📞

Tây Ban Nha: Khả năng tổ chức lại Tổng tuyển cử

06:00 | 16/04/2016
Các nỗ lực của nhà Vua Tây Ban Nha qua hai vòng tham vấn với các chính đảng về việc thành lập chính phủ mới đều chưa đưa đến thành công.

Theo Người Phát ngôn Hoàng gia, ngày 12/4/2016, nhà Vua Tây Ban Nha đã quyết định sẽ tiến hành một vòng tham vấn nữa với các đảng phái chính trị của Tây Ban Nha trong một nỗ lực cuối cùng để thuyết phục họ đứng ra thành lập Chính phủ liên minh và tránh cho người dân lại phải đi bầu một lần nữa.

Quốc hội “treo”

Theo thông cáo của Hoàng Gia, dự kiến vào hai ngày ngày 25 và 26/4 tới, Vua Filipe VI sẽ gặp riêng lần lượt từng chính đảng của Tây Ban Nha đã giành được nhiều ghế trong cuộc tổng tuyển cử bất phân thắng bại cuối tháng 12/2015.

Nếu các đảng phái không thể tìm được tiếng nói chung về việc giới thiệu một ứng cử viên phù hợp cho vị trí Thủ tướng có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội trong thời gian tới thì Nhà Vua sẽ phải giải tán Quốc hội và yêu cầu tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử mới.

Nhà vua Tây Ban Nha Filipe VI

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 20/12/2015 đã đặt dấu chấm hết cho hệ thống chính trị truyền thống lưỡng đảng của Tây Ban Nha với việc hai chính đảng lớn của Tây Ban Nha là Đảng Công nhân Xã hội (PSOE) và Đảng Nhân dân (PP) thay nhau nắm quyền gần 40 năm nay. Nguyên nhân đưa đến tình trạng này là do cử tri đã quá chán nản với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tình trạng thất nghiệp và các vụ bê bối về tham nhũng. Nhiều cử tri đã dồn phiếu bầu cho hai chính đảng mới nổi, dẫn đến tình trạng Quốc hội ''treo'' với 4 đảng giành được nhiều ghế nhất so với tất cả các đảng còn lại nhưng lại không có đảng nào giành đủ số ghế để tự đứng ra thành lập Chính phủ đa số.

Nỗ lực bất thành

Đảng Công nhân Xã hội đứng thứ hai về số ghế tại Quốc hội sau bầu cử đã nỗ lực lập liên minh với đảng trung hữu mới nổi Ciudadanos (Đảng Công dân), nhưng họ không thể giành được sự ủng hộ đa số của Quốc hội để lập Chính phủ sau cả hai vòng bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hồi tháng 3 năm nay.

Tổng thư ký Đảng Công nhân Xã hội Pedro Sanchez cũng đã nỗ lực rất nhiều nhưng bất thành trong suốt quá trình thuyết phục Đảng cực tả mới nổi Podemos ủng hộ một ''Chính phủ tạo ra thay đổi'' với sự tham gia của cả ba đảng Xã hội, Ciudadanos và Podemos.

Vào tuần trước, các cuộc thương thuyết giữa ba đảng này đã đổ vỡ chỉ sau chưa đầy 24 giờ đồng hồ kể từ khi khởi động đàm phán. Nguyên nhân chính là do hố sâu ngăn cách hay khác biệt quá lớn giữa Ciudadanos và Podemos về chính sách kinh tế và một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của xứ Catalan - một vùng tự trị giàu có ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha, có thủ phủ là thành phố Barcelona.

Đảng Công nhân Xã hội đã được giao trách nhiệm đứng ra lập Chính phủ sau khi Thủ tướng tạm quyền Mariano Rajoy - lãnh đạo của Đảng Nhân dân (PP) là đảng giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2015 nhưng không đạt được đa số tuyệt đối tại quốc hội - từ chối đứng ra lập Chính phủ vì không nhận được sự hậu thuẫn của các đảng khác.

Theo Hiến pháp của Tây Ban Nha, ngày 2/5/2016 là thời hạn cuối cùng để bỏ phiếu tín nhiệm lập chính phủ mới sau tổng tuyển cử. Sau ngày này nếu vẫn chưa có chính phủ thì ngày 26/6/2016 cử tri Tây Ban Nha sẽ phải đi bỏ phiếu trong một cuộc tổng tuyển cử mới.

(tổng hợp)