Một khinh hạm lớp Sachsen của Đức. Chính phủ Đức cho biết, theo kế hoạch, giữa năm nay, một khinh hạm của nước này sẽ đi qua Biển Đông. (Nguồn: Bunderswehr) |
Theo kế hoạch của chính phủ Đức, khinh hạm này sẽ khởi hành tới châu Á trong tháng 8 và trong hành trình trở về sẽ đi qua Biển Đông. Tuy nhiên, Đức nhấn mạnh, tàu chiến này sẽ không đi qua cái mà các quan chức gọi là "khu vực 12 hải lý", ý chỉ các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Trong phản ứng đầu tiên về động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, các quốc gia "có quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế", song cho rằng “họ không thể lấy đó làm lý do biện hộ cho việc làm xói mòn chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển”.
Trong khi đó, cùng ngày, Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của đồng minh Đức, gọi đây là sự ủng hộ một “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” trong khu vực, điều mà Washington cho rằng đang bị Trung Quốc đe dọa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và các hoạt động hợp pháp trên biển khác".
"Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với trật tự thế giới dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế có quyền lợi sống còn trong việc duy trì một trật tự hàng hải rộng mở”, quan chức ngoại giao nhấn mạnh.
Trung Quốc đã xây dựng trái phép các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Washington bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên xa bờ ở phần lớn vùng biển này, coi đó là điều “hoàn toàn bất hợp pháp”.