Sau hơn 7 năm kể từ khi đưa vào biên chế chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên kể từ khi Liên Xô cũ sụp đổ, Hải quân Nga đã tiếp nhận chiếc tiếp theo, mạnh mẽ và hiện đại hơn.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen-M hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt của Hải quân Nga. (Nguồn: National Interest) |
Ngày 7/5, Bộ Quốc phòng Nga công bố, tàu ngầm hạt nhân Kazan thuộc lớp Yasen-M đã chính thức được giao cho hải quân nước này. Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Tổng tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Yevmenov cho biết, tàu ngầm hạt nhân Kazan có hệ thống vũ khí uy lực, cho phép thực hiện các nhiệm vụ ở tất cả các đại dương trên thế giới. Tàu ngầm được thiết kế để tấn công hàng loạt các mục tiêu trên biển và mặt đất.
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình đại tu và hiện đại hoá hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Nga, vốn chủ yếu được đóng từ thời Chiến tranh Lạnh.
Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga mới chỉ giới thiệu một thiết kế hoàn toàn mới là tàu Severodvinsk, thuộc lớp Yasen (hay Đề án 885).
Hiện đại, mạnh mẽ, ưu việt
Kazan là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên thuộc thế hệ thứ tư của lớp Yasen-M, được Cục Thiết kế hàng hải Malakhit phát triển. Các tàu ngầm hạt nhân này được đóng tại các cơ sở của Công ty cổ phần PO Sevmash.
Đề án tàu ngầm lớp Yasen-M, hay còn gọi là Đề án 885-M là gói hiện đại hóa nhằm lấp đầy khoảng cách 16 năm giữa tàu Yasen đầu tiên được vận hành là Severodvinsk. Ngoài Kazan, Nga còn dự định đưa vào biên chế thêm một chiếc tàu ngầm mang tên Novosibirsk vào cuối năm 2021.
Tàu ngầm hạt nhân đa năng Kazan được thiết kế để tiêu diệt tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, phương tiện vận tải và các mục tiêu mặt đất của đối phương. Tàu ngầm được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng, bệ phóng kiểu salvo dành cho tên lửa hành trình chính xác cao Kalibr và Onyx, với tầm bắn lên tới 1.500 và 300 km.
Hình ảnh cắt lớp của tàu ngầm lớp Yasen-M. |
Các vũ khí này có thể tiêu diệt các mục tiêu theo nhóm, được bảo vệ cao, bao gồm cả những mục tiêu được trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Ngoài ra, vũ khí tấn công của tàu ngầm hạt nhân đề án 885/885M còn được trang bị 30 ngư lôi cỡ nòng 533 mm. Trong tương lai, Nga có kế hoạch trang bị vũ khí siêu thanh hiện đại Zircon cho tất cả các tàu lớp Yasen-M.
Các đặc điểm hoạt động chính của Kazan và các tàu lớp Yasen-M hiện chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tàu ngầm hạt nhân hiện đại hóa này tương tự như tàu Severodvinsk, được đưa vào biên chế Hạm đội phương Bắc vào tháng 6/2014 về trọng lượng, kích thước, vũ khí tấn công, đặc tính cấu tạo và tốc độ. Những điểm khác biệt chủ yếu là các thiết bị điện tử trên tàu.
Đặc điểm khác biệt quan trọng của các tàu ngầm dòng Yasen-M là hoạt động của chúng tạo ra độ ồn thấp. Đây có thể là tàu ngầm yên tĩnh nhất trên thế giới.
Thân tàu được làm bằng thép có từ tính thấp (các yêu cầu đối với vật liệu như vậy liên quan đến các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về độ an toàn, độ tin cậy và thân thiện với môi trường). Phần đầu được phủ bằng hợp kim nhẹ đặc biệt. Các nhà thiết kế sắp xếp hợp lý và giảm tiếng ồn dưới nước. Ngoài ra, thân tàu Yasen được lót bằng cao su hấp thụ tiếng ồn, giúp ngăn radar thủy âm phát hiện tàu ngầm có kích thước khá lớn.
Một thủ thuật khác được tàu ngầm Nga sử dụng là chỉ có động cơ hoạt động ở tốc độ thấp. Công suất chính thông qua bộ ly hợp đặc biệt chỉ được khởi động ở các chế độ tốc độ cao - loại bỏ được vấn đề cánh quạt ồn khi di chuyển ở tốc độ thấp và trung bình.
Ngoài ra, các tàu ngầm lớp Yasen-M có chiều dài 139 m, đường kính 15 m, lượng choán nước khi nổi 8.600 tấn, 13.800 tấn khi lặn, độ sâu lặn tối đa 580 m. Yasen-M là lớp tàu ngầm đầu tiên của Nga được trang bị lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 4, có thể hoạt động liên tục 30 năm mà không cần nạp nhiên liệu.
Cải tiến kỹ thuật quan trọng khác trong tàu ngầm lớp Yasen là buồng cứu hộ được thiết kế để sơ tán toàn bộ thuỷ thủ đoàn. Thiết bị này do các chuyên gia trong nước cải tiến, có tính đến kinh nghiệm của các vụ tai nạn, sự cố trên tàu ngầm trong và ngoài nước.
Lịch sử phức tạp
Như đã nói ở trên, quá trình thiết kế và chế tạo ra tàu ngầm lớp Yasen-M đã trải qua hàng chục năm bởi những gián đoạn khi Liên Xô cũ sụp đổ.
Ban đầu, tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ tư của Nga được vẽ phác thảo vào năm 1977, với ý tưởng tạo ra một tàu tuần dương săn ngầm đa năng có khả năng giải quyết nhiều nhiệm vụ nhất có thể. Nhà thiết kế loạt tàu ngầm hạt nhân mới này là Văn phòng thiết kế Leningrad “Malakhit”, kiến trúc sư trưởng là Vladimir Nikolayevich Pyalov - một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực đóng tàu ngầm.
Tuy nhiên, những thiết kế này đã bị lãng quên trong suốt thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Ngoài ra, thời gian này, quân đội Nga cũng không đề cao sự phát triển của tàu ngầm tấn công, nhằm nhường chỗ cho hàng loạt các dự án hải quân đầy tham vọng khác.
Cho đến năm 2004, các nhà thiết kế mới lục lại Đề án 885-M và tiếp tục quá trình phát triển tàu ngầm thế hệ mới.
Cũng vì sự gián đoạn lâu dài, tàu ngầm lớp Yasen-M đã có nhiều sửa đổi đáng kể để phù hợp với điều kiện mới. Lần đầu tiên, nhiều giải pháp kỹ thuật chưa được áp dụng trong ngành đóng tàu trong nước đã được sử dụng trong dự án.
Những năm trở lại đây, có một số dự đoán cho rằng Đề án Yasen-M có thể bị cắt giảm và ngừng hẳn vì lý do tài chính. Nguyên nhân là Yasen-M tiêu tốn khoảng 1,6 tỷ USD chi phí sản xuất, trong khi đó lớp Borei-A, một dòng tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạng nặng có giá rẻ hơn đáng kể, chỉ với 700-800 triệu USD mỗi chiếc.
Nhưng Bộ Quốc phòng Nga dường như rất tin tưởng vào tính bền vững của dự án nên họ đã quyết định mở rộng dòng Yasen-M từ sáu đến tám tàu ngầm vào đầu năm 2019.
Trong số tám tàu đó, hai tàu Kazan và Novosibirsk đã được hạ thủy và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động trong các hạm đội phía Bắc và hạm đội Thái Bình Dương. Sáu chiếc tàu còn lại đang tiếp tục được đóng theo các giai đoạn khác nhau, với ba tàu ngầm mang tên Krasnoyarsk, Arkhangelsk và Perm dự kiến sẽ được ra mắt trong năm nay.
Sau nhiều đợt trì hoãn trong thập kỷ trước, Hải quân Nga có kế hoạch tiếp nhận tất cả các tàu ngầm Yasen-M còn lại vào biên chế vào năm 2027.
Nga đang cùng một lúc thiết kế và đóng 6 lớp tàu ngầm khác nhau. (Nguồn: Forbes) |
Sự trở lại của tàu ngầm Nga
Trong cuộc đua hiện đại hóa vũ khí quân sự ngày nay giữa các nước lớn, nhất là với tàu ngầm hạt nhân, Mỹ và Nga là hai cái tên đang có những bước chuyển biến tích cực nhất.
Tuy nhiên, Mỹ và Nga đang có những hướng đi khá khác biệt. Mỹ chỉ tập trung đóng một loại tàu ngầm duy nhất mang tên Virginia. Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh lớp Virginia đa dụng được phát triển vào những năm 2000 sau khi lớp Seawolf bị hủy do Mỹ không cần chiến hạm lớn, mạnh và có khả năng lặn sâu.
Tàu ngầm lớp Virginia được thiết kế như chiến hạm đa năng có khả năng chiến đấu, thu thập thông tin tình báo, triển khai người nhái và phóng tên lửa hành trình.
Ngược lại, Nga có lịch sử đóng nhiều lớp tàu ngầm từ thời Chiến tranh Lạnh. Mỗi tàu ngầm đảm nhận một vai trò riêng biệt. Hiện tại, Moscow vẫn tiếp tục tiêu chí này. Vì vậy, bất chấp những thách thức về ngân sách, Nga lại có sự đầu tư lớn vào tàu ngầm khi đồng thời phát triển sáu lớp tàu ngầm riêng biệt.
Có thể thấy, với sự thành công của Yasen-M cùng các tàu sẽ được hạ thủy trong tương lai, Nga đã thu hẹp đáng kể “khoảng cách vô hình” giữa công nghệ phát triển tàu ngầm giữa Mỹ và Nga, đã kéo dài suốt từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay.
Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Igor Korotchenko cho rằng, sự xuất hiện của các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân đề án 885M sẽ làm tăng khả năng tấn công và phòng thủ của Hải quân Nga. Tàu ngầm lớp Yasen-M sẽ củng cố đáng kể vị thế của Hải quân Nga, cho phép thực hiện hiệu quả hơn và chất lượng cao hơn các nhiệm vụ được giao.
Ông Korotchenko kết luận: “Với việc đưa vào trang bị các tàu ngầm hạt nhân mới, Hải quân Nga sẽ nhận được gia tăng đáng kể sức mạnh răn đe hạt nhân trên tàu ngầm”.