📞

Tăng tuyển dụng công chức hợp đồng, Trung Quốc tìm cách hạ nhiệt cuộc chiến 'bát cơm sắt'

Châu Linh 21:55 | 23/06/2024
Nhằm "hạ nhiệt" sức nóng của các kỳ thi tuyển công chức hằng năm và bổ sung các vị trí việc làm chuyên môn mà thị trường lao động đang cần, thời gian gần đây, nhiều cơ quan công quyền Trung Quốc đã chuyển sang tuyển dụng thêm các vị trí công chức theo hợp đồng.

Được biết đến như cuộc chiến "bát cơm sắt", kỳ thi công chức tại Trung Quốc luôn thu hút số lượng thí sinh ứng tuyển kỷ lục do những vị trí này thường mang lại nguồn thu nhập tốt, địa vị xã hội và đặc biệt là tính ổn định, lâu dài giữa bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng và sự bấp bênh của môi trường làm việc tư nhân.

Đối với hàng triệu ứng viên tham gia thi tuyển, khả năng đỗ không khác gì trúng số khi tỷ lệ chọi vô cùng khốc liệt.

Một kỳ thi công chức nhà nước cấp quốc gia được tổ chức tại TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. (Nguồn: VCG)

Thêm lựa chọn nhân lực cho khu vực công

Nhằm hạ nhiệt của các kỳ thi tuyển công chức hàng năm và bổ sung các vị trí việc làm chuyên môn mà thị trường lao động đang cần, thời gian gần đây, nhiều cơ quan công quyền Trung Quốc đã chuyển sang tuyển dụng thêm các vị trí công chức theo hợp đồng.

Là một phần trong quá trình cải cách hệ thống công chức kéo dài hàng thập kỷ qua, những vị trí công chức dạng hợp đồng không đòi hỏi thí sinh phải trải qua các kỳ thi khắc nghiệt nhưng vẫn có được mức lương khá cạnh tranh - thậm chí nhiều khi còn cao hơn gấp hai đến ba lần và có tính linh hoạt cao hơn với các vị trí công chức truyền thống.

Năm 2014, ở tuổi 32, anh Xiang Qingyi với tấm bằng thạc sĩ về quy hoạch giao thông cùng 7 năm kinh nghiệm "thực chiến" tại khu vực chính phủ quyết định ứng tuyển làm Giám đốc cấp cao về điều phối giao thông thông minh tại Văn phòng Công an thành phố Nghĩa Ô, phía Đông tỉnh Chiết Giang.

“Mức lương cao hàng năm rất hấp dẫn đối với tôi, nhưng quan trọng hơn là vị trí công việc phù hợp với trình độ và sở thích của mình”, anh Xiang Qingyi chia sẻ, đồng thời tiết lộ, năm 2018, mức lương hàng năm sau thuế của anh lên tới 300.000 NDT (41.300 USD) - gấp khoảng ba lần thu nhập hàng năm của công chức địa phương.

Sau khi đảm nhận nhiệm vụ quy hoạch giao thông và giảm bớt tắc nghẽn, anh Xiang Qingyi đã giúp chính quyền địa phương thiết lập quy trình quản lý giao thông có hệ thống.

Ở những nơi khác ở Chiết Giang, những ứng viên như anh Xiang Qingyi thường được tuyển dụng vào làm việc tại các đặc khu phát triển kinh tế, công nghệ cũng như khu công nghiệp công nghệ cao, với các lĩnh vực chuyên môn đặc thù như trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghiệp ô tô.

Được thí điểm lần đầu tiên vào những năm 1970, quy định pháp lý chính thức về vị trí công chức làm việc theo hợp đồng được đưa ra cùng với việc thực thi Luật Công chức năm 2006, cho phép các cơ quan áp dụng hệ thống dựa trên hợp đồng đối với các vị trí chuyên môn khi cần thiết.

Năm 2007, Thâm Quyến và Thượng Hải, hai "đầu tàu" về phát triển kinh tế của Trung Quốc, là những thành phố đầu tiên thí điểm tuyển dụng công chức theo dạng hợp đồng. Đến năm 2015, hơn 6.000 công chức ở Thâm Quyến làm việc theo dạng này, chiếm 13,1% trên tổng số.

Trong những năm tiếp theo, chính phủ Trung Quốc đã hoàn thiện các nguyên tắc và yêu cầu khi tuyển dụng theo hình thức công chức mới này, với quy định có liên quan được ban hành vào năm 2017.

Jia Yimeng, Phó giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Nankai ở Thiên Tân, cho biết: “Việc áp dụng cơ chế thị trường có thể làm cho quá trình tuyển dụng (của chính phủ) linh hoạt và cởi mở hơn. Chưa kể, trên thực tế, nó có lợi cho việc tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả trong quản lý nguồn nhân lực công”.

Không giống như các vị trí công chức truyền thống vốn phải vượt qua một kỳ thi cấp quốc gia hoặc địa phương, công chức theo diện hợp đồng được tuyển chọn thông qua bài kiểm tra viết, phỏng vấn và các phương pháp khác phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng vị trí. Những vị trí này thường đòi hỏi ứng viên có chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng, "khả năng thay thế thấp".

Mức lương vì thế cũng cao hơn đáng kể so với mức lương của các vị trí công chức thông thường. "Diện công chức theo hợp đồng sẽ mang tính thách thức và yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao, kinh nghiệm làm việc phù hợp hơn", ông Jia Yimeng cho hay.

Trong vài tháng qua, ít nhất 20 thành phố ở 5 địa phương tại Trung Quốc đã công bố đợt tuyển dụng công chức mới theo dạng hợp đồng.

Chỉ riêng ở phía Đông tỉnh Giang Tây, khoảng 10 thành phố đã công bố đợt tuyển dụng diện rộng từ ngày 15-17/5, yêu cầu nhiều vị trí lao động hợp đồng trong 3 năm với mức lương hàng năm từ 300.000 đến 500.000 NDT (khoảng 41.300 - 68.800 USD) trước thuế.

Mặc dù chưa có con số chính xác về số lượng công chức theo dạng hợp đồng, ông Ma Liang, Giáo sư khoa Hành chính công tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về bổ sung nhân lực chuyên môn trong nhiều dự án của chính phủ.

“Công chức theo dạng hợp đồng là lựa chọn lý tưởng để khối cơ quan nhà nước thu hút nhân tài bên ngoài vì phần lớn lực lượng lao động này được lựa chọn dựa trên nhu cầu từng đơn vị, tổ chức".

Giáo sư Ma cho rằng, dù kỳ thi tuyển dụng công chức nhà nước (quốc khảo) sẽ vẫn đóng vai trò "xương sống" trong việc tuyển dụng nhân lực nhưng cùng sự chuyên môn hóa ngày càng tăng trong vị trí công việc ở khối các cơ quan chính phủ đồng nghĩa với tỷ lệ công chức theo dạng hợp đồng dự kiến ​​sẽ tăng lên.

Những băn khoăn, lo ngại

Dù số lượng công chức hợp đồng đang có xu hướng tăng nhưng so về tổng thể thì vẫn chiếm rất nhỏ, khoảng 1/1.000 công chức trên cả nước. Những lo ngại về mức lương cũng như tính chất tạm thời của công việc cũng đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận gay gắt.

Dù số lượng công chức hợp đồng đang có xu hướng tăng nhưng so về tổng thể thì vẫn chiếm rất nhỏ, khoảng 1/1.000 công chức trên cả nước. (Nguồn: VCG)

Do số lượng còn hạn chế nên nhận thức của người dân về vị trí việc làm này còn thấp. Những tháng qua, nhiều đợt tuyển dụng gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều người băn khoăn rằng dù được hưởng mức lương cao nhưng với vị trí công việc trong ngắn hạn, liệu có thể thu hút và giữ chân nhân tài có tay nghề?

Sự hoài nghi càng được nhân đôi bởi những thách thức trong chính quá trình tuyển dụng. Đơn cử, trong một nỗ lực gần đây, chính quyền Khu tự trị Ninh Hạ đề xuất tuyển 11 công chức theo diện hợp đồng, nhưng chỉ có 2 vị trí được tuyển dụng - số còn lại đều không đạt yêu cầu vì có quá ít ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.

“Số lượng chuyên gia thực sự đáp ứng tiêu chuẩn của công chức theo hợp đồng rất hạn chế và họ được chính phủ và thị trường săn đón rất nhiều", Giáo sư Ma Liang lý giải, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nhận thức của người dân về tầm quan trọng của lực lượng lao động này.

Ông cũng đề nghị cung cấp cho các chuyên gia nhiều cơ hội để sử dụng các kỹ năng và thiết lập một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ cho việc quản lý nhân tài với các tiêu chí rõ ràng để gia hạn hợp đồng và thăng chức.

Theo chính sách năm 2017, các thỏa thuận công chức theo hợp đồng thường có thời hạn từ 1 đến 5 năm, có thể được gia hạn dựa trên nhu cầu công việc, đánh giá hiệu quả công việc và nguyện vọng của từng người. Những công chức xuất sắc cũng có thể được chuyển đổi thành công chức chính thức nếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Dù vậy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách công tại Đại học Bắc Kinh, ông Zhuang Deshui cho rằng hiện chưa có quy định rõ ràng nào nêu rõ các tiêu chí cần thiết để công chức theo hợp đồng chuyển đổi thành công chức chính thức.

Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn, khả năng giảm lương cũng khiến một số công chức làm việc theo diện hợp đồng không muốn chuyển đổi sang chế độ chính thức. “Nếu chuyển sang công ty, tôi sẽ phải thương lượng lại mức lương, nhưng nếu trở thành công chức, lương của tôi có thể bị giảm một nửa, điều này khó có thể chấp nhận được”, một công chức diện hợp đồng chia sẻ.

(theo Sixth Tone)