📞

"Tẩu hỏa nhập ma" trên mạng xã hội

13:10 | 01/10/2016
Người sử dụng mạng xã hội (MXH) cho đến lướt các báo hiện nay dường như đang bị ngộp thở giữa biển thông tin quá mênh mông, rộng lớn, với những tin sốc, giật gân đến “quá liều”…

 “Mê cung” trên mạng

Hằng ngày, đọc báo, lướt MXH, đâu đâu cũng thấy chuyện giật gân, từ chuyện đứa bé đến bà già chết vì bị tấm tôn cứa cổ đến thảm án sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh hay rồi thực phẩm bẩn, nhiễm độc… Những thông tin này xuất hiện nhan nhản trên mặt báo khiến người dân hết sức hoang mang, lúng túng, hoài nghi và có cái nhìn bi quan vào cuộc sống.

Nhiễu loạn thông tin trên MXH, cộng với tâm lý đám đông, hiệu ứng “bầy đàn”, “a dua”... cùng với sự thiếu trách nhiệm trong việc chia sẻ các thông tin đã và đang gây ra những cơn khủng hoảng tâm lý trong dư luận.

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, MXH hiện có ảnh hưởng rất lớn đến thế giới quan và nhân sinh quan của mỗi người. Việc tiếp xúc với những thông tin, hình ảnh, những câu chuyện tiêu cực trên MXH thường gây ra những sang chấn tâm lý cho người đọc/người xem, thường nặng nề hơn ở trẻ em. Một số nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, những người tiếp xúc nhiều với hình ảnh, sự việc, câu chuyện tiêu cực thường có điểm số cao hơn trên thang đo sang chấn tâm lý.

Các cơ quan báo chí đang lợi dụng "mảnh đất màu mỡ" MXH để truyền tin đến độc giả. Như chuyện cá chết ở miền Trung thời gian qua. Đành rằng sự việc cá chết là có thật, trong khi nguyên nhân chưa được làm sáng tỏ, thì nhiều tờ báo đua nhau đưa tin cá chết được thu mua để làm mắm, làm đông lạnh để sau này sẽ tung ra thị trường. Kết quả là người dân đổ xô đi mua mắm để tích trữ, đồng thời tẩy chay cá đông lạnh... Chính những vấn đề, hình ảnh bị thổi phồng, những thông tin bị bóp méo trên MXH đã khiến cho tình hình thêm phức tạp, tác động trực tiếp đến tâm lý người dân.

Với một khối lượng thông tin khổng lồ trên MXH, nói cách khác là lượng tin giật gân, tin sốc “quá liều” mà các trang mạng đăng tải đang khiến người sử dụng bị "tẩu hỏa nhập ma".

Biết tin vào đâu trước biển thông tin này? (Nguồn:Tuoitre.vn)

Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Phan Hồng Giang (giảng viên Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) cho biết: “Không thể phủ nhận việc trên báo chí lẫn MXH hiện nay chúng ta phải đối mặt với rất nhiều nguồn thông tin liên quan đến các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống. Người dùng có cảm giác xã hội đang ngày càng rối ren, phức tạp, giống như “ai đó” tạo ra cho chúng ta cảm giác sợ hãi, bi quan về thực tại. Chính sự bi quan ấy sẽ là một tác nhân để “ai đó” tiếp tục quản trị trên sự sợ hãi của chúng ta”.

Làm gì với “trận đồ bát quái” thông tin?

MXH là ảo nhưng lại là “ma trận” kết nối những con người thật lại với nhau. Thạc sĩ Phan Hồng Giang nhận định, rất nhiều phản ứng tập thể xảy ra là do thiếu thông tin hoặc thông tin bị cố tình bóp méo. Vậy vai trò của truyền thông trong vòng vây MXH ở đâu? Người sử dụng cần phải làm sao trước “ma trận” thông tin cũng như có niềm tin hơn vào cuộc sống?

Rõ ràng báo chí không thể chạy theo MXH mà phải đi sâu phản ánh trung thực đời sống xã hội với tính định hướng dư luận cao, góp phần ổn định xã hội và phát triển đất nước. Ngoài mục đích cung cấp thông tin báo chí còn phải hướng mọi người đến những giá trị văn hóa cao hơn, nhân văn hơn.

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có các biện pháp ngăn chặn những thông tin, hình ảnh quá kinh dị trên MXH, đồng thời có chế tài kiểm soát các thông tin đăng tải từ các nhà mạng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần được giáo dục ý thức trong việc bảo vệ con em và cho chính mình trước những cạm bẫy từ Internet.

Với những vấn đề có tính nhạy cảm, có tác động rộng rãi đến dư luận xã hội cần có tính định hướng, tránh tình trạng nhập nhoạng trắng đen, thông tin nhiễu loạn. Tất nhiên, cũng có những trường hợp, dù phản ánh đúng sự thật nhưng không có nghĩa là thông tin gì cũng được đưa lên báo đài. Phải đặt mình vào vị trí của độc giả xem họ muốn đón nhận cái gì, biết gì, đọc gì? Bởi một bài báo, một câu nói có thể tác động đến một người, cũng có thể tác động đến số đông độc giả.

Và mỗi chúng ta với tư cách là người tìm kiếm thông tin dù trên các cơ quan báo chí chính thống hay trên MXH cũng cần phải có bản lĩnh chọn lọc thông tin, tránh tình trạng bị “đầu độc” bởi những thông tin sốc nhưng chưa được kiểm chứng. Mỗi người hãy tự tạo sức đề kháng cho mình, trang bị cho mình vaccine miễn dịch với dòng thác thông tin luôn cuộn chảy.

 “Cái gì cũng có mặt tốt, mặt xấu, MXH cũng thế. Quan trọng là người tham gia tiếp nhận và phản ứng thông tin đó như thế nào? Muốn có cái nhìn đúng đắn thì chúng ta phải tự nâng cao kiến thức, có cái nhìn đa chiều, biết phân tích, không còn cách nào khác, tự mình phải là bậc thầy trong thưởng thức thông tin dù trên báo chí hay MXH” –anh Lê Cương (nghiên cứu sinh ở Yeosu, Hàn Quốc) chia sẻ.

“Văn hóa dùng MXH qua cọ xát mới dày thêm”

Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà báo, Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) cho rằng: "Đọc báo hay lướt MXH không phải chỉ thấy những chuyện buồn, những sự cố, những cái đáng sợ mà còn có bao vấn đề lớn nhỏ của cuộc sống, xã hội được đề cập. Đúng là MXH cũng như cái biển, chẳng ai “lướt” hết được.

Trên mạng có những chuyện đáng sợ là do trong cuộc sống nó có chuyện đó. Và vì nó là vấn đề an sinh, vấn đề dân sinh, nên số đông phải quan tâm, há chẳng phải là vì ta muốn bảo vệ giá trị cuộc sống, vì ta lo các giá trị ấy bị xâm phạm?

Sao ta không nhìn từ khía cạnh tích cực: Với sự ra đời và phát triển của MXH, người ta có không gian rộng mở chưa từng thấy để biết nhiều người khác nghĩ gì, để chia sẻ suy nghĩ của mình và để cọ xát, tiếp nhận các quan điểm, ý kiến.

Đúng là những bịa đặt, sai lạc chủ ý hay vô ý khi lan truyền trên mạng có sự tàn phá ghê gớm hơn sự bịa đặt hay sự ác ý trong cuộc sống khi chưa có Internet. Chính vì thế, các nguyên tắc pháp quyền để bảo vệ con người có trong cuộc sống thì cũng phải có với thông tin qua MXH. Nhưng với đa số các trường hợp, khi chưa đến mức pháp luật phải điều chỉnh, thì sự điều chỉnh nằm ở bản thân ý thức con người khi tham gia “lưu thông” trên mạng.

Tại sao ta không đặt vấn đề đọc, xem mạng thì phải biết đối chiếu, sàng lọc, phân tích? Tại sao ta không cùng xây dựng các nguyên tắc đạo lý và cả các nguyên tắc pháp lý cho thông tin mạng, mà cứ than thở chuyện MXH có thể làm ta bị lạc lối?

Có thể bị nhầm lẫn, bị tin lầm lần này, lần kia, nhưng về tổng thể người biết đi đúng trong đời thực thì cũng đi đúng đường trên mạng. Văn hoá và bản lĩnh tham gia MXH cũng là cái qua cọ xát mới dày thêm. Và tôi có niềm tin là thời kỳ ồn ã và lúng túng sẽ qua, người tham gia MXH sẽ dần có sự bình tâm và chắc chắn hơn trong sàng lọc, đánh giá thông tin".