Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2021 giảm sâu. Toàn cảnh họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2021. (Ảnh: Thảo Nguyên) |
Phát biểu tại họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hương cho hay, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch. Năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước.
Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế, với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.
Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.
Ở chiều ngược lại, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Về hoạt động của doanh nghiệp, bà Hương thông tin, dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9/2021 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký.
Theo đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%.
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.
Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 với 73,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.
Tại họp báo, thông tin thêm về các gói hỗ trợ an sinh xã hội trong 9 tháng đầu năm nay, bà Hương cho biết, tính đến ngày 21/9, tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh.
Chính phủ cũng đã cấp 136.349,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Riêng TP. Hồ Chí Minh đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,81 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.
| Để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập trung bình cao Sự quyết tâm, bản lĩnh của các nhà lãnh đạo đất nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt ... |
| GS.TS. Andreas Stoffers: Không dài sức để giãn cách mãi, phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn Sẽ còn rất nhiều trở ngại phía trước mà Chính phủ Việt Nam cần giải quyết để đưa nền kinh tế phục hồi trở lại ... |