đã được tiêm đầy đủ. Tỷ lệ này lại khá khiêm tốn tại châu Á. Đến quốc gia thịnh vượng như Nhật Bản cũng mới chỉ có 2,3% dân số được tiêm đầy đủ.
OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng tới 6,9% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên. Eurozone được dự báo tăng trưởng 4,3%; kinh tế Anh 7,2%; Trung Quốc là 8,5%. Sự phục hồi, kèm tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn trong cùng một thời gian đã khiến nhu cầu nguyên vật liệu thô tăng nóng, đẩy giá thép, đồng, quặng sắt, nhôm, ngô, gỗ... leo thang chóng mặt, nhiều mặt hàng tăng lên mức cao nhất trong một thập niên
Tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ của cả châu Âu và Mỹ khiến Trung Quốc không còn nắm được ảnh hưởng quyết định đến giá nguyên vật liệu thô. Tuy nhiên, điều mà người ta lo lắng là áp lực lạm phát tăng cao tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.
Việc Fed thắt chặt chính sách có thể gây nên một “cơn địa chấn” trên thị trường toàn cầu khiến các dòng tiền chuyển hướng, tỷ giá các đồng tiền biến động mạnh, trồi sụt giá tài sản và sức ép lên chính sách tiền tệ của các quốc gia khác.
WB cảnh báo, trước cuối năm nay, hơn 100 triệu người sẽ rơi trở lại ngưỡng cực nghèo. Sự thật là, phải đến năm 2023 và sau đó, hầu hết các nền kinh tế mới trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. |
Nghịch lý đe dọa kinh tế thế giới
Nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kỳ lạ. Thập niên lo lắng về lực cầu và sức mua èo uột sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008) đã chấm dứt.
Nhưng thay vào đó, giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn hiện nay lại không tươi sáng hơn. Thậm chí, có thể gọi là một trong những nghịch lý lớn đe dọa kinh tế thế giới, với nhu cầu bùng nổ nhưng nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, cầu lớn hơn cung quá nhiều, khiến lạm phát trở thành nguy cơ lớn.
Nguồn cung khan hiếm, hàng hóa, dịch vụ và cả nhân lực thiếu hụt, đồng nghĩa nhu cầu cấp bách ngày càng chậm được đáp ứng hoặc thậm chí là không. Những “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng có thể làm trật bánh đà phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch.
Nghịch lý hiển hiện rõ nét ngay tại nền kinh tế có tầm ảnh hưởng nhất thế giới – Mỹ. Nền kinh tế Mỹ bùng nổ mạnh mẽ, nhưng song hành là tình trạng thiếu thốn xuất hiện tại nhiều nơi. Chi tiêu tiêu dùng đang tăng trưởng hơn 10%/năm, tích luỹ của người dân đã đạt hơn 2.000 tỷ USD kéo dài từ suốt giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, trong khi, chính phủ vẫn đang tính đến các biện pháp bơm thêm tiền.
Phát triển bùng nổ đang tạo ra hai thách thức lớn. Một liên quan đến chuỗi cung ứng và một liên quan đến thị trường lao động. Thế giới đang thiếu mọi thứ, từ gỗ cho đến những con chip bán dẫn. Nhu cầu tuyển dụng dù cao kỷ lục nhưng các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công.
Trở lại với nền kinh tế Mỹ, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng gấp ba khiến giá hàng hóa tăng mạnh. Tháng Tư, Mỹ chỉ tạo ra 266.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng một triệu. Trong khi đó, phúc lợi thất nghiệp “no đủ” khiến người lao động không có lý do tìm việc.
Tất nhiên, sẽ có những nguyên nhân mang tính thời vụ và cả tính thời đại, khi kinh tế thế giới sẽ có những dịch chuyển nhất định về cơ cấu và nghề nghiệp, khiến ngân hàng trung ương các nước khẳng định rằng, họ vẫn cần tiếp tục kích thích kinh tế để bảo vệ thành quả hồi phục còn non nớt. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng có rất ít lý do để lo lắng, Fed sẽ chấp nhận lạm phát ở trên mức mục tiêu trong một thời gian nữa.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường luôn không bao giờ đủ bình tĩnh trước những diễn biến mới. Không ít người cho rằng, cách tiếp cận của Fed, cũng như nhiều ngân hàng trung ương hiện nay đang tiềm ẩn những mối nguy hiểm, trong đó lạm phát sẽ là thách thức rất lớn có thể dẫn đến mối nguy hiểm tiếp, nếu hành động quá muộn và quá chậm.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất công bố ngày 8/6, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu mạnh hơn nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi. Với dự báo tốc độ kinh tế thế giới phục hồi hậu suy thoái mạnh nhất trong 80 năm, các con số dự báo tăng trưởng của WB cũng “khủng” ngang nửa OECD.
Tuy nhiên, những “trang phía sau” của dự báo tươi sáng đó còn là những mảng tối. WB cảnh báo, nhiều nước, đặc biệt là các nước nghèo, đang bị tụt lại phía sau và sẽ cần nhiều năm để có thể phục hồi như mức trước đại dịch. Phân tích của WB cho thấy, đà phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn không thể bù đắp những tác động mà đại dịch gây ra cho các nước nghèo nhất và các nhóm dễ bị tổn thương.
Vì vậy, cùng với việc điều chỉnh tăng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, WB đã hạ dự báo tăng trưởng khoảng 40% số thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển. Nếu không “cộng gộp” sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc, mức tăng trưởng trung bình của các nước mới nổi và đang phát triển sẽ chỉ là 4,4%.
Dự báo tăng trưởng đối với các nước có thu nhập thấp trong năm nay và năm tới, chỉ có thể đạt 2,9% - mức thấp nhất trong hai thập niên, nếu không tính năm 2020.
WB cảnh báo, trước cuối năm nay, hơn 100 triệu người sẽ rơi trở lại ngưỡng cực nghèo. Sự thật là, phải đến năm 2023 và sau đó, hầu hết các nền kinh tế mới trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch.