📞

Tây Âu vẫn 'tấp nập' đón hàng, EU 'tung' chiến dịch mới, quyết chặn đứng đường vào của LNG Nga

Linh Chi 09:45 | 04/04/2024
Các nước Tây Âu đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, về khí đốt, thay vì mua mặt hàng này qua đường ống của Nga, các nước Tây Âu lại chọn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
. (nguồn: WSJ)

Rộ làn sóng mua LNG Nga

Năm ngoái, Nga đã đưa các tàu chở hơn 35 triệu m³ LNG vào các cảng của EU.

Ana-Maria Jaller-Makarewicz, chuyên gia phân tích năng lượng tại IEEFA thông tin, hoạt động chuyển tải (chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác trên đường đi) đã giảm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang diễn ra với quy mô lớn. Vị chuyên gia này khẳng định: "Hợp đồng chuyển tải LNG Nga đã bị cấm tại Anh và Hà Lan, nhưng vẫn sôi động giữa các tàu hàng tại Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha".

EU sẽ có một công cụ mới

Trước thực trạng này, khối 27 thành viên đang dần gây áp lực nhiều hơn lên các nhà nhập khẩu LNG Nga thông qua việc cắt giảm lượng nhập khẩu trong năm nay. Chiến dịch này là một phần trong nỗ lực của châu Âu nhằm thay đổi nguồn cung và làm suy yếu nguồn tài chính của Nga.

Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson cho biết: “Thông điệp của tôi là năm nay phải giảm bớt xuất khẩu của Nga hơn nữa. Tại EU, chúng tôi đang dần dần gây áp lực lên các doanh nghiệp để giảm việc mua LNG Moscow. Nguồn cung của Mỹ là rất quan trọng”.

Các chính phủ EU sẽ có một công cụ mới để ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga sau khi một luật mới hiệu lực. Luật này sẽ cho phép ngăn chặn các dòng chảy đó mà không sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Quy định này cũng nhằm ngăn chặn các nhà xuất khẩu Nga và Belarus tiếp cận cơ sở hạ tầng cần thiết cho các chuyến hàng LNG và bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của khối 27 thành viên.

Một số quốc gia thành viên trong khối đã kêu gọi Ủy ban châu Âu đảm bảo sử dụng quy định một cách phối hợp để tránh các chuyến hàng bị chuyển hướng sang các nước láng giềng.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đồng ý đi theo hướng này. Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten tuyên bố rằng, các hợp đồng trung chuyển dài hạn gây khó khăn cho việc loại bỏ LNG Nga.

Ông nói: “Ở Bỉ, chúng tôi thực sự đang phải đối mặt với những hợp đồng cụ thể đã được ký kết trước xung đột Nga-Ukraine và hiện vẫn phải giải quyết vấn đề này. Đây là điều mà chúng tôi không thể đơn phương thực hiện”.

(theo Reuters, Bloomberg)